15:57 22/12/2021

Tài xế xe công nghệ khẩn trương đổi sang biển số vàng trước ngày 1/1/2022

Minh Hà

Các ứng dụng gọi xe Grab, Gojek, Be yêu cầu tài xế khẩn trương đổi sang biển số vàng, lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải…

Taxi Mai Linh Lâm Đồng đổi sang biển kiểm soát màu vàng.
Taxi Mai Linh Lâm Đồng đổi sang biển kiểm soát màu vàng.

Đại diện các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek, Be đều thông báo trên toàn hệ thống và yêu cầu các đối tác tài xế cần cập nhật thông tin về biển số xe màu vàng theo đúng quy định. 

 
Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt từ 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera theo quy định.

Trước đó trong văn bản số 9257/VPCP-CN ngày 20/12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp chuyển sang sử dụng dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (thay cho phương thức thu phí thủ công, dùng tiền mặt).

Đại diện Grab cho biết, đối với xe đã có biển số vàng, tài xế cần chụp ảnh biển số để gửi lên hệ thống. Trường hợp các tài xế đã có đăng ký xe và giấy hẹn biển số vàng thì cần chụp ảnh đăng ký xe hoặc đăng kiểm đã đổi sang biển số vàng. Để tạo điều kiện cho các tài xế đang trong quá trình đợi biển số mới, Grab cho phép cập nhật thông tin lên hệ thống giấy hẹn biển số vàng với đầy đủ thông tin không bị gạch xóa, mờ/mất góc.

Vừa ra mắt dịch vụ Gocar, Gojek cũng hướng dẫn tài xế ô tô cập nhật thông tin biển số vàng mới trên hệ thống. Nếu chưa có biển số vàng cần chụp giấy hẹn và cập nhật ngay sau khi nhận biển số.

“Đối tác cần cập nhật các thông tin đầy đủ để tránh bị hệ thống từ chối dịch vụ vận tải, ghi nhận thông tin bổ sung giấy hẹn/hình ảnh biển số vàng”, Đại diện Gojek cho hay. 

Hiện, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với xe ô tô tham gia hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không chấp hành quy định về lắp đặt camera, không thực hiện đúng quy định về chuyển đổi biển kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải sang nền màu vàng, các phương tiện không đủ điều kiện đi vào cửa thu phí điện tử không dừng gây mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông... 

Được biết, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-CP có nội dung đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Chính phủ quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi quy định tại: điểm p khoản 5 Điều 23; điểm c khoản 3 Điều 24; điểm o, p khoản 6 Điều 28 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt từ 1-2 triệu đồng đối với lái xe; 5-6 triệu đồng đối với cá nhân và 10-12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera theo quy định.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng số xe kinh doanh vận tải thực hiện lắp camera giám sát theo Nghị định 10 của Chính phủ là 208.128 xe. Tuy nhiên, đến hết ngày 11/11 mới có 25.020 xe thực hiện lắp camera theo quy định, tương đương tỷ lệ 12,02%. Còn khoảng 87,98% số phương tiện chưa thực hiện.

 

Ngày 4/11/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) 13396 về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải. TCVN13396 quy định cụ thể về đặc tính kỹ thuật thiết bị, dữ liệu hình ảnh và hành trình, các dữ liệu kết hợp, thời gian lưu trữ, biển kiểm soát, thông tin lái xe, tọa độ, thời gian...