Tám doanh nghiệp chế xuất không đáp ứng điều kiện kiểm tra và giám sát hải quan
Tổng cục Hải quan cho biết, doanh nghiệp chế xuất gặp hàng loạt vướng mắc khi triển khai các điều kiện về kiểm tra, giám sát hải quan. Hiện còn 8 doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng điều kiện...
Ngày 23/5, Tổng cục Hải quan đưa ra thông tin về tình hình triển khai quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan.
1.616 DOANH NGHIỆP ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN
Thống kê do Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, đến hết ngày 25/4 (thời hạn phải hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan), có 1.607 trên tổng số 1.673 doanh nghiệp chế xuất thông báo, thực hiện kiểm tra và xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan.
Đối với 69 doanh nghiệp chế xuất còn lại, Tổng cục Hải quan cho biết, có 40 doanh nghiệp thuộc diện bị khởi tố, tạm ngừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể, chuyển địa bàn, chuyển sang doanh nghiệp không phải doanh nghiệp chế xuất; 11 doanh nghiệp chế xuất mới thành lập, đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng; 1 doanh nghiệp chế xuất hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, không có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và 17 doanh nghiệp chế xuất không thể hoàn thiện điều kiện kiểm tra, giám sát do nguyên nhân khách quan.
Hiện tại, các cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thành điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan.
Cập nhật mới nhất, đến ngày 12/5, có thêm 9 doanh nghiệp chế xuất được xác nhận đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát, nâng tổng số doanh nghiệp chế xuất đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan lên 1.616 doanh nghiệp.
Như vậy, chỉ có 8 doanh nghiệp chế xuất còn lại vẫn đang tiếp tục hoàn thiện theo quy định do có những khó khăn về kinh phí, thực trạng nhà xưởng hoặc một số nguyên nhân khách quan khác.
Tổng cục Hải quan đánh giá, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp chế xuất nêu ra được cơ quan hải quan tháo gỡ kịp thời nên hiện nay không có phát sinh vướng mắc nổi cộm khi triển khai.
Được biết, ngày 11/03/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Nghị định số 18 có hiệu lực thi hành vào ngày 25/4/2021.
Một trong những nội dung quan trọng của nghị định này là quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và áp dụng chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan. Chính phủ cho các doanh nghiệp hơn 1 năm để chuẩn bị và từ ngày 25/4/2022, các doanh nghiệp đủ điều kiện mới được áp dụng chính sách ưu đãi.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 10 Điều 1 về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan, phải đáp ứng đủ các điều kiện:
"a) Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng/cửa.
b) Có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ); dữ liệu hình ảnh ca-mê-ra được kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý doanh nghiệp và được lưu giữ tại doanh nghiệp chế xuất tối thiểu 12 tháng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có trách nhiệm ban hành định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp về hệ thống ca-mê-ra giám sát để thực hiện theo quy định tại điểm b khoản này
c) Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của doanh nghiệp chế xuất để báo cáo quyết toán nhập - xuất- tồn về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật về hải quan”.
Đối với doanh nghiệp chế xuất có dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, nếu quá thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp văn bản xác nhận lần đầu của Chi cục Hải quan, doanh nghiệp chế xuất không thực hiện việc thông báo cho Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất hoặc không đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan thì không được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan.
Khi đó, doanh nghiệp phải nộp đủ các loại thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền tương ứng với dự án đầu tư mới hoặc phần dự án đầu tư mở rộng không đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định.
DOANH NGHIỆP GẶP NHIỀU VƯỚNG MẮC KHI TRIỂN KHAI
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, từ khi Nghị định 18 được ban hành, Tổng cục Hải quan triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chế xuất đạt được yêu cầu đặt ra.
Gần đây nhất, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 1305/TCHQ-GSQL ngày 15/4/2022 triển khai quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan. Trong đó, đôn đốc doanh nghiệp chế xuất hoàn thiện kiểm tra, giám sát hải quan trước ngày 25/4/2022.
Tổng cục Hải quan cũng chỉ rõ hàng loạt vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy định.
Thứ nhất, về điều kiện liên quan đến hàng rào cứng, Tổng cục Hải quan cho hay, thực tế kiểm tra tại doanh nghiệp chế xuất, việc xây dựng hàng rào của các doanh nghiệp có nhiều loại, nhiều chất liệu và chiều cao khác nhau tuy nhiên hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể tiêu chí về “hàng rào cứng”...
Thứ hai, về điều kiện hệ thống camera giám sát, quy định tại Nghị định 18 yêu cầu trang bị hệ thống camera giám sát tại cổng/cửa ra vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa.
Tuy nhiên, "trong thực tế, doanh nghiệp lưu giữ hàng hóa tại nhiều nơi trong doanh nghiệp bao gồm kho, bãi, nơi lưu giữ tạm thời, nhà xưởng… Vì vậy, việc trang bị camera giám sát tại tất cả các vị trí lưu giữ hàng hóa là không khả thi, cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể về các vị trí yêu cầu lắp đặt camera giám sát", Tổng cục Hải quan chỉ rõ bất cập.
Ngoài ra, nhiều đơn vị cũng quan ngại về tính bảo mật, cách thức kết nối, trao đổi dữ liệu hình ảnh camera với cơ quan hải quan.
Thứ ba, về quản lý chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất, một số doanh nghiệp chế xuất có thành lập chi nhánh, hoạt động dưới loại hình doanh nghiệp chế xuất, hạch toán phụ thuộc trên địa bàn khác với địa bàn của trụ sở doanh nghiệp chế xuất chính.
Theo quy định tại Điều 28a Nghị định 18, Chi cục Hải quan nơi quản lý doanh nghiệp chế xuất thực hiện kiểm tra, xác nhận việc đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan. Bởi vậy, Tổng cục Hải quan băn khoăn: vấn đề đối với các chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất, Chi cục Hải quan quản lý là Chi cục Hải quan nơi có trụ sở doanh nghiệp chính hay Chi cục hải quan nơi có Chi nhánh hạch toán phụ thuộc vẫn chưa được quy định rõ.
Thực tế hiện nay có nhiều trường hợp doanh nghiệp chế xuất có địa chỉ nhà xưởng ở nhiều khu khác nhau, cách biệt nhau. Các nhà xưởng đều có hoạt động sản xuất, hoạt động lưu giữ nguyên liệu, sản phẩm của doanh nghiệp, không tách bạch ra khu dành riêng cho sản xuất, khu lưu giữ nguyên liệu, sản phẩm của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế và được hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước như không chịu thuế giá trị gia tăng, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, miễn thuế xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài...