06:39 30/03/2021

Sự cố tại kênh đào Suez đang gây khó cho xuất khẩu của Việt Nam

Hà Giang

Việc ùn tắc tại kênh đào Suez khiến giao dịch thương mại của Việt Nam bị chậm lại đáng kể, từ đó phát sinh chi phí, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Tàu Ever Given nặng 220.000 tấn bị mắc kẹt tại kênh đào Suez.
Tàu Ever Given nặng 220.000 tấn bị mắc kẹt tại kênh đào Suez.

Chia sẻ với báo giới ngày 29/3, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, việc kênh đào Suez bị ngừng lưu thông có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu.

Kênh đào Suez được đánh giá là tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thương mại thế giới. Với Việt Nam, kênh đào này là tuyến đường giao hàng với châu Âu và một phần của bờ đông nước Mỹ.

Châu Âu hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Việc Việt Nam đã ký được các hiệp định thương mại tự do với EU, Anh và khu vực Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) nên lưu lượng thương mại của Việt Nam gia tăng, đồng nghĩa với khối lượng hàng hóa đi qua kênh đào Suez cũng gia tăng tương ứng.

Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam qua châu Âu tăng 18% và nhập khẩu tăng 12%, điều này cho thấy vai trò quan trọng của kênh đào Suez.

Hiện nay, ngoài một lượng hàng hoá lớn được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, về cơ bản, phần lớn hàng hóa của Việt Nam tới châu Âu đều được vận chuyển bằng đường biển, qua kênh Suez.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay ngoài số lượng hàng hóa không lớn được vận chuyển bằng đường hàng không hoặc là bằng đường sắt về cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Âu vận chuyển thông qua tuyến đường biển của kênh đào Suez.

Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu khoảng 7 tỷ USD. Tính trung bình, mỗi một ngày lưu lượng trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực EU cũng đạt kim ngạch khoảng 100 triệu USD.

"Như vậy, việc ùn tắc tại Suez khiến giao dịch thương mại của lượng hàng hóa này bị chậm lại đáng kể, từ đó phát sinh chi phí, dẫn đến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng cũng như việc nhập nguyên liệu sản xuất", vị Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Ông Hải cũng cho biết ngay tại thời điểm xảy ra sự cố, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại tại Ai Cập theo dõi sát diễn biến để chủ động ứng phó. Đồng thời Bộ cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết trong trường hợp sự cố tại Kênh Suez kéo dài.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện một phương án được nghiên cứu là các tàu có thể đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) để qua Đại Tây Dương đến châu Âu. Tuy nhiên, hành trình này sẽ kéo dài thời gian thêm 10-15 ngày, chi phí tốn kém hơn. Các hãng tàu trên thế giới đang xem xét khả năng, theo dõi chặt chẽ tiến độ việc giải cứu tàu Ever Given ở Suez.

Với doanh nghiệp Việt Nam, hàng của doanh nghiệp Việt Nam được xếp trên nhiều tàu khác nhau, từ nhiều chủ hàng ở các nước khác nhau, nên việc điều hướng tàu chuyển hướng đi qua mũi Hảo Vọng cần trao đổi chặt giữa các hãng tàu.