10:08 18/02/2025

Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc

Tuệ Mỹ

Na Tra 2 đang tạo ra một cơn lốc khủng khiếp từ phòng vé đến các nền tảng mạng xã hội toàn cầu. Phim đã đẩy Vua Sư Tử khỏi top 10 bộ phim điện ảnh có doanh thu phòng vé cao nhất lịch sử…

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Na Tra 2 (Na Tra: Ma đồng náo hải, tên quốc tế: Ne Zha 2) đang giữ kỷ lục phim có doanh thu tại một thị trường cao nhất toàn cầu, vượt qua nhiều bom tấn Hollywood như: Star Wars: The Force Awakens, Avengers: Endgame... Không chỉ gặt hái thành tích đáng nể tại thị trường Trung Quốc, tại phòng vé quốc tế, tác phẩm này cũng có khởi đầu ấn tượng khi công chiếu ở Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. 

Theo Global Times, sau khi xem tác phẩm tại Los Angeles (Mỹ), hai thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã gọi cho đạo diễn Giảo Tử để động viên anh nộp phim tranh giải Oscar vào năm sau. Hiện tổng doanh thu toàn cầu của phim đã chạm mốc 12 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,654 tỉ USD - theo số liệu cập nhật từ CCTV).

TRUNG QUỐC KHÔNG CẦN HOLLYWOOD NỮA?

Bộ phim được xây dựng nối tiếp nội dung phần 1 được sản xuất vào năm 2019. Phần đầu này đã đạt doanh thu 725 triệu USD, xếp thứ 4 trong danh sách phim ăn khách nhất lịch sử phòng vé Trung Quốc.

Truyền thông quốc tế nhận định, thành công của Na Tra 2 không phải là điều ngẫu nhiên. CNN cho rằng trong phần 2 này, nhà làm phim đã làm nổi bật câu chuyện về văn hóa dân gian truyền thống của Trung Quốc bằng các hiệu ứng kỹ xảo hiện đại. Những cảnh chiến đấu hoành tráng mang đến bữa tiệc thị giác mãn nhãn cho khán giả. Được biết, phim mất gần 5 năm để hoàn thiện. 

Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 1
Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 2
 
Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 3
Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp phim hoạt hình Trung Quốc - Ảnh 4
 

Bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến như bộ xử lý đồ họa GPU và trí tuệ nhân tạo, êkíp mang đến chất lượng ngang tầm với những tác phẩm hàng đầu của điện ảnh Mỹ. Trong 5 năm, 1.948 đoạn kỹ xảo trải qua vô số lần sửa chữa. Ông Thái Hạo Như, CEO công ty kỹ xảo hoạt hình ở Thượng Hải, cho biết cảnh bầy cá chỉ hiện ba giây trên phim nhưng công ty tốn hơn sáu tháng thực hiện, theo yêu cầu của đạo diễn.

Bên cạnh đó, kịch bản phim cũng được đánh giá cao khi lồng ghép các yếu tố thần thoại vào những câu chuyện mang tính thời cuộc. Phim cũng gửi gắm thông điệp sống tích cực, luôn theo đuổi đam mê và ước mơ dù cuộc sống có nhiều thử thách. 

Thành công của Na Tra 2 được coi là một hiện tượng góp phần khẳng định vị thế của điện ảnh Trung Quốc đặc biệt ở thể loại hoạt hình. Tờ China Daily bình luận rằng với Na Tra 2, ngành công nghiệp giải trí của Trung Quốc đang kể câu chuyện của riêng mình, thay vì chờ các công ty phim phương Tây làm phim dựa trên văn hóa dân gian Trung Quốc, chẳng hạn như Hoa Mộc Lan hay Kungfu Panda. “Na Tra 2 chứng minh rằng không ai có thể kể lại những câu chuyện thần thoại của Trung Quốc hay hơn chính người Trung Quốc”, China Daily viết.

Tờ Straits Times có chung nhận định: “Trung Quốc không còn cần Hollywood nữa”. Khán giả Trung Quốc đã chán ngán những cốt nghèo nàn về ý tưởng, khai thác quá mức về vũ trụ điện ảnh, đặc biệt là siêu anh hùng. Trong khi đó, Trung Quốc đã học được tất cả những gì họ có thể từ Hollywood. Bây giờ, họ tự làm những bom tấn với kinh phí lớn, những bộ phim hoạt hình với hiệu ứng rất tốt, có chất lượng không kém thậm chí vượt trội Hollywood.

Bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến như bộ xử lý đồ họa GPU và trí tuệ nhân tạo, bộ phim ngang tầm với những tác phẩm hàng đầu của điện ảnh Mỹ.
Bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến như bộ xử lý đồ họa GPU và trí tuệ nhân tạo, bộ phim ngang tầm với những tác phẩm hàng đầu của điện ảnh Mỹ.

Không những vậy, chính phủ nước này cũng có nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển điện ảnh. Theo Variety, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc văn hóa vào năm 2035, trong đó ngành điện ảnh phải tuân thủ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để hiện thực hóa điều này, Cục Quản lý điện ảnh Trung Quốc đưa ra kế hoạch 5 năm (từ 2021 đến 2025) lần thứ 14, bao gồm các mục tiêu như: Nỗi năm ra mắt 50 phim có doanh thu tối thiểu 15,7 triệu USD; Mỗi năm ra mắt ít nhất 10 phim "vừa nổi tiếng vừa có chất lượng cao”; Phim nội địa chiếm 55% doanh thu phòng vé mỗi năm...

PHIM HOẠT HÌNH VÀ CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP “ĂN THEO”

Năm 2022, lĩnh vực phim hoạt hình Trung Quốc đánh dấu tròn 100 năm hình thành và phát triển. Tổng giá trị sản lượng của ngành hiện vượt quá 220 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 31,8 tỷ USD). Ngày nay, có gần 1.000 hãng phim đang hoạt động ở Trung Quốc, trong đó hơn 518 công ty sản xuất phim hoạt hình, tập trung chủ yếu tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang, Quảng Đông... Khoảng 120 hãng trong số đó có khả năng sản xuất phim hoạt hình chất lượng cao.

Ngành công nghiệp này quy tụ hàng trăm nghìn nhân tài từ khắp nơi trên đất nước, bao gồm các nghệ sĩ, họa sĩ truyện tranh, kỹ thuật viên hiệu ứng đặc biệt, nhà sản xuất và nhà biên kịch. Việc sở hữu thị trường lớn với lượng khán giả chịu chi, cộng thêm chính sách thuận lợi, nguồn doanh thu khổng lồ đã đưa quy mô của ngành sản xuất phim hoạt hình nội địa Trung Quốc hiện nay dự kiến tăng lên 450 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2026.

Hàng loạt các sản phẩm "ăn theo" Na Tra 2 đã ra đời và gây sốt trên thị trường.
Hàng loạt các sản phẩm "ăn theo" Na Tra 2 đã ra đời và gây sốt trên thị trường.

Ngoài ra, các nhà làm phim Trung Quốc vẫn tích cực khám phá những hướng đi mới cho hoạt động thương mại. Trong đó, ngành công nghiệp hoạt hình đang tích cực khám phá mô hình kinh doanh bán sản phẩm phái sinh được ủy quyền (nhân vật IP - Intellectual Property). Bằng cách mở ra thị trường nội dung thượng nguồn và thị trường phái sinh hạ nguồn, ngành này có thể tạo ra doanh thu và nâng cao hiệu quả của toàn bộ chuỗi ngành.

Mới nhất, chỉ vài ngày sau khi ra mắt vào 30/1, loạt đồ chơi Na Tra của Pop Mart đã nhanh chóng cháy hàng, theo SCMP. Món đồ chơi nghệ thuật này cũng đang tạo làn sóng đầu cơ mạnh mẽ trên nền tảng giao dịch đồ cũ Xianyu. Các bộ sưu tập này hiện được rao bán với giá lên tới 180 Nhân dân tệ (khoảng 25 USD), gấp gần 3 lần giá bán lẻ 69 Nhân dân tệ.

Bên cạnh Pop Mart, nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ khác từ Trung Quốc cũng đã bắt đầu tham gia sản xuất những bộ sưu tập đồ chơi sưu tập lấy cảm hứng từ phim hoạt hình với đa dạng kích thước và giá thành. Nhóm cổ phiếu của các công ty gắn liền với nhân vật IP cũng thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.

Cổ phiếu Alpha Group, nhà cung cấp các sản phẩm sưu tầm, thẻ bài và đồ chơi liên quan đến phim hoạt hình, đã tăng gần 26% trong năm 2024. Tại sàn chứng khoán Thâm Quyến, cổ phiếu Wahlap Technology, một doanh nghiệp sản xuất trò chơi giải trí và các sản phẩm mang bản quyền hoạt hình, cũng ghi nhận mức tăng tới 60%.

Tượng Na Tra trên Đại lộ Giao Tử ở Thành Đô, Tứ Xuyên, trở thành một điểm du lịch hút khách.
Tượng Na Tra trên Đại lộ Giao Tử ở Thành Đô, Tứ Xuyên, trở thành một điểm du lịch hút khách.

Bên cạnh đó là trào lưu du lịch theo nhân vật hoạt hình. Hồi tháng 9/2024, game Black Myth: Wukong lấy cảm hứng từ nhân vật Tôn Ngộ Không đã đẩy lượt tìm kiếm các địa điểm du lịch Sơn Tây (Trung Quốc) tăng gần 160%, dù trước đây tỉnh này chưa bao giờ là điểm nóng du lịch. Tương tự, kể từ khi Na Tra 2 đại thắng phòng vé Trung Quốc, lượng khách đến khu thắng cảnh Thùy Bình Sơn ở Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, đã tăng mạnh.

Theo báo cáo của địa phương, điểm du lịch Na Tra cung, được xây dựng từ năm 1991, đã đón lượng khách đột biến. Từ ngày 1/2 đến ngày 15/2, Na Tra cung đón tổng cộng 65.000 lượt khách, gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuần trước 6/2, lượng tìm kiếm về các điểm đến liên quan đến Na Tra như Nghi Tân và Giang Du ở Tứ Xuyên đã tăng mạnh. Theo dữ liệu từ nền tảng du lịch Fliggy, lượng tìm kiếm về Nghi Tân tăng 225%, trong khi Giang Du tăng 453%.