12:07 27/10/2015

Sao không “phát mại” cổ phiếu ngân hàng 0 đồng?

Minh Đức

Cơ sở pháp lý trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém bằng mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng

Ngoài các cơ sở pháp lý Ngân hàng Nhà nước dẫn ra, còn có một quyết định của Thủ tướng Chính phủ không công bố, đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép 
Ngân hàng Nhà nước được thực thi các biện pháp, mang tính cấp thiết và 
quyết liệt để xử lý các ngân hàng yếu kém dây dưa.
Ngoài các cơ sở pháp lý Ngân hàng Nhà nước dẫn ra, còn có một quyết định của Thủ tướng Chính phủ không công bố, đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép Ngân hàng Nhà nước được thực thi các biện pháp, mang tính cấp thiết và quyết liệt để xử lý các ngân hàng yếu kém dây dưa.
Vẫn là những câu hỏi đặt ra tại buổi tọa đàm chiều 26/10, về cơ sở pháp lý trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém bằng mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.

Tình huống trên được luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, đặt ra trong tham luận của mình.

Trước khi trả lời câu hỏi trên, luật sư Đức nhìn vào một khía cạnh khác nữa.

Điểm mờ của pháp luật?

Ông Trương Thanh Đức nhìn nhận: với những ngân hàng 0 đồng, dù là giao dịch mua bán cổ phiếu hoặc chuyển nhượng cổ phần thì cũng phải có đủ hai bên là bên mua hoặc bên nhận chuyển nhượng và bên bán hoặc bên chuyển nhượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ thấy xuất hiện một bên mua là Ngân hàng Nhà nước, mà không có bên bán là cổ đông của ngân hàng thương mại.

Vậy, việc mua bán hoặc chuyển nhượng bắt buộc trong trường hợp này, liệu có được áp dụng tương tự như đối với việc trưng mua tài sản, mà không nhất thiết phải có sự đồng ý của bên bán phải được hiểu như thế nào?

“Phải chăng, đây là một điểm mờ của pháp luật nên buộc Ngân hàng Nhà nước phải quyết định hành động như đã diễn ra trên thực tế?”, luật sư Trương Thanh Đức đặt các câu hỏi.

Trong khi đó, tiết lộ tại tọa đàm, ngoài các cơ sở pháp lý Ngân hàng Nhà nước dẫn ra, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa có đề cập đến một quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cho phép Ngân hàng Nhà nước được thực thi các biện pháp, mang tính cấp thiết và quyết liệt để xử lý các ngân hàng yếu kém dây dưa.

Một số chuyên gia pháp lý tại tọa đàm trên cũng nhấn mạnh đến quyết định trên của Thủ tướng, với lưu ý là đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng Ngân hàng Nhà nước mua được?

Cũng trong tham luận của luật sư Trương Thanh Đức, một tình huống khác được đặt ra.

Giá trị tài sản của ba ngân hàng được xác định theo cách đánh giá, tính toán trên sổ sách, giấy tờ dựa theo các quy định về hạch toán và phân loại nợ. Do giá trị tài sản của ba ngân hàng thương mại được xác định là giá trị âm, nên mỗi cổ phần, cổ phiếu chỉ được định giá là 0 đồng.

Nhưng, theo ông Đức, nếu mang bán đấu giá số cổ phần đó, thì có thể bán được hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cũng rất có thể không có người mua, hay cũng chỉ mua với giá quanh mức 0 đồng.

“Tuy nhiên, vì không có quy định pháp luật về việc bán đấu giá trong trường hợp này, nên tình huống “phát mại” cổ phiếu đã không xẩy ra. Và sự an nguy của hệ thống ngân hàng cũng không thể chờ đợi để có thể thực hiện được việc này”, luật sư Đức lý giải.

Cùng hướng với nhìn nhận trên, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa gián tiếp bổ sung, nếu thông tin về tình trạng tài chính của các ngân hàng yếu kém trước khi bị mua lại 0 đồng mà lọt ra ngoài, “dân ồ ạt rút tiền thì chết”. Khi đó có đấu giá ai dám mua? Nhưng nhờ Ngân hàng Nhà nước mua lại nên dân mới tin và vẫn gửi tiền.

TS. Trần Du Lịch cũng cùng quan điểm khi cho rằng, nếu bán đấu giá cổ phần những ngân hàng đó, sẽ không có ai đứng ra mua mà người dân tin tưởng để tiếp tục gửi tiền vào đó. Chỉ có Ngân hàng Nhà nước mua bằng uy tín, mua bằng cơ chế để đảm bảo và xử lý theo lẽ “con dại cái mang”.

Trong giải pháp trên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Ngân hàng Nhà nước không cần phải mua lại 100%, mà chỉ cần 65% tổng số cổ phiếu là đã có toàn quyền để tự quyết định mọi vấn đề, theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, vì giá cổ phiếu là 0 đồng, nên việc mua lại bao nhiêu phần trăm cũng không khác nhau nhiều. Việc mua lại 100% sẽ đơn giản, thuận tiện hơn cho Ngân hàng Nhà nước, trong đó có việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ ngân hàng thương mại cổ phần hay ngân hàng thương mại cổ phần TNHH một thành viên.

Đây cũng là một trường hợp đặc biệt, vì pháp luật hiện hành chỉ có quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần hoặc loại hình khác, chứ không có quy định việc chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty TNHH 100% vốn Nhà nước.

Về tổng thể, luật sư Trương Thanh Đức kết luận: các quyết định của Ngân hàng Nhà nước đều dựa trên căn cứ pháp luật, nhằm giải quyết tình thế, là cần thiết, có ý nghĩa sống còn tránh nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng; bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đồng thời có tác dụng hữu hiệu trong việc chặn đứng tình trạng bất tuân thủ các yêu cầu, điều kiện bảo đảm an toàn đối với hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, sự việc diễn ra trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa đầy đủ và cụ thể, rõ ràng để xử lý các trường hợp này.