16:26 16/11/2015

Súng AK đến tay kẻ khủng bố Paris từ đâu?

Minh Tuấn

Đã từ lâu, Chính phủ Pháp và nhiều nước Liên minh Châu Âu gặp khó trong kiểm soát súng đạn

Nhiều năm trở lại đây, số lượng súng bất hợp pháp mà cảnh sát Pháp thu được từ những tay buôn lậu tăng với tốc độ tới hai con số mỗi năm - Ảnh: Reuters.<br>
Nhiều năm trở lại đây, số lượng súng bất hợp pháp mà cảnh sát Pháp thu được từ những tay buôn lậu tăng với tốc độ tới hai con số mỗi năm - Ảnh: Reuters.<br>
Theo các nhân chứng vụ thảm sát tại nhà hàng Campuchia và nhà hát Bataclan ở Paris, Pháp tối 13/11 vừa qua, những kẻ thủ ác đã sử dụng súng AK47.

Trong vụ thảm sát đầu năm nay tại tòa soạn báo Charlie Hebdo và vụ tấn công vào năm 2012 tại Toulouse, thủ phạm cũng sử dụng loại súng tương tự.

Chính phủ Pháp cấm sở hữu và kinh doanh súng đạn, chính vì vậy nhiều người không khỏi đặt câu hỏi: những tên khủng bố đã lấy súng ở đâu?

Theo kênh Al Jazeera, những khẩu súng trên đến từ Đông Âu, nơi lĩnh vực kinh doanh súng đạn bất hợp pháp cực kỳ phát triển. Chính quyền của nhiều nước khu vực này gần như bất lực trong kiểm soát súng đạn.

Đã từ lâu, Chính phủ Pháp và nhiều nước Liên minh Châu Âu gặp khó trong kiểm soát súng đạn. Những cuộc tấn công mới nhất càng cho thấy chính sách kiểm soát súng đạn và an ninh của châu Âu đã không phát huy tác dụng với những kẻ khủng bố.

Năm 2009, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 1.500 khẩu súng bất hợp pháp. Đến năm 2010, con số này đã lên tới 2.700.

Và nhiều năm trở lại đây, số lượng súng bất hợp pháp mà cảnh sát Pháp thu được từ những tay buôn lậu tăng với tốc độ tới hai con số mỗi năm.

Thế nhưng nhiều chuyên gia an ninh cho rằng những con số trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Theo cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), tại nhiều địa điểm ở châu Âu, các băng nhóm tội phạm có thể dễ dàng mua được một khẩu AK hay súng trường tự động với giá chỉ từ 300 đến 700 Euro.

Các khẩu súng thường được đưa đến Pháp hay các nước châu Âu khác từ Nga qua các nước vùng Balkan. Trước đây, nhiều công ty vũ khí của Nga sản xuất súng và cung cấp nó cho các nhóm vũ trang đối lập tại Bosnia, Serbia và Kosovo.

Tính toán của một tổ chức an ninh ở Thụy Sỹ cho thấy sau này khi các cuộc xung đột ở các nước trên kết thúc vào giữa hoặc cuối thập niên 1990, vẫn còn khoảng 6 triệu khẩu súng được các băng nhóm giữ lại.

Ở nhiều nước vùng Balkan, xuất khẩu súng bất hợp pháp sang các nước Tây Âu đã trở thành một ngành hái ra tiền. Điển hình như vụ việc năm 2014, khi cảnh sát Slovakia bắt giữ một chiếc xe tải chở đầy súng di chuyển trái phép vào nước này. Kết quả các cuộc thẩm vấn sau đó cho thấy chiếc xe tải này đi từ Bosnia và Hezegovina và đang trên đường tới Thụy Điển.

Ngoài ra, việc thị trường tràn ngập súng AK47 và súng trường tự động còn là bởi gần đây Nga đã nâng cấp súng trường, chính vì vậy mẫu AK47 đời cũ còn thừa rất nhiều, và giới kinh doanh súng lậu đã ngay lập tức tìm cách mua gom để bán lại.

Ngày 6/3/2012, Chính phủ Pháp chính thức công bố quyết định siết quản lý súng đạn và nâng hình phạt đối với hành vi sở hữu và sử dụng súng. 5 ngày sau đó, Mohamed Merah, một tay súng Hồi giáo cực đoan gốc Algeri đã dùng súng AK47 tiến hành ba cuộc bắn giết, cướp đi sinh mạng của 7 người tại thành phố Toulouse miền Nam nước Pháp, trước khi hắn bị cảnh sát hạ gục. Cảnh sát phát hiện hắn còn có thêm một khẩu Uzi tự động, một khẩu súng ngắn và một súng máy.

Tháng 10/2014, sau khi khám xét bất ngờ một số căn nhà tại Pháp, cảnh sát đã bắt quả tang một mạng lưới buôn lậu súng với quy mô toàn quốc, thu giữ hàng trăm khẩu súng bất hợp pháp và bắt giảm 48 kẻ tội phạm.

Cho đến hiện tại, súng đạn vẫn tiếp tục bị buôn lậu vào Pháp cũng như nhiều nước châu Âu khác bằng các con đường khác nhau.