10:58 02/07/2024

Tăng lương cơ sở: Bước điều chỉnh phù hợp

Lý Hà

Cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW là vấn đề rất toàn diện liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và hàng triệu người thụ hưởng chính sách. Do đó, tăng lương cơ sở bắt đầu từ ngày 1/7/2024 là bước đệm phù hợp cho lộ trình cải cách tiếp theo...

 Tăng lương cơ sở bắt đầu từ ngày 1/7/2024 là bước đệm phù hợp cho lộ trình cải cách tiếp theo.
Tăng lương cơ sở bắt đầu từ ngày 1/7/2024 là bước đệm phù hợp cho lộ trình cải cách tiếp theo.

Theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ về cải cách chính sách tiền lương: Phải thiết kế, xây dựng thang bảng lương mới gồm lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp, chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương. Đồng thời, bổ sung tiền thưởng, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp. Một trong các yếu tố để thiết kế bảng lương mới là bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.

Đây là một vấn đề rất lớn nên dù Chính phủ đã tích cực chuẩn bị thực hiện, nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn còn quá nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết, nên Chính phủ đã đề xuất phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng bắt đầu từ ngày 1/7/2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, để triển khai Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, Chính phủ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thận trọng, bài bản và coi đây là một vấn đề khoa học gắn với thực tế. Vì thế, cần phải có những đánh giá chắc chắn, nhiều chiều những tác động liên quan khi cải cách tiền lương.

NỖ LỰC ĐƯA NGHỊ QUYẾT 27 VÀO THỰC TIỄN

Thực tế trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã làm việc rất quyết liệt, thận trọng, chắc chắn, đồng bộ và xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, mọi mặt về triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 và các nghị quyết liên quan.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ đã tổ chức tới 21 cuộc họp thảo luận về các nội dung cải cách tiền lương để tìm ra phương án tối ưu nhất, khả thi và hiệu quả cao nhất.

Bàn về chính sách tiền lương mới hầu hết các ý kiến đều thấy rằng chính sách phải bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương cũ; đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động và các quy luật của kinh tế thị trường; lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Cần phải có những đánh giá chắc chắn, nhiều chiều những tác động liên quan khi cải cách tiền lương. Thực tế trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã làm việc rất quyết liệt, thận trọng, chắc chắn, đồng bộ và xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, mọi mặt về triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Như vậy, chính sách tiền lương mới liên quan chặt chẽ đến các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, tinh giản biên chế khi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức và quản lý… do Nhà nước trả lương, trợ cấp xã hội. Chính sách cải cách tiền lương này còn tác động trực tiếp đến khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; 50 triệu người do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; gần 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh...

Đó cũng là một trong những lý do cần phải nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện để đảm bảo lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Hơn nữa, cũng cần nhìn nhận vào thực tế chính sách tiền lương trong khoảng 20 năm qua, từ năm 2004 đến năm 2023 để thấy rõ tính tổng thể trong chính sách tiền lương. Trong khoảng thời gian này chúng ta đã 14 lần tăng lương cơ sở, từ mức 290.000 đồng (từ ngày 1/10/2004) lên 1,8 triệu đồng (từ ngày 1/7/2023 đến nay). Riêng trong ba năm, từ năm 2020 đến năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên mức lương cơ sở không thay đổi với 1,49 triệu đồng.

Do đó đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư gia tăng.

Nhìn lại 14 lần tăng mức lương cơ sở đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ nhằm hướng đến mục tiêu: Lương sẽ là thu nhập chính, đảm bảo đời sống của người hưởng lương. Việc tăng mức lương cơ sở đưa mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo cũng tăng lên.

Trước tình hình chung đó, việc đưa ra chính sách mới vừa đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ của Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương, vừa bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội cho nhân dân trong quá trình phát triển là rất khó.

Tinh thần của các Nghị quyết của Trung ương đều chỉ rõ, nếu đủ điều kiện thực hiện cái mới thì triển khai ngay, những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội. Cho nên, phương án tăng mức lương cơ sở lần này cho thấy là bước đệm tạo được sự đồng thuận xã hội, không gây xáo trộn lớn và phức tạp thêm tình hình.

BA BẤT CẬP CƠ BẢN KHI THỰC HIỆN LƯƠNG MỚI

Nghị quyết 27 nêu rõ cải cách tiền lương là công việc lớn, cần nhiều thời gian, công sức. Mong muốn của Đảng trong vấn đề cải cách tiền lương là phải toàn diện, đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

 

Việc tăng lương lần này là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong tình hình hiện nay, bởi nó tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Mấu chốt của lương mới sau cải cách là không còn mức lương cơ sở và hệ số lương phức tạp như hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong các bảng lương mới. Như vậy chúng ta phải xây dựng, ban hành hệ thống năm bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Khi chuyển từ lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Với yêu cầu như vậy nên khi thiết kế năm bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ chung cho cán bộ, công chức, viên chức và ba bảng lương của lực lượng vũ trang đã xuất hiện ba vấn đề chưa thể khắc phục.

