Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt song lưu ý lộ trình, tránh tăng sốc
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhất trí về đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia song lưu ý tính toán lộ trình tăng thuế không để doanh nghiệp bị sốc và cần đảm bảo hài hoà các lợi ích...
Chiều ngày 30/07/2024, tại TP. Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”.
LẠM DỤNG RƯỢU BIA ĐỂ LẠI NHIỀU HỆ LUỴ
Theo Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Phạm Thu Phong, trên cơ sở các chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước đã được phê duyệt và chính sách về hoàn thiện đối tượng chịu thuế, thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia tại đề nghị xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã dự thảo sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng chống tác hại của rượu bia) và xây dựng hai phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030. Những sửa đổi của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác động đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật và người tiêu dùng.
Làm rõ những thay đổi tại dự thảo có sức ảnh hưởng lớn tới mặt hàng rượu, bia, phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thúy Anh, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho biết Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%.
Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2018, tuy nhiên, sức mua của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá tăng rất chậm. Hiện thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp.
"Do vậy, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia từ năm 2016 - 2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ", bà Thuý Anh nêu quan điểm.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, rượu, bia là yếu tố xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân liên quan đến chấn thương, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư, một số bệnh truyền nhiễm.
Không chỉ vậy, việc sử dụng, lạm dụng rượu, bia còn gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49; 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu dùng rượu, bia ở Việt Nam vào năm 2017 là 4 tỷ USD, gần bằng 7% số thu ngân sách nhà nước (chưa tính đến chi phí gián tiếp).
Ngoài ra, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập, Việt Nam sẽ áp dụng một mức thuế suất thống nhất với tất cả các sản phẩm bia không phân biệt bao bì đóng gói sản phẩm, nghĩa là bia tươi, bia hơi, bia chai hoặc bia lon.
TĂNG THUẾ MẠNH MONG HIỆU QUẢ TỨC THÌ
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu hạn chế tiêu dùng; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần đảm bảo thu ngân sách nhà nước. Tại dự thảo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án để giải quyết vấn đề này.
Cụ thể, đối với phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình.
Với rượu từ 20 độ trở lên, năm 2026 sẽ áp dụng mức thuế suất 70%; 2027 là 75%; 2028 là 80%, 2029 là 85% và đến năm 2030 mức thuế này sẽ là 90%. Đối với rượu dưới 20 độ, mức thuế suất từ năm 2026-2030 sẽ ở mức 40 - 60%.
Đối với mặt hàng bia, dự thảo đề xuất, kể từ 2026 -2030, mỗi năm sẽ tăng thêm 5% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, để đến năm 2030 mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia đạt 90%.
Phương án 2, rượu từ 20 độ trở lên sẽ có mức thuế 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030. Với rượu dưới 20 độ, thì mức thuế 50% được triển khai từ năm 2026 và đến năm 2030 đạt mức 70%. Riêng mặt hàng bia, từ năm 2026 -2030 sẽ tăng 5%/năm, đạt mức 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030.
"Số thu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng tăng nhanh hơn nhiều trong năm đầu tiên, các năm sau mức độ tăng có tốc độ chậm hơn. Giải pháp này có hiệu quả tức thì theo phương pháp tăng nhanh và mạnh ngay khi Luật có hiệu lực để mang lại tác dụng hiệu quả ngay trong việc giảm sử dụng. Vì nếu tăng từ từ thì người sử dụng lại có thời gian để thay đổi, đáp ứng hơn với sự tăng thuế chậm", bà Thúy Anh lý giải.
Đánh giá tác động của các đề xuất này, theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này. Qua đó, hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Mặt khác, việc định hướng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia góp phần kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây bệnh, làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện.
"Tăng thuế không chỉ góp phần giảm sử dụng ở cả nam và nữ mà còn cản trở tiếp cận của vị thành niên do giá bán tăng", đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Góp ý nội dung điều tiết thuế đối với sản phẩm đồ uống có cồn của dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) thống nhất quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 nhằm đạt mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Theo đó, cần thiết xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy nhiên, theo bà Cúc, trong quá trình thay đổi chính sách, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam.
Đồng thời, cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp để đáp ứng điều tiết cho các nhóm đồ uống có cồn theo đặc thù của từng nhóm.
Ngoài ra, nghiên cứu để áp dụng mô hình áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp trong tương lai theo Quyết định 508/QĐ- TTg theo hướng nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Chúng tôi hoàn toàn nhất trí tăng thuế nhưng trong Quyết định số 508/QĐ-TTg nêu rõ tăng thuế có lộ trình. Vậy có nên tăng thuế lên đến 90%, 100% hay giãn lộ trình dài ra? Tôi cho rằng chúng ta phải có phương án tính toán lộ trình kỹ càng, để doanh nghiệp không bị sốc và để doanh nghiệp tồn tại, không chỉ với doanh nghiệp ngành rượu bia. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp hỗ trợ khác như Nghị định 100/2019/NĐ-CP sẽ hạn chế tiêu dùng hơn bao giờ hết. Từ đó, đảm bảo hài hoà các lợi ích, không để rượu nhập lậu, rượu thủ công gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng".
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA).