09:07 06/02/2025

Sau Mỹ, thêm một nước rút khỏi WHO

Ngọc Trang

Quyết định được đưa ra chỉ hơn 2 tuần kể từ khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO...

WHO có trụ sở tại  Geneva, Thụy Sỹ - Ảnh: Getty Images
WHO có trụ sở tại  Geneva, Thụy Sỹ - Ảnh: Getty Images

Theo thông báo ngày 5/2 của ông Manuel Adorni - người phát ngôn của Tổng thống Argentina Javier Milei - Argentina sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Quyết định được đưa ra chỉ hơn 2 tuần kể từ khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi tổ chức y tế toàn cầu này.

“Tổng thống Javier Milei đã chỉ thị cho Bộ trưởng Ngoại giao Gerardo Werthein rút Argentina khỏi WHO”, ông Adorni cho biết và nói rằng quyết định trên bắt nguồn từ “sự khác biệt sâu sắc” với tổ chức y tế toàn cầu trực thuộc Liên hợp quốc (UN), đặc biệt trong đại dịch Covid-19.

Ông Adorni cũng chỉ trích chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Alberto Fernández vì cách xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến “chúng ta rơi vào thời kỳ phong tỏa dài nhất trong lịch sử loài người”.

“Một lý do khác cho chỉ thị của Tổng thống Milei là sự thiếu độc lập về mặt chính trị của WHO với một số quốc gia. Người Argentina sẽ không cho phép một tổ chức quốc tế can thiệp vào chủ quyền của chúng tôi và càng được không can thiệp vào vấn đề sức khỏe của chúng tôi”, ông Adorni giải thích thêm.

Ông khẳng định việc rời khỏi WHO sẽ “không gây ra tổn hại nào cho đất nước” cũng như không ảnh hưởng gì tới chất lượng dịch vụ y tế tại Argentina. Ngược lại, ông nói rằng việc này giúp Argentina trở nên linh hoạt hơn trong việc triển khai các chính sách y tế phù hợp và mang lại lợi ích cao nhất cho người dân.

“Theo chỉ thị của Tổng thống Milei, chúng tôi đã khởi động quá trình để Argentina ngừng là một phần của WHO. Chúng tôi, những người Argentina, không cho phép bất kỳ tổ chức quốc tế nào can thiệp vào chủ quyền đất nước và sức khỏe của người dân”, Bộ trưởng Y tế Argentina Mario Lugones viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X. “Argentina không nhận tài trợ từ WHO và dù một số dự án hợp tác kỹ thuật giữa hai bên có thể nhận được tài trợ nhưng các dự án này được thực hiện thông qua Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO)”.

Vị Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng “việc rời khỏi WHO không đồng nghĩa rời khỏi PAHO - tổ chức vốn tồn tại từ trước và phụ thuộc vào Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS)”.

Tuần trước, Chính phủ Argentina thông báo chi tiết về việc cắt giảm chi tiêu cho các hạng mục y tế, đặc biệt liên quan tới Cơ quan quản lý HIV và vaccine. Đây là những hạng mục được đánh giá là “tiêu tốn quá mức”.

Trong khi đó, Bộ Y tế Argentina nhấn mạnh quá trình “tái cấu trúc” đang diễn ra sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động cũng như việc thực thi các nhiệm vụ quốc gia của cơ quan này.

“Chúng tôi quyết định không gia hạn nhiều hợp đồng của cơ quan quản lý HIV và vaccine. Chúng tôi cho rằng cần phải thành lập các nhóm làm việc theo cách khác để tránh mua hàng trực tiếp từ một nhà cung cấp duy nhất, tránh việc vứt bỏ vaccine và những vật tư y tế trị giá hàng triệu USD. Chúng tôi cần các nhóm hành động mới để ứng phó với những thách thức mới, chứ không phải là bổ sung những gì đã được chứng minh là không hiệu quả”, tờ báo Crónica dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Argentina cho biết.

Theo nguồn tin, chỉ tính riêng vaccine cúm, từ năm 2021 đến năm 2023, số tiền bị lãng phí là 12,3 triệu USD. Năm nay, Bộ Y tế Argentina sẽ tránh được việc tiêu hủy 2,9 triệu vaccine trị giá 16 triệu USD.

Trước đó, nói về quyết định cắt đứt quan hệ với WHO của Mỹ, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết điều này “làm trầm trọng thêm tình hình tài chính của tổ chức, đồng thời gây ra sự quan ngại và bất ổn lớn trong đội ngũ nhân viên WHO”.

Trong sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO, ông Trump nói rằng tổ chức này đã xử lý không tốt đại dịch Covid-19, đồng thời không thực hiện những cải cách cần thiết và không chứng minh được sự độc lập trước ảnh hưởng chính trị bất hợp lý của các nước thành viên. Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích việc WHO yêu cầu Mỹ “trả những khoản tiền lớn một cách thiếu công bằng” so với các nước thành viên khác, điển hình là Trung Quốc.

Trong hai năm 2022-2023, Mỹ là nước tài trợ lớn nhất cho WHO với 1,28 tỷ USD, trong khi Trung Quốc đóng góp 157 triệu USD.

Đầu tuần này, ông Trump yêu cầu tất cả các cơ quan liên bang tạm dừng "chuyển tiền, cung cấp hỗ trợ hoặc nguồn lực của chính phủ Mỹ cho WHO". 

Được thành lập vào năm 1948, WHO là một cơ quan chuyên môn của UN có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Tổ chức này có sứ mệnh phục vụ sức khỏe toàn cầu và đảm bảo mọi người dân đều có thể đạt được mức độ sức khỏe tối đa. Tổ chức này hiện có khoảng 190 thành viên, đều là các nước thành viên của UN.