09:36 22/12/2021

Sẽ trình Quốc hội dự thảo thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ

Quang Trung

Chiều 21/12, thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 6 (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ...

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Cần Thơ. 

Về nội dung dự thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Nghị quyết tập trung quy định về: Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; Quản lý đất đai; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ; Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông - Ảnh: Quochoi.vn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông - Ảnh: Quochoi.vn

Theo dự thảo Nghị quyết, về quản lý tài chính ngân sách nhà nước, đối với mức dư nợ vay, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước...

Đối với việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, theo đề xuất của Chính phủ, các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư….

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết quy định hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và giao nhiệm vụ cho các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, sơ kết, tổng kết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường - Ảnh: Quochoi.vn

Đồng tình với nhiều nội dung đề xuất về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước tại Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đề xuất cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp, nhằm góp phần tạo dư địa để thành phố Cần Thơ huy động tối đa nguồn lực, đột phá trong phát triển và cũng tương đồng với mức dư nợ được áp dụng cho một số địa phương như thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa.

Về quản lý đất đai, quy hoạch, Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất này.

"Tuy nhiên, với đặc thù là địa phương nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giữ nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, vì vậy, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cần được cân nhắc thận trọng hơn so với các địa phương khác vừa có cơ chế đặc thù. Theo đó, ngoài việc quy định rõ việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của người phân và được phân cấp để bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát", ông Cường nhấn mạnh. 

Về dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết có chính sách khuyến khích xã hội hóa nguồn lực trong thực hiện các dự án nạo vét luồng hàng hải.

Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc thành lập Trung tâm và các nội dung ưu đãi. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bao quát, chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, lợi dụng chính sách, cần rà soát thận trọng các quy định trong Dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, cần quy định cụ thể các nội dung như việc ưu đãi về thủ tục hải quan, chính sách ưu đãi đối với đầu tư hạ tầng trong trung tâm…

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với nhiều nội dung tại Dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình lần này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hồ sơ và Tờ trình của Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại đợt 1 và Thông báo Kết luận 558 của Tổng Thư ký Quốc hội về các nội dung đối với đến 2 chính sách mới, đặc thù liên quan đến đồng bằng Sông Cửu Long quy định tại điều 7 (Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ) và điều 8 (Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ) của dự thảo Nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục tiếp thu ý kiến để bổ sung thông tin trong Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. Trong đó, lưu ý một số vấn đề như: Đánh giá tác động, các vấn đề liên quan đến quy trình thực hiện dự án; Đối với nội dung cụ thể tại Điều 7 và Điều 8 đề nghị làm rõ thêm quy định về các hoạt động dự án đầu tư được hưởng các ưu đãi; Về ưu đãi thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước;..

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao việc hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung giải quyết, làm rõ 2 nội dung chính sách mới về: Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và Khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại cuộc họp - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại cuộc họp - Ảnh: Quochoi.vn

“Đây là hai nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Cần Thơ và có ý nghĩa lan tỏa đối với cả vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói chung bởi Cần Thơ là đầu mối, thủ phủ của cả vùng”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại phiên họp bất thường theo trình tự thủ tục rút gọn.

Đồng thời, thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thành phố Cần Thơ được áp dụng thí điểm 7 cơ chế chính sách, đặc thù tuy nhiên cần hoàn thiện một số nội dung trước khi trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra; Uỷ ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV.