Tai nạn máy bay của Sriwijaya Air nối dài danh sách thảm họa hàng không của Indonesia
Indonesia là quốc gia có lịch sử an toàn bay tồi tệ nhất châu Á với 104 vụ tai nạn, khiến 2.353 người thiệt mạng
Vụ rơi máy bay mang ký hiệu SJ182 của hãng hàng Sriwijaya Air chiều thứ Bảy (9/1) là một trong nhiều thảm họa hàng không từng xảy ra tại Indonesia - quốc gia có lịch sử an toàn bay thuộc hàng thấp nhất thế giới.
QUỐC GIA CÓ LỊCH SỬ AN TOÀN BAY THẤP NHẤT CHÂU Á
Indonesia từng ghi nhận nhiều vụ tai nạn máy bay xuất phát từ các nguyên nhân bao gồm yếu kém trong công tác bảo dưỡng máy bay, đào tạo phi công, lỗi giao tiếp hoặc các vấn đề liên quan tới công tác kiểm soát không lưu. Quốc gia này cũng có lịch sử an toàn bay tồi tệ nhất châu Á với 104 vụ tai nạn, khiến 2.353 người thiệt mạng, theo dữ liệu từ Mạng lưới An toàn Hàng không.
Hiện tại, nguyên nhân khiến máy bay SJ182 rơi xuống biển Java chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay Soekarno-Hatta ở Jarkarta vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, 2 vấn đề nổi cộm được thấy rõ là: Máy bay cất cánh trong cơn mưa nặng hạt và đây là chiếc Boeing 737-500 đã gần 27 năm tuổi.
Boeing 737-500 này thuộc dòng 737 - một trong những dòng máy bay thành công nhất thời địa của Boeing, được đưa ra thị trường vào năm 1967. Máy bay này nằm trong series Classic của Boeing, bao gồm 737-300 và 737-400. Còn series 737 Max được ra mắt vào năm 2017 là máy bay có liên quan tới hai vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không Lion Air vào tháng 10/2018 và Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019.
Trên toàn cầu, Boeing đã bán ra khoảng 390 chiếc 737-500 với sức chở tối đa 145 người. Các máy bay thuộc dòng này đang được Sriwijaya Air khai thác có thiết kế dành cho 120 hành khách. Sriwijaya Air là một trong những hãng hàng không giá rẻ mới của Indonesia, chuyên phục vụ các đường bay chặng ngắn nội địa.
Trong khi các hãng hàng không thường thay thế những máy bay có tuổi đời từ 25 tuổi trở lên, Sriwijaya Air lại nhập vào đội bay của mình những chiếc máy bay đã khai thác được hàng chục năm. Trước khi về tay Sriwijaya Air, chiếc Boeing 737-500 gặp nạn từng qua tay Continental Air Lines và United Airlines Holdings Inc., theo dữ liệu trên trang Planespotters.net. Tuổi trung bình của đội tàu bay Boeing tại Sriwijaya Air là khoảng 17. Nếu không tính chiếc Boeing 737-900 mới đưa vào khai thác năm 2014, tuổi trung bình lên tới gần 19, theo tính toán của Bloomberg. Trong khi đó, tuổi trung bình đội tàu bay của hãng hàng không quốc tế PT Garuda Indonesia là 8,3 năm.
Tuổi tàu bay không chỉ là nguyên nhân duy nhất có thể gây ra vấn đề. Indonesia - quốc gia có nhiều đảo nhất thế giới với các hòn đảo có thể trải dài từ London đến New York - là một trong những nơi có nguy cơ xảy ra giông bão và sấm sét cao nhất thế giới. (Ví dụ thành phố Bogor ghi nhận kỷ lục 322 ngày có sấm xét trong năm 1988).
