Sự cám dỗ của đồng tiền cùng năng lực chuyên môn yếu kém, đẩy thẩm định viên "sa ngã"
Kết quả thẩm định giá sai lệch, để lại nhiều hệ lụy to lớn cho xã hội hay gây thất thoát ngân sách, chủ yếu do hai nguyên nhân chính. Đó là năng lực chuyên môn hạn chế, hoặc bị đồng tiền cám dỗ khiến thẩm định viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp...
Tiếp nối chủ đề “Thanh lọc hoạt động thẩm định giá”, chuyên mục Đối thoại cùng VnEconomy có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long để thấy rõ những điểm bất hợp lý trong quy định hiện hành cũng như "bắt lỗi" nguyên nhân gây ra sai phạm trong hoạt động thẩm định giá thời gian qua.
Nhờ sự ra đời của công cụ thẩm định giá mà hiện nay chúng ta có thể xác định được giá trị thực của những tài sản trên thị trường ở nhiều lĩnh vực như bất động sản (nhà ở, chung cư hay các loại đất), động sản - thiết bị máy móc, dây chuyền... hay giá trị doanh nghiệp. Từ đó, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau như mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; góp vốn, thế chấp, bảo đảm vay vốn ngân hàng, mua bán, chuyển nhượng, đặc biệt là trong cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đa chiều mà hoạt động thẩm định giá đem lại, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thời gian gần đây "nở rộ" những sai phạm, đặc biệt trong công tác thẩm định giá những thiết bị, vật tư y tế, hoặc đối với bất động sản, làm sai lệch bản chất, giá trị thực, dẫn đến hệ quả khó lường.
Chẳng hạn, vụ nâng khống giá kit test Covid vừa qua, đã đưa lợi ích về "túi" một nhóm người. Bên cạnh đó, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực gây thất thoát tiền của, ngân sách nhà nước, đều xuất hiện "bóng dáng" những sai phạm từ công tác thẩm định giá.
Chính vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, thẩm định viên bị Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính “thổi còi”, chủ yếu vì hai loại vi phạm.
Thứ nhất, vi phạm về tiêu chuẩn hành nghề do thẩm định viên có trình độ, năng lực chuyên môn kém. Thứ hai, vi phạm tiêu chuẩn về mặt đạo đức. Không ít thẩm định viên vì tư túi hay vụ lợi cá nhân hay bị đồng tiền "cám dỗ" nên định giá sai lệch với giá thị trường, giá thực tế.
"Đây là một nghề quy định tiêu chuẩn về nghề nghiệp rất rõ ràng và quy định về mặt đạo đức, phải độc lập, khách quan và đảm bảo tính trung thực", ông Long nói và nhấn mạnh, nếu thẩm định viên không tuân thủ, cuối cùng để lại những hậu quả khó lường, buộc các cơ quan chức năng phải xử phạt và buộc dừng hoạt động.
Điều đáng nói, chuyên môn là một trong những yếu tố cốt lõi khi hành nghề thẩm định giá.
Tuy nhiên, trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới phân loại thẻ thẩm định viên về giá tài sản thành hai loại rất rõ ràng, gồm: bất động sản và động sản như máy móc, thiết bị... thì tại Việt Nam lại cấp một thẻ cho đủ loại nghề, vừa định giá bất động sản, đồng thời lại thẩm định cả máy móc, thiết bị, là hoàn toàn là vô lý.
Bởi khó có thẩm định viên nào hiểu biết một cách toàn diện, đầy đủ để thực hiện tốt vai trò đó. Chính vì vậy, nghiệp vụ, chuyên môn thẩm định viên không chuyên sâu, năng lực rất hạn chế.
Ví dụ, về định giá bất động sản, thẩm định viên phải hiểu về xây dựng, đọc được bản vẽ, hiểu về kiến thức phong thủy, đặc điểm của các loại bất động sản...
Còn thẩm định giá máy móc thiết bị, phải có những kiến thức kỹ thuật riêng. Ngay cả khi đề cập tới máy móc, thiết bị, dù điện và cơ đều là hai ngành kỹ thuật nhưng lại hoàn toàn khác nhau.
"Người ta hay dùng hình ảnh: "Phiên phiến như điện học cơ, lơ mơ như cơ học điện", thể hiện hai người thuộc hai ngành kỹ thuật này cũng khó hiểu sâu về nghề của nhau", ông Long ví von.
Trong dự thảo sửa đổi Luật giá sắp tới, Cục quản lý giá - Bộ Tài chính "vin" vào lý do nguồn lực có hạn nên giữ nguyên đề xuất phân loại thành hai loại thẻ hành nghề, một là, đối với định giá tài sản, bao gồm bất động sản và máy móc, thiết bị; hai là, thẻ hành nghề thẩm định giá về doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc phân loại này chưa chuẩn mà cần tương đối chi tiết, cụ thể hơn.
Cùng với đó, theo ông Long, trong dự thảo sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo cần xem lại khái niệm về "thẩm định giá" khi thông lệ quốc tế thường dùng từ "định giá", hay làm rõ chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp xác định giá từng loại tài sản. Ngoài ra, cần cơ chế thanh, kiểm tra và đánh giá chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng như từng thẩm định viên...
Chỉ khi rà soát, toàn diện đầy đủ mọi mặt, chất lượng của đội ngũ thẩm định viên cũng như chất lượng của doanh nghiệp mới được nâng lên.