Siêu vi khuẩn, siêu nấm kháng thuốc: Vấn đề y tế cấp bách toàn cầu
Theo ước tính, đến năm 2050, tỷ lệ tử vong do vi khuẩn kháng thuốc sẽ tăng gấp đôi, với số liệu cho thấy gần 40 triệu người sẽ thiệt mạng vì siêu vi khuẩn trong 25 năm tới, đặc biệt người cao tuổi có nguy cơ cao…

Khi siêu vi khuẩn lây lan khắp toàn cầu, tỷ lệ tử vong do kháng thuốc sẽ tăng gấp đôi. Bà Sally Davies, cựu Giám đốc y tế tại Anh, cho biết chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng, có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nam giới, phụ nữ và trẻ em trên toàn cầu.
Bà Davies đã trở thành người ủng hộ tiên phong cho chiến dịch hành động toàn cầu nhằm chống lại thảm họa siêu vi khuẩn. Bà chia sẻ với tờ Observer rằng có một mối nguy hiểm thực sự là các thủ thuật thông thường - từ phẫu thuật đến sinh nở - có thể gây ra những rủi ro đe dọa tính mạng bệnh nhân do sự lây lan của vi khuẩn có khả năng kháng thuốc kháng sinh. Bà cho biết: "Khoảng một triệu người tử vong mỗi năm do sự mở rộng của tình trạng vi khuẩn kháng thuốc và con số này sẽ tăng lên trong 25 năm tới. Điều này thật sự đáng sợ".
VI KHUẨN VÀ NẤM ĐÃ VƯỢT XA CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Theo Globalnews, một loại vi nấm có tên Candida auris hiện đang lan rộng trong các bệnh viện và cơ sở chăm sóc dài hạn tại Mỹ với tốc độ đáng báo động. Điều này buộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) phải phát đi cảnh báo về mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo thông báo mới nhất của CDC, Candida auris - hay còn gọi là C. auris - là một loại nấm men có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng nấm hiện nay, đồng thời không bị tiêu diệt bởi nhiều chất tẩy rửa thông thường trong bệnh viện. Điều này khiến nó trở thành mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm trong môi trường y tế, nơi tập trung nhiều bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu.
"Candida auris là mối đe dọa AR (kháng thuốc kháng sinh) cấp bách vì nó dễ lây lan trong cơ sở y tế, kháng nhiều loại thuốc và có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao", CDC nêu rõ. Tại Canada, Cơ quan Y tế Công cộng Ontario đã chính thức xếp C. auris vào danh sách "các bệnh có ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng" kể từ tháng 1. Điều này đồng nghĩa với việc nó cần được giám sát chặt chẽ và có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt.
CDC ước tính rằng, khi nhiễm trùng Candida auris trở nên xâm lấn (lan đến máu, tim hoặc não), thì cứ ba bệnh nhân sẽ có một người tử vong. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, loại nấm này không gây nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng cần lưu ý, mọi người có thể nhiễm nấm trên da mà không gây nhiễm trùng. Vì vậy, ngay cả những người không có bất kỳ triệu chứng nào, cũng có thể truyền nấm cho người khác.
Candida auris đáng lo ngại vì các loại thuốc chống nấm thường được sử dụng để điều trị các loại bệnh nhiễm trùng tương tự, thường không có tác dụng đối với loại nấm này. Một nghiên cứu tại bang Florida (Mỹ) cho thấy, từ năm 2019 đến 2023, số lượng mẫu bệnh phẩm chứa C. auris đã tăng gấp hơn 20 lần - từ 5 lên 115. Tất cả đều kháng lại fluconazole, một loại thuốc kháng nấm phổ biến.

