10:10 08/06/2017

Sụt 5%, giá dầu chạm đáy 5 tuần

Diệp Vũ

Dự trữ xăng, dầu của Mỹ cùng tăng mạnh hơn nhiều so với dự báo, khiến giá dầu lao dốc mạnh

Một mỏ dầu của tập đoàn Bashneft ở vùng Bashkortosan, Nga, tháng 1/2015 - Ảnh: Reuters.<br>
Một mỏ dầu của tập đoàn Bashneft ở vùng Bashkortosan, Nga, tháng 1/2015 - Ảnh: Reuters.<br>
Giá dầu thế giới lao dốc 5% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi số liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng. Số liệu này khiến giới đầu tư càng lo ngại rằng những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga không thể giải quyết được tình trạng dư thừa dầu của thế giới.

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu hàng tuần tư Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (IEA) cho biết, trong tuần qua, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng thêm 3,3 triệu thùng, lên mức 513 triệu thùng. Trước đó, giới phân tích cho rằng dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,5 triệu thùng.

Dự trữ xăng cũng tăng mạnh hơn dự báo do lượng nhập khẩu tăng mà lượng xuất khẩu lại giảm xuống, theo dữ liệu của IEA. Trong tuần, dự trữ xăng của Mỹ tăng thêm 3,3 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 580.000 thùng được đưa ra trước đó.

Ngoài ra, dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, tăng thêm 4,4 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 281.000 thùng.

Đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau giảm 2,47 USD/thùng, tương đương giảm 5%, còn 45,74 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent chốt phiên với mức giảm 2,06 USD/thùng, tương đương giảm 4%, còn 48,06 USD/thùng.

Áp lực giảm giá đối với dầu thô càng gia tăng khi dữ liệu của IEA cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ giảm khoảng nửa triệu thùng/ngày. Đây được coi là một diễn biến gây ngạc nhiên, bởi thời điểm này đang là mùa hè, mùa mà người Mỹ đi lại nhiều nhất trong năm.

Giá xăng giao sau ở Mỹ đã giảm khoảng 3,7% sau khi dữ liệu trên được đưa ra.

Trước khi có số liệu từ IEA, giá dầu thế giới đã đối mặt với một loạt áp lực giảm.

Trong đó phải kể đến đầu tiên là sự nghi ngờ của giới đầu tư về hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC với Nga và một số nước sản xuất dầu lớn khác. Căng thẳng ở vùng Vịnh sau khi Qatar bị một loạt nước láng giềng cắt quan hệ ngoại giao khiến thị trường càng mất niềm tin ở thỏa thuận này.

Bên cạnh đó, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục tăng cũng là một lý do khiến các nhà đầu tư tin rằng thế giới sẽ tiếp tục thừa mứa dầu cho dù OPEC có giảm sản lượng. Hôm thứ Ba, IEA nói rằng sản lượng dầu của Mỹ có thể đạt 10 triệu thùng/ngày vào năm tới, từ mức 9,3 triệu thùng/ngày hiện nay. Nếu đạt mức đó, sản lượng dầu của Mỹ sẽ gần ngang với sản lượng dầu của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Kể từ khi OPEC và Nga nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày đến hết quý 1/2018 vào hôm 25/5 đến nay, cả giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ đều đã giảm hơn 10%.

“Thị trường cần phải kiên nhẫn”, ông Bjarne Schieldrop, phụ trách phân tích thị trường hàng hóa cơ bản thuộc SEB Markets, nhận định. Ông Schieldrop cho rằng việc lượng dầu tồn kho giảm dần sẽ hỗ trợ cho giá dầu, nhưng sẽ không thể giúp giá dầu tăng vọt bởi một khi giá dầu tăng mạnh, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng sẽ tăng mạnh theo.

“Chúng tôi nghĩ là lượng dầu tồn kho sẽ giảm về gần mức bình thường vào cuối năm nay”, nhà phân tích nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự đối đầu giữa Qatar và một số quốc gia khác trong OPEC có thể khiến thỏa thuận cắt giảm sản lượng của khối này suy yếu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói việc gián đoạn một số hoạt động xuất khẩu dầu đi qua các cảng biển của Qatar có thể ít nhiều hỗ trợ cho giá dầu trong ngắn hạn.

Theo hãng thông tấn KUNA của Kuawait, tiểu vương Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah, người trị vì nước này, sẽ tới Dubai thuộc Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để thực hiện vai trò trung gian hòa giải cho mâu thuẫn giữa Qatar với các nước láng giềng vùng Vịnh.