08:00 12/04/2022

Sự bùng nổ của những điểm đến số

Tường Bách

Vượt trên cả một giải pháp đối phó với Covid-19, công nghệ sẽ tăng cường sức hút cho các điểm đến. Xu hướng du lịch trên nền tảng số được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch trong giai đoạn nỗ lực hồi phục rất khó khăn hiện nay...

Mặc dù các chuyên gia vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại mà đại dịch gây ra cho ngành du lịch toàn cầu, song ngành “công nghiệp không khói” này đã sẵn sàng để hồi sinh. Việc đưa ra kịch bản chính xác cho ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19 sẽ là chuyện không tưởng, nhưng một số xu hướng đã bắt đầu được các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực lữ hành áp dụng để xây dựng tương lai của ngành du lịch trong thời kỳ “bình thường mới”.

KHÔNG CHẠM VÀ THỰC TẾ ẢO TĂNG CƯỜNG

Tại diễn đàn SingapoReimagine Global Conversations diễn ra cuối năm 2021, các chuyên gia đã dự báo 3 xu hướng mới về du khách sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ngành du lịch, bao gồm những người yêu thích trải nghiệm công nghệ (Wander Must), khám phá bền vững (Mindful Explorer) và sống chậm (Slow Pacer).

Theo phân tích của Công ty dự báo xu hướng WGSN, Wander Must là tệp khách du lịch có xu hướng dẫn đầu trong đam mê trải nghiệm công nghệ kỹ thuật số. Nhóm khách hàng này đặt ra cho các doanh nghiệp du lịch bài toán tận dụng công nghệ để đổi mới trải nghiệm.

Đầu tiên, công nghệ giúp mở ra những trải nghiệm du lịch vượt xa những trải nghiệm vật lý thông thường. Tại Singapore, Khu bảo tồn động vật hoang dã Singapore - đơn vị quản lý Singapore Zoo, Jurong Bird Park, Night Safari và River Wonders, đã khởi động tour tham quan thực tế ảo thân thiện với gia đình trên nền tảng Zoom. Hay Jewel-rassic Quest, một trải nghiệm thực tế ảo tăng cường có bán vé tại công viên Canopy dự kiến khai trương vào năm 2022. Với công nghệ AR, khách tham quan sẽ du hành ngược về quá khứ của 89 triệu năm trước để thực hiện một nhiệm vụ bao gồm nhiều hoạt động và tương tác với khủng long xuyên suốt hành trình.

Với các thế mạnh của mình, công nghệ thực tế ảo đã trở thành “trợ thủ” đắc lực hỗ trợ các doanh nghiệp chung sức hồi sinh lại nền du lịch trong giai đoạn sống chung với đại dịch. Thực tế cho thấy ngày càng nhiều điểm đến du lịch đang hiện đại hóa và sử dụng công nghệ thông minh trong nhiều mảng vận hành, từ dịch vụ đặt chỗ, phương thức thanh toán cho đến các hoạt động tương tác và quản trị nguồn lực. Các điểm đến đang dẫn đầu xu hướng du lịch thông minh có thể kể đến là Amsterdam, Barcelona, Dubai, London, Melbourne, New York, Oslo, Singapore và Tokyo.

Tại những nơi này, khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác đơn giản như tự phục vụ và làm thủ tục check-in ở sân bay, trả tiền taxi, đặt thức ăn, xác định thời gian chờ và đọc thông tin về điểm đến hoặc thắng cảnh qua mã QR được cung cấp. Nhiều điểm đến thậm chí còn sử dụng trí thông minh nhân tạo, dùng robot thay con người làm những công việc lao động chân tay trong khách sạn, nhà hàng và công viên giải trí.

Công nghệ giúp mở ra những trải nghiệm du lịch vượt xa những trải nghiệm vật lý thông thường.
Công nghệ giúp mở ra những trải nghiệm du lịch vượt xa những trải nghiệm vật lý thông thường.

Có thể thấy, công nghệ không chỉ giúp “tái tạo” niềm vui cho du khách từ khắp nơi trên thế giới, mà còn mở ra cách thức hoàn toàn mới để tận hưởng những trải nghiệm du lịch có một không hai. Bên cạnh đó, công nghệ cũng đang góp phần thúc đẩy ngành khách sạn từ Tây sang Đông không ngừng phát triển các mô hình vận hành kiểu mới để đón đầu và đáp ứng những tiêu chí ấy. Với smartphone trong tay, khách hàng tự check-in và check-out, tự điều chỉnh màu sắc căn phòng theo tâm trạng, hệ thống âm thanh, nhiệt độ phòng, rèm phòng…

Theo các chuyên gia, số hóa có thể trở thành xu hướng bắt buộc trong thiết kế các dịch vụ du lịch trong tương lai. Thậm chí, việc tăng cường sử dụng công nghệ "không chạm" trong một loạt các hoạt động khách sạn có thể trở nên vĩnh viễn. Dù đầu tư ban đầu rất tốn kém nhưng các hình thức công nghệ tiên tiến cũng góp vai trò đảm bảo hoạt động du lịch trở nên an toàn hơn. Ông Daniel Baron, Giám đốc điều hành của Lift Aero Design (Tokyo), giải thích: "Đó là trạng thái an tâm tuyệt đối để hưởng thụ cuộc hành trình, bởi tất cả quy trình được công nghệ giải quyết".