Nước này cũng thường xảy ra hiện tượng phun trào núi lửa, xả các cột khói bụi cao, có thể cuốn vào động cơ máy bay và gây hỏng hóc. Năm 2019, sân bay Bali đã phải hủy và chuyển hướng hàng loạt chuyến bay sau vụ phun trào núi lửa Agung, gây ra tình trạng khói bụi nghiêm trọng tại khu vực phía nam hòn đảo. Bên cạnh đó, tình trạng nóng lên toàn cầu, các sự kiện thời tiết cực đoan cũng ngày càng xảy ra phổ biến hơn. Chuyến bay SJ182 của Sriwijaya Air đã bị hoãn khoảng 1 giờ trước vụ tai nạn do điều kiện thời tiết xấu.
"Dù chúng ta vẫn phải chờ báo cáo điều tra cuối cùng để biết nguyên nhân thực của vụ tai nạn, những dữ liệu sơ bộ cho thấy có vẻ chiếc máy bay đã mất phương hướng và điều kiện thời tiết có thể là một nguyên nhân", nhà phân tích hàng không độc lập Gerry Soejatman cho biết.
CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ NHỮNG LỖI CHỦ QUAN
Lỗi giao tiếp cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn máy bay ở Indonesia. Tháng 12/2014, trên một chuyến bay của AirAsia Bhd. cất cánh từ Surabaya, cơ trưởng người Indonesia và cơ phó người Pháp đã hành động trái ngược nhau khi cố gắng cứu hệ thống bánh lái bị lỗi. Kết quả là chiếc máy bay đã bay vọt lên, chết máy rồi lao xuống biển.
Cũng giống như nhiều sân bay tại Indonesia, sân bay Soekarno-Hatta tại Jarkarta cũng đang vật lộn với tình trạng quá tải do bùng nổ ngành hàng không tại châu Á. Dù đã được mở rộng để phục vụ khoảng 60 triệu hành khách mỗi năm, năm 2019, sân bay này đã đón khoảng 80 triệu khách. Soekarno-Hatta khánh thành đường băng thứ ba vào tháng 1/2020 để giúp giảm tình trạng quá tải.
Sriwijaya Air, được thành lập vào năm 2003, hiện khai thác 53 đường bay, trong đó chủ yếu là nội địa. Một số đường bay quốc tế bao gồm tới Penang, Malaysia và Dili, Đông Timor. Đến nay, hãng này chưa gặp vụ tai nạn chết người nào. Cả 4 sự cố mà hãng này gặp phải đều do vấn đề của máy bay, trong đó vụ gần nhất là chiếc Boeing 737-33A trượt khỏi đường băng vào tháng 5/2017.
Theo các chuyên gia, với một hãng hàng không, chỉ xảy ra 4 sự cố và không có người thiệt mạng là một thành tích không tệ. Để so sánh, hãng hàng không TransNusa Aviation Mandiri, được thành lập năm 2012, ghi nhận một vụ tai nạn, còn Lion Air, ra đời năm 1999, có hơn 9 sự cố cùng 2 tai nạn chết người.
Xét về Boeing 737-500, dòng phi cơ này từng gặp 8 vụ tai nạn khiến máy bay bị hư hỏng hoàn toàn và có tổng số người thiệt mạng là 220, theo dữ liệu từ Mạng lưới An toàn Hàng không. Nếu so với dòng máy bay tương tự A319 của Airbus, số vụ tai nạn chỉ là 3.
Vụ tai nạn gần nhất của Boeing 737-500 xảy ra vào tháng 9/2008 khi máy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot gặp nạn khiến 88 người thiệt mạng. Trước đó là vụ tai nạn của hãng hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines Inc. vào tháng 7/1993 cướp đi sinh mạng của 68 người. Nguyên nhân của cả hai vụ tai nạn được xác định là lỗi của phi công, hoặc thời tiết. Vụ tai nạn của hãng Sriwijaya Air hôm 9/1 có thể là thảm họa tồi tệ thứ ba liên quan tới máy bay Boeing 737-500 với 62 hành khách và phi hành đoàn. Hiện không có dấu hiệu cho thấy còn ai sống sót.