Nghiên cứu mới nhất nhấn mạnh rằng, số trường hợp kháng lại echinocandin, loại thuốc kháng nấm được khuyên dùng nhiều nhất để điều trị nhiễm trùng Candida auris, cũng đã tăng gấp ba lần vào năm 2021 so với năm trước.
Đây là một ví dụ điển hình về cách nấm và vi khuẩn dường như nhanh chóng phát triển để chống lại các phương pháp điều trị hiện có. Có những loại thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm mới đang được phát triển, nhưng vi khuẩn và nấm nói chung đã vượt xa các phương pháp điều trị này.
NHIỄM TRÙNG ĐA KHÁNG THUỐC GIA TĂNG TẠI VIỆT NAM
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức cho biết tình trạng kháng thuốc làm tăng thời gian nằm viện, chi phí điều trị và tỷ lệ biến chứng nặng dẫn đến tử vong cho bệnh nhân, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng. Tại Hội nghị “Chiến lược sử dụng thuốc kháng sinh - kháng nấm và vai trò của phối hợp đa chuyên khoa trong điều trị bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc hiện nay tại Việt Nam” mới đây, TS.BS.CK2. Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh tình trạng vi sinh vật kháng thuốc đang trở thành vấn đề y tế cấp bách toàn cầu.
Do đó, việc sử dụng kháng sinh không chỉ đòi hỏi sự chính xác về loại thuốc, liều lượng mà còn phải cân nhắc dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, ở từng điều kiện khác nhau. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ lâm sàng, bác sĩ vi sinh và dược sĩ lâm sàng sẽ giúp đưa ra phương hướng lựa chọn sử dụng kháng sinh một cách hợp lý nhất, giảm tác dụng phụ do thuốc gây ra và ngăn chặn sự lan rộng của vi sinh vật kháng thuốc.

Bên cạnh chú trọng nâng cao hiệu quả điều trị, việc kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiễm trùng đa kháng cũng là một vấn đề quan trọng. Điều này sẽ giúp các bệnh viện có thể tránh được nguy cơ khủng hoảng y tế do dịch bệnh bùng phát xảy ra. Đây cũng là hoạt động thuộc kế hoạch hành động quốc gia của Bộ Y tế về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030.
Với ý nghĩa đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh: chiến lược quản lý, tối ưu hóa sử dụng kháng sinh, công cụ chẩn đoán nhanh, phối hợp đa chuyên ngành trong điều trị nhiễm trùng đa kháng là bước quan trọng để đối phó với vấn đề này.
Về thực trạng bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc trên thế giới nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng, TTND.TS.BS, Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh đang lan rộng khắp thế giới như một "đại dịch". WHO xác định đây cũng chính là vấn đề hàng đầu đe dọa đến sức khỏe loài người với khoảng 5 triệu ca tử vong mỗi năm.
Tại Việt Nam, vấn đề này dần trở nên cấp bách hơn khi tình trạng nhiễm trùng đa kháng thuốc ở người bệnh tại các bệnh viện đang ngày càng gia tăng "chóng mặt". Riêng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi tháng có 480 ca nhiễm khuẩn Gr(-) đa kháng khó điều trị và khoảng 200 ca nhiễm khuẩn Gr(+) kháng thuốc, với nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm khuẩn cộng đồng gây ra. Điều này làm tăng tỷ lệ tử vong lên 1,6 lần, tăng tổng chi phí điều trị lên gần 2 lần và tăng chi phí thuốc kháng sinh lên gấp 3 lần so với bình thường.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh. Điển hình như vi khuẩn kháng thuốc. Các loại vi khuẩn gây bệnh thường biến đổi không ngừng để thích nghi với cơ thể. Chúng có thể đột biến gen, phân hủy hoặc tạo ra những thay đổi trong cấu trúc làm mất tác dụng của thuốc. Ngoài ra, việc tự ý dùng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến nhiễm trùng đa kháng thuốc.
Thống kê cho thấy có hơn 80% phụ huynh chưa biết sử dụng kháng sinh đúng cách cho con dưới 2 tuổi. Điều này cũng phần nào phản ánh được sự nghiêm trọng của vấn đề này tại Việt Nam.