14:38 27/03/2023

Sản xuất vải nội địa: Chìa khóa nâng cao giá trị ngành dệt may Việt Nam

Tuấn Sơn

Dệt may được xem là lĩnh vực chủ chốt của nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 2022, doanh thu ngành dệt may Việt Nam đạt 50 tỷ USD, trong đó có đến 44 tỷ USD là từ xuất khẩu...

DOANH THU CAO NHƯNG LỢI NHUẬN CẦM CHỪNG

Thuộc nhóm 5 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với chỉ số tăng trưởng bình quân 8% một năm, Việt Nam có hơn 10.000 doanh nghiệp trong ngành dệt may, tạo công ăn việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Tuy mang lại doanh thu cao cho nền kinh tế nhưng lợi nhuận từ dệt may lại không quá ấn tượng, đặc biệt khi 70% doanh thu toàn ngành lại đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.

Lý giải nguyên nhân vì sao lợi nhuận ngành dệt may chưa cao như kỳ vọng, dù doanh thu luôn ở top đầu, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa thật sự lựa chọn hoặc chưa tận dụng hết các phương thức sản xuất để xuất khẩu.

Hiện nay, phương thức gia công (CMT), với 100% nguồn cung vải do đối tác cung cấp, vẫn là phương thức chủ lực của ngành may mặc, khi có đến 70% doanh nghiệp sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, CMT chỉ mang về 1 lần lợi nhuận.

Trong khi đó, phương thức OEM - tự cung cấp vải, có thể mang về lợi nhuận gấp 3, 4 lần nhưng chỉ gần 25% doanh nghiệp sử dụng và chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Còn hai phương thức ODM - cung cấp cả thiết kế và vải, và OBM - sản xuất thương hiệu gốc, có thể mang lại lợi nhuận cao từ 5 đến hơn 15 lần thì lại chưa được bất kỳ doanh nghiệp nào áp dụng.

TỰ CHỦ NGUỒN CUNG VẢI LÀ BƯỚC ĐI TỰ CỨU LẤY MÌNH CỦA NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM

Theo các chuyên gia, để ngành dệt may Việt Nam có thể khai phá tối đa tiềm năng của mình và nâng cao lợi nhuận, điều kiện tiên quyết là phải chuyển đổi từ phương thức CMT lên OEM, xa hơn nữa là ODM và OBM.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung vải. Năng lực sản xuất vải nội địa hiện chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu, thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 64%, nghĩa là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn đến hơn 50% thị phần để tự sản xuất vải và “đánh chiếm” dần dần.

Chưa kể, vải sản xuất tại Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu xuất xứ hàng hóa từ các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Đó thật sự là một mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển, không chỉ để đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn và bền vững.

Quyết định số 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 29/12/2022 phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, cũng đặt mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa đạt 51% - 55% nhu cầu cho giai đoạn 2021-2025 và 56% - 60% nhu cầu cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, hiện nay, do những yêu cầu khắt khe về tính bền vững và môi trường, các khu công nghiệp chuyên biệt có đủ điều kiện để tiếp nhận đầu tư sản xuất vải tại Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi.

Hiện chỉ có 3 khu công nghiệp hội tụ đầy đủ điều kiện tham gia vào sản xuất sợi dệt, trong đó, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Aurora IP) do Tập đoàn Cát Tường đầu tư và phát triển, tọa lạc tại Nam Định, là một trong những khu công nghiệp "hạt nhân" tại miền Bắc, có đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng nguồn vải đầu vào cho toàn ngành dệt may Việt Nam.

Sản xuất vải nội địa: Chìa khóa nâng cao giá trị ngành dệt may Việt Nam   - Ảnh 1

AURORA IP - KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI TẬP TRUNG THU HÚT VÀO CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ DỆT MAY

Tập trung thu hút vào công nghiệp hỗ trợ dệt may, đặc biệt là phân khúc dệt nhuộm, Aurora IP được định hướng phát triển trở thành khu công nghiệp dệt may thông minh - sinh thái. Được các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất vải của thế giới như Top Textiles, Jehong Textile & C.D BVI... tìm đến và lựa chọn, Aurora IP kết nối trực tiếp với hầu khắp các tuyến đường trực thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, dễ dàng tiếp cận với các hạ tầng cao tốc đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Vị trí địa lý thuận lợi này giúp các doanh nghiệp “đóng quân” tại Aurora IP có thể tối ưu chi phí vận chuyển, tạo thành chuỗi cung ứng khép kín. Với tầm nhìn quy hoạch để tạo ra 1 tỷ mét vải trên tổng diện tích khu công nghiệp 520ha, Aurora IP hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất vải trong nước và hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa sản xuất vải trong thời gian tới.

Sản xuất vải nội địa: Chìa khóa nâng cao giá trị ngành dệt may Việt Nam   - Ảnh 2

Tại buổi Hội thảo chiều ngày 23/3 trong chuỗi sự kiện Triển lãm Quốc Tế Vải cao cấp TexFuture 2023, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó chủ tịch thường trực Cát Tường Group, có chia sẻ với công thức “1 bình + 9 thông”, Aurora IP đáp ứng mọi tiêu chí để sản xuất vải khi có cả một hệ sinh thái hoàn thiện.

Cụ thể bao gồm: hệ thống nước cấp, hệ thống xử lý nước thải, điện, viễn thông, giao thông kết nối, hạ tầng xã hội, kho vận, ưu đãi đầu tư và nhân lực (9 thông), tập trung trên một khu vực đất công nghiệp rộng lớn và được đầu tư bài bản, quy mô (1 bình). Khu công nghiệp Aurora IP cũng hội đủ các điều kiện cần thiết giúp chủ đầu tư phát triển bền vững như sự đồng thuận, ủng hộ và ưu đãi đầu tư từ chính quyền địa phương, người dân, người lao động, cộng đồng xã hội, môi trường, đối tác, nhà phát triển hạ tầng...

Có thể nói, nếu tương lai của ngành dệt may Việt Nam là nâng cao tỷ lệ vải nội địa thì Aurora IP chính là con tàu đồng hành đưa ngành dệt may Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI nói riêng, sớm đạt được mục tiêu và xây dựng trường lợi nhuận bền vững theo thời gian.