17:31 11/09/2017

“So găng” kinh tế Hàn Quốc, Triều Tiên

An Huy

Hơn 6 thập niên sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), giữa hai miền bán đảo này đang tồn tại không chỉ một giới tuyến chia cắt

Một binh sỹ Hàn Quốc (trái) đối diện với hai binh sỹ Triều Tiên tại khu phi quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên vào tháng 12/2011 - Ảnh: Reuters/NPR.<br>
Một binh sỹ Hàn Quốc (trái) đối diện với hai binh sỹ Triều Tiên tại khu phi quân sự giữa hai miền bán đảo Triều Tiên vào tháng 12/2011 - Ảnh: Reuters/NPR.<br>
Hơn 6 thập niên sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), giữa hai miền bán đảo này đang tồn tại không chỉ một giới tuyến chia cắt ở 38 độ Bắc, mà cả sự khác biệt quá lớn về chính trị, kinh tế và quân sự.

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng, Mỹ đang thúc đẩy một nghị quyết tăng cường trừng phạt Triều Tiên, trong đó kêu gọi cấm vận dầu lửa đối với nước này. Về phần mình, Triều Tiên ngày 11/9 đã lên tiếng cảnh báo Mỹ về “nỗi đau lớn nhất” và “sự trả giá kép” nếu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua lệnh trừng phạt mới.

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ bị đẩy lên ngưỡng cao mới, hãng tin Bloomberg đã so sánh để làm rõ sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, từ đó cho thấy những thách thức lớn cũng như lợi ích tiềm năng của việc đưa hai miền xích lại gần nhau.

Dân số

“So găng” kinh tế Hàn Quốc, Triều Tiên 1
Từ trái qua: biểu đồ so sánh giữa Hàn Quốc (màu đen) và Triều Tiên (màu hồng) về dân số (triệu người); tuổi thọ dự kiến sau sinh (năm); tuổi trung bình của người dân hiện nay (năm); và tỷ lệ sinh trung bình (số lần sinh mỗi phụ nữ) - Nguồn: Bloomberg.


Tổng dân số trên hai miền bán đảo Triều Tiên hiện nay là 76 triệu người. Dân số lão hóa đang là một trong những thách thức kinh tế lớn nhất đối với Hàn Quốc. Bởi vậy, nếu hai miền thống nhất, vấn đề này có thể được cải thiện. Tuổi trung bình thấp hơn và tỷ lệ sinh cao hơn của Triều Tiên có thể khắc phục bức tranh dân số của một đất nước thống nhất.

Mặc dù vậy, khi đó, Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề của Triều Tiên, bao gồm tình trạng thiếu dinh dưỡng của người dân và hệ thống y tế yếu kém.

Các chỉ số kinh tế chính


“So găng” kinh tế Hàn Quốc, Triều Tiên 2
Từ trái qua: biểu đồ so sánh giữa Hàn Quốc (màu đen) và Triều Tiên (màu hồng) về tổng sản thu nhập quốc gia (GNI - tỷ USD); GNI bình quân đầu người (USD); giá trị thương mại (tỷ USD); và số dân có hoạt động kinh tế (triệu người) - Nguồn: Bloomberg.


Khoảng cách kinh tế giữa hai miền Triều Tiên ngày nay lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa Đông Đức và Tây Đức khi bức tường Berlin sụp đổ. Khoảng cách đó thậm chí sẽ còn rộng hơn nếu Triều Tiên bị siết trừng phạt và xảy ra hạn hán ở nước này.

Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách thuộc Quốc hội Mỹ vào năm 2015 ước tính rằng trong một kịch bản hòa bình mà ở đó Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên trước khi hai miền thống nhất vào năm 2026, thì phải cần tới 2,8 nghìn tỷ USD để giúp đưa GDP của Triều Tiên lên mức bằng 2/3 GDP của Hàn Quốc. Con số này lớn gấp 8 lần ngân sách năm 2017 của Hàn Quốc.

Cơ sở hạ tầng

“So găng” kinh tế Hàn Quốc, Triều Tiên 3
Từ trái qua: biểu đồ so sánh Hàn Quốc (màu đen) và Triều Tiên (màu hồng) về tổng chiều dài đường bộ (km); sản lượng xe cơ giới (chiếc); tổng chiều dài đường sắt ngầm (km); và tổng tải trọng tàu biển (triệu tấn) - Nguồn: Bloomberg.


Tài nguyên thiên nhiên


Tuy thua kém Hàn Quốc nhiều mặt về cơ sở hạ tầng, Triều Tiên sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào hơn, từ than tới đất hiếm, có thể giúp Hàn Quốc gia tăng sản lượng công nghiệp nếu hai miền thống nhất.

“So găng” kinh tế Hàn Quốc, Triều Tiên 4
Từ trái qua: biểu đồ so sánh Hàn Quốc (màu đen) và Triều Tiên (màu hồng) về sản lượng than (triệu tấn); sản lượng quặng sắt (triệu tấn); sản lượng thép thô (triệu tấn); và tổng sản lượng phát điện (tỷ kwh) - Nguồn: Bloomberg.


Quân sự

Nếu hai miền Triều Tiên thống nhất, ngân sách quân sự của cả Hàn Quốc và Triều Tiên có thể được cắt giảm mạnh, theo đó tăng nguồn ngân sách cho những lĩnh vực như phúc lợi xã hội.

Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2016, chi quân sự tương đương khoảng 14-23% GDP của Triều Tiên trong thời gian từ 2004-2014. Đối với Hàn Quốc trong cùng khoảng thời gian, tỷ lệ này chỉ là 2,6%.

“So găng” kinh tế Hàn Quốc, Triều Tiên 5
Từ trái qua: biểu đồ so sánh giữa Hàn Quốc (màu đen) và Triều Tiên (màu hồng) về ngân sách quân sự hàng năm (tỷ USD); tổng số xe tăng, tàu chiến và máy bay (chiếc); số binh sỹ; và số vụ thử vũ khí hạt nhân (vụ) - Nguồn: Bloomberg.