Thứ nhất, tính hợp lý về tương quan tiền lương mới giữa các đối tượng hưởng lương. Cụ thể, nếu căn cứ vào Nghị quyết 27 phải đưa mức phụ cấp công vụ vào mức lương cơ bản thì dẫn đến sự tăng lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang rất khác nhau, mức tăng lương bình quân theo thứ tự là 23,5%, 54,3%, 43,96%.

Đồng thời, tổng quỹ lương (lương cơ bản, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương) của các đối tượng trên cũng tăng, cho thấy tương quan chung giữa các đối tượng hưởng lương chưa bảo đảm, dẫn đến thiếu công bằng, chưa hợp lý trong các bảng lương mới.

Ngoài ra, mức tăng lương trong khu vực công tính cho mức lương thấp nhất của các đối tượng trên cũng chênh nhau khá lớn nếu so với vùng I khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi áp dụng lương vào các chức vụ, chức danh, thứ bậc trong hệ thống chính trị với khoảng 234 chức danh gốc (theo Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị) thì còn phát sinh nhiều chức vụ tương đương khác từ cấp xã đến Trung ương. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc xây dựng thang bảng lương.

Thứ hai, hiện có rất nhiều chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở được quy định trong các văn bản của Đảng và của pháp luật, nên cần phải sửa đổi rất nhiều các quy định của Đảng và của pháp luật về các chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở. Ít nhất cũng cần sửa đổi hai văn bản của Đảng, 10 luật, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 8 nghị định của Chính phủ và 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chưa kể các thông tư, nghị quyết của các địa phương…

Nếu bãi bỏ mức lương cơ sở mà chưa kịp thời sửa đổi các văn bản này sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách liên quan.

Thứ ba, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và từ ngày 1/7/2024. Khi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, mở rộng quan hệ tiền lương lên 1 - 2,68 - 12 (theo Nghị quyết số 27) dẫn đến có nhiều thay đổi về mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu của người hưởng lương khu vực công, phát sinh chênh lệch lương hưu giữa thời điểm nghỉ hưu trước và từ ngày 1/7/2024 cần phải có giải pháp xử lý (khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội) để đảm bảo tương quan giữa những người nghỉ hưu. Ngoài ra, còn có các bất cập về chế độ phụ cấp khi đưa vào bảng lương mới.

PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU, KHẢ THI NHẤT

Một vấn đề khác rất quan trọng trước khi thực hiện cải cách tiền lương đó là phải tinh gọn bộ máy, biên chế. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương.

Về việc này, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng. Do đó Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chưa trình Bộ Chính trị thông qua hệ thống Danh mục vị trí việc làm.

Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành.
Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành.

Do các vương mắc kể trên, nếu cứ áp dụng tiền lương theo vị trí việc làm ngay, có thể sẽ có những người không được nâng lương, hoặc so sánh với nhau sẽ không còn tương quan rất khó giải thích, từ đó tạo nên tâm lý không tốt, ảnh hưởng đến công việc.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất và Bộ Chính trị nhất trí trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 với mức tăng lương cơ sở thêm 30%, tức là từ 1,8 triều đồng lên 2,34 triệu đồng, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, coi đây là một bước đi để điều chỉnh tiền lương cho cán bộ viên chức và người lao động sau này. Việc tăng lương lần này nhằm bảo đảm ai cũng được tăng lương; đồng thời, mức này cũng tương ứng với mức tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.

Ngoài ra, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện vừa qua có phát sinh bất hợp lý.

Điều kiện tiên quyết trong việc trả lương là cần xác định rõ vị trí việc làm và định biên cho các tổ chức, cơ quan của hệ thống Nhà nước, hệ thống chính trị, từ đó xác định tương quan mức lương của từng vị trí giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp.

Các khoản phụ cấp khác sẽ hỗ trợ bổ sung cho từng vị trí sẽ điều chỉnh cho sự mất tương quan. Còn các chế độ đang hưởng theo mức lương cơ sở có thể tính toán lại để hưởng theo một mức lương bình quân mới (sẽ được quy định).

Theo Bộ Nội vụ, việc tăng lương lần này là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong tình hình hiện nay, bởi nó tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Đồng thời, bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở , tạo được sự thống nhất đồng thuận chung trong xã hội.