"Tái cơ cấu không bắt đầu từ câu hỏi tiền ở đâu"
Câu hỏi không phải tiền đâu mà câu hỏi thứ nhất là thị trường ở đâu? Sản phẩm gì? Thế giới đang làm gì?
Con đường ở đây phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu không bắt đầu từ câu hỏi tiền ở đâu, mà là câu hỏi thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người đâu, tiền đâu và đất đâu.
Là uỷ viên Bộ Chính trị duy nhất phát biểu trong hai ngày Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh) hơn một lần nhấn mạnh quan điểm nói trên.
Bắt đầu bằng câu hỏi tái cơ cấu bắt đầu từ đâu, ông Nhân cắt nghĩa, tái cơ cấu có thể hiểu là sự thay đổi về cơ cấu của hệ thống đang hoạt động như các doanh nghiệp, các cơ quan, các ngành, các địa phương. Thay đổi quy mô, tính chất đầu vào, đầu ra của tổ chức. Ví dụ một doanh nghiệp có thể thay đổi số lượng các phân xưởng, phòng ban trong doanh nghiệp, thay đổi chức năng của bộ phận trong doanh nghiệp, đó là thay đổi cơ cấu của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp cũng có thể thay đổi cơ cấu sản phẩm của mình. Ví dụ một xí nghiệp dệt may có thể thay đổi sản phẩm cho nam và nữ, trong nước và nước ngoài, cho người nghèo và người cao cấp...
Theo ông, có hai cách tiếp cận về quyết định quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp.
Thứ nhất, phải có vốn, có tiền, coi có tiền là tiền đề quan trọng để mua đầu vào, để sản xuất bán hàng và thu lại doanh thu, kết quả.
Thứ hai, không phải xuất phát từ tiền mà xuất phát từ phân tích thị trường, chọn sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt trong thị trường. Từ đó thiết kế sản xuất, mua đầu vào, triển khai sản xuất, bán sản phẩm, thu hồi vốn và tái đầu tư.
Thực tế chỉ ra, có nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu bằng vấn đề đã có tiền nhưng sau đó phá sản. Ví dụ như dự án gang thép Thái Nguyên, không phải thiếu vốn, vốn ban đầu 3.600 tỷ, sau nâng lên gần 8.000 tỷ nhưng rồi vẫn không hoạt động. Con đường ở đây phải thay đổi tư duy, tái cơ cấu không bắt đầu từ câu hỏi tiền ở đâu, mà là câu hỏi thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người đâu, tiền đâu và đất đâu, ông Nhân lập luận.
Với tái cơ cấu ngành, dù khác với tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Nhân cũng cho rằng phải có hợp tác công-tư chứ không phải chỉ là vốn.
Ông phân tích, khi tái cơ cấu doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh, đã phát mệnh lệnh mọi cấp dưới phải thực hiện, chủ doanh nghiệp vì lợi ích của mình, sẽ quan tâm đeo bám quá trình tái cơ cấu. Nhưng tái cơ cấu ngành thì không phải như vậy để tái cơ cấu một ngành cần sự phối hợp giữa các doanh nghiệp của ba khâu, cung cấp đầu vào, sản xuất và tổ chức tiêu thụ xuất khẩu. Như vậy, cần sự phối hợp của hội doanh nghiệp ngành hàng đó, của Nhà nước, cơ chế, chính sách và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.
Vấn đề tiếp theo được ông Nhân đề cập là vì sao các vùng kinh tế phối hợp kém hiệu quả. Mỗi tỉnh do một ủy ban nhân dân lãnh đạo và kết quả kinh tế-xã hội của tỉnh đó mình được hưởng. Không có ai lãnh đạo chung một vùng, hưởng kết quả một vùng, vì vậy xu hướng là mạnh ai nấy làm. Như vậy, để triển khai cơ chế vùng phải có ba đại diện, phải hợp tác ba bên, đó là hợp tác hai công và một tư. Công đó là chính quyền địa phương, chính quyền Trung ương và tư là hội doanh nghiệp lành nghề cho từng ngành hàng.
Vốn là nội dung tiếp theo được vị đại biểu Trà Vinh đề cập. Ông nói, điều kiện ngân sách thời gian tới chi sẽ không nhiều do nợ công còn cao. Trong khi đó vốn trong dân đã có, phải làm thế nào phát huy được tốt nguồn này.
Đặc biệt là vốn nước ngoài, theo Chủ tịch Nhân thì trong đó kiều hối rất đáng quan tâm. Bình quân thời gian vừa qua 1 năm kiều hối 8-10 tỷ USD trong khi ODA giải ngân 1 năm 4-5 tỷ USD, nếu tận dụng tốt nguồn vốn gấp 2 lần ODA này, nên nguy cơ phụ thuộc vào ODA không đáng kể.
Về nguồn nhân lực, theo ông Nhân thì Việt Nam có lợi thế lao động cho tới 30 năm nữa. Chừng nào GDP đầu người còn thấp thì chi phí lao động còn thấp cho nên có thể hình dung nếu GDP bình quân đầu người chưa vượt ngưỡng 25 nghìn đô la trong 30 năm tới thì chi phí lao động luôn có khả năng có lợi thế cạnh tranh.
Tóm lại, để tái cơ cấu kinh tế phải tái cơ cấu tư duy. Câu hỏi không phải tiền đâu mà câu hỏi thứ nhất là thị trường ở đâu? Sản phẩm gì? Thế giới đang làm gì? Câu hỏi thứ hai là người ở đâu? Cái này chúng ta đang có và làm tốt hơn. Câu hỏi thứ ba là có biết công nghệ không, có làm chủ được khoa học kỹ thuật không?
Theo tôi, tuy có hạn chế nhưng người Việt Nam đứng trước thách thức nào cũng vươn lên làm chủ được. Câu hỏi thứ tư là vốn ở đâu? Câu hỏi thứ năm là đất ở đâu? Sẽ được giải quyết khi 3 câu hỏi trên có lời giải, ông Nhân khái quát.