02:43 27/10/2013

Tái cơ cấu kinh tế: Đại biểu chê chậm, Chính phủ nói gì?

Nguyễn Lê

Theo nhiều vị đại biểu Quốc hội thì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm vẫn là lực cản không hề nhỏ

Chưa hề vơi đi chút nào là nỗi lo của khá nhiều vị đại biểu khi đề cập 
đến tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với nhận xét chung là rất 
chậm.
Chưa hề vơi đi chút nào là nỗi lo của khá nhiều vị đại biểu khi đề cập đến tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với nhận xét chung là rất chậm.
Trong khi không ít đại biểu Quốc hội sốt ruột vì sự chậm chạp của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thì góc nhìn của Chính phủ lại khá lạc quan.

Tại bản báo cáo vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho biết, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều thể hiện quyết tâm, kịp thời triển khai các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nhiều sáng kiến cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư có chất lượng và mô hình tổ chức sản xuất mới đã xuất hiện. Việc tái cơ cấu ba lĩnh trọng tâm cũng đã đạt được kết quả bước đầu, hỗ trợ thiết thực cho ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng hợp lý.

Kết quả rõ nét

Phần lớn dung lượng của bản báo cáo này được dành cho đánh giá ba nhiệm vụ trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có đầu tư công.

Cho đến nay, tái cơ cấu đầu tư công là một trong các khâu đi vào cuộc sống và mang lại kết quả rõ nét, Chính phủ khẳng định.

Việc thực hiện chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ được coi là khởi đầu của tái cơ cấu đầu tư công.

Kết quả là trong mấy năm gần đây, tỷ trọng đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng đầu tư xã hội đã giảm tương đối nhanh, từ mức 54,3% thời kỳ 1999-2000, xuống 51,8% thời kỳ 2001-2005, 38,7% thời kỳ 2005-2010, xuống còn 37,4% thời kỳ 2011-2012 và 37,1% trong 9 tháng đầu năm 2013.

Chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước cũng đã giảm đáng kể,  năm 2010 chiếm 8,5% GDP, năm 2012 còn 6% GDP, 4,71% GDP trong 9 tháng đầu năm 2013.

Co cấu đầu tư bước đầu được điều chỉnh, vốn đầu tư đã được phân bố tập trung vào những dự án ưu tiên, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán đã tồn tại từ nhiều năm trước đây, báo cáo nêu rõ.

Chính phủ cũng lạc quan rằng, với xu hướng này, dự kiến đến giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở có Luật Đầu tư công, nhà nước sẽ kiểm soát được đầu tư công do Trung ương quản lý. Kết quả tái cơ cấu đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là biểu hiện rõ nét của những nỗ lực không tiếp tục theo mô hình tăng trưởng cũ; góp phần thúc đẩy việc chuyển sang mô hình tăng trưởng mới.

Được hoàn thành trước báo cáo này của Chính phủ hai ngày, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về một số ý kiến về việc triển khai thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế nêu rõ, đến nay Chính phủ chưa phê duyệt đề án toàn diện tái cơ cấu đầu tư công. Tái cơ cấu đầu tư công chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là giải pháp mang tính chất tình huống và ngắn hạn.

Còn các dự án luật được cho là rất cần để hoàn thiện thể chế nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Ở  phiên thảo luận tổ sáng 24/10, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhận xét tái cơ cấu đầu tư công nói ra rả không đầu tư dàn trải, phải tập trung, có hiệu quả nhưng khi đi giám sát các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, có những công trình dàn trải đến mức cười ra nước mắt.

Nỗi lo chưa vơi

Chưa hề vơi đi chút nào là nỗi lo của khá nhiều vị đại biểu khi đề cập đến tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với nhận xét chung là rất chậm.

Theo báo cáo của Chính phủ thì 100/101 phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương  đã được Thủ tướng phê duyệt. Và về cơ bản đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 trên phạm vi toàn quốc.

Nhưng, chưa có tính chiến lược, còn rời rạc là khái quát của Ủy ban Kinh tế về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Theo nhận xét của Ủy ban, việc tái cơ cấu mới chủ yếu là chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

Không ít vị đại biểu cho rằng chậm trễ trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang làm cản trở sự phục hồi của nền kinh tế và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư.

Đại biểu Trần Du Lịch kiên trì đề nghị phải bán vốn tại các ngành, lĩnh vực không cần sở hữu thu tiền về, nếu thực sự nhà nước muốn tiến hành cổ phần hóa thì doanh nghiệp nào không cần nắm giữ dứt khoát lấy phần vốn đó đi sử dụng cho việc khác. Còn cổ phần hóa công ty con rồi giao tiền về cho công ty mẹ thì không thể hiệu quả.

Lợi ích nhóm vẫn là lực cản

Dù đã dành đến 1.408 chữ để nói về những mặt chưa được (trong khi mặt được chỉ có 1.211 chữ) song đánh giá tại báo cáo của Chính phủ vẫn có khoảng cách không nhỏ với góc nhìn của các vị đại diện cho dân.

Chính phủ nhìn nhận tiến độ tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm tương đối chậm so với yêu cầu tái cơ cấu, phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ tiêu kế hoạch đã định.

Đồng thời, các giải pháp thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho đến nay về cơ bản vẫn trong thể chế hiện hành, chưa có đột phá trong thể chế huy động, phân bố và sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường.

Còn theo nhiều đại biểu thì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm vẫn là lực cản không hề nhỏ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban  Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhận xét, tâm lý các doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa  bởi vẫn muốn giữ cổ phần chi phối. Và nếu  tự giao cho họ tái cơ cấu mà không có một sức ép từ trên xuống như các nước khác sẽ chậm và lúng túng bởi lợi ích riêng, cục bộ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) chỉ ra một nguyên nhân nguy hiểm là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ chính trong các doanh nghiệp nhà nước đang phải sắp xếp lại.

Theo ông Nghĩa, không thể để các doanh nghiệp tự làm mà phải có bàn tay từ bên ngoài sắp xếp lại. Bởi thế cần lập một ủy ban chuyên trách về tái cơ cấu, để năm 2014 sẽ chính thức đi vào hoạt động với thành phần gồm có thành viên của Quốc hội, các tổ chức, định chế định giá, giám sát độc lập.

Theo nghị trình, bắt đầu từ sáng 31/10, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình – kinh tế xã hội, kết hợp  thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.