NHỮNG “ĐIỂM ĐẾN SỐ” TẠI VIỆT NAM

Du lịch thông minh là giải pháp để ngành du lịch Việt Nam khai thác các thị trường quốc tế với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỷ USD. Theo ông Matthieu Francois, Giám đốc Hợp danh của McKinsey tại Văn phòng TP.HCM, lúc này thực sự là thời điểm để áp dụng công nghệ số. Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, người tiêu dùng đã sử dụng kênh số ngày càng nhiều để đặt chỗ du lịch. Đại dịch nổ ra đã khiến việc sử dụng thiết bị di động và công cụ số càng trở nên thiết yếu.

 
3 xu hướng mới về du khách sẽ ảnh hưởng đến tương lai của ngành du lịch, bao gồm những người yêu thích trải nghiệm công nghệ (Wander Must), khám phá bền vững (Mindful Explorer) và sống chậm (Slow Pacer).

Nghiên cứu mới đây của Booking.com cho thấy 1% khách Việt Nam cho rằng, các giải pháp công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rủi ro sức khỏe khi đi du lịch và 68% cho biết chỗ nghỉ sẽ phải áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhất để giúp khách cảm thấy an toàn hơn. Gần 63% muốn có nhiều máy tự phục vụ hơn thay vì quầy bán vé. Những cải tiến sắp tới sẽ tạo ra nhiều thay đổi hơn nữa, từ đó tác động đến hành vi và các kế hoạch du lịch trong tương lai. 50% du khách cảm thấy yên tâm hơn khi tới một điểm đến không xác định nếu họ có thể trải nghiệm trước thông qua thực tế ảo.

Công nghệ mở ra cách thức hoàn toàn mới để tận hưởng những trải nghiệm du lịch có một không hai.
Công nghệ mở ra cách thức hoàn toàn mới để tận hưởng những trải nghiệm du lịch có một không hai.

Hiện cuộc đua phát triển du lịch ảo tại Việt Nam đã ghi nhận sự có mặt của nhiều điểm đến hấp dẫn trên cả nước. Mới đây, lần đầu tiên tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu tại Tây Bắc đã được thực hiện, mang đến cho du khách những trải nghiệm như thật với những địa danh đã số hóa trong môi trường 3D như thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng…

Hay tour thực tế ảo tham quan hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) đưa du khách đi xuyên qua những hang động với hình ảnh 360 độ sắc nét và hệ thống âm thanh gắn liền với các cảnh quan. Sản phẩm này đã được trang báo The Guardian (Anh) đánh giá nằm trong top 10 tour thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới.

Là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển du lịch theo hướng thông minh, TP. Đà Nẵng cũng đang triển khai hệ thống du lịch ảo cho các điểm đến trên công nghệ thực tế ảo VR360 mang tên "Một chạm đến Đà Nẵng". Với mỗi cú click chuột, công nghệ dẫn đường sẽ đưa người dùng di chuyển dễ dàng theo từng vị trí tại từng điểm du lịch. Đồng thời, hệ thống sẽ thuyết minh tự động bằng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt. Đặc biệt, du khách tham gia tour ảo còn có thể lưu giữ những khoảnh khắc đẹp thông qua tính năng chụp ảnh.

Tỉnh Thanh Hóa mới đây cũng vừa tổ chức lễ ra mắt các sản phẩm du lịch thông minh. Ở giai đoạn đầu, bốn địa điểm nổi tiếng được lựa chọn là Khu di tích Lam Kinh, Thành nhà Hồ, Am Tiên (đền Nưa) và Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa) với những thông tin, hình ảnh được tái hiện sinh động, hoàn chỉnh và sẵn sàng trên các kho ứng dụng Apple Store, Google Play Store… phục vụ việc tìm kiếm, lựa chọn và trải nghiệm của du khách. Bộ giải pháp này dành cho cả ba đối tượng: khách du lịch - doanh nghiệp du lịch - các nhà quản lý; được tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất, như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), hệ thống dữ liệu lớn (Big Data)...