18:55 30/05/2022

Tăng tốc hậu đại dịch, doanh nghiệp tại Việt Nam và Singapore chuyển hướng ra sao?

Ánh Tuyết

Từng bước phục hồi và tăng tốc hậu đại dịch, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, Singapore và các quốc gia khác đang dịch chuyển chiến lược kinh doanh và thay đổi danh mục đầu tư, hướng đến những lĩnh vực tăng trưởng bền vững, gắn với kinh tế xanh...

Đầu tư vào năng lượng tái tạo và khoa học công nghệ dành được nhiều sự quan tâm.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo và khoa học công nghệ dành được nhiều sự quan tâm.

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Công ty Tư vấn và Đào tạo Sao Việt (VietStar) và Đại học Quản lý Singapore (SMU) đồng tổ chức Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore (VSBF) lần thứ hai (VSBF 2022) với chủ đề: “Thực thi Chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh” với sự quy tụ của các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam-Singapore.

Đây là cơ hội để các lãnh đạo đồng cấp của Việt Nam và Singapore chia sẻ kinh nghiệm về hoạch định và thực thi chiến lược cũng như các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt nhất, nhằm duy trì tăng trưởng, phát triển bền vững, kiến tạo giá trị và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore.

TĂNG TRƯỞNG VỀ "CHẤT" VÀ BỀN VỮNG HẬU ĐẠI DỊCH

Sau hơn hai năm xảy ra đại dịch, hiện Chính phủ cùng doanh nghiệp Việt Nam và Singapore đang chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, từng bước phục hồi, tăng tốc và tăng trưởng trong trạng thái “bình thường mới” bền vững.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhìn nhận đại dịch Covid-19 kéo dài gần 3 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 cũng bộc lộ tính thiếu bền vững trong mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại. Điều này đòi hỏi chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi.

“Cùng với đó, biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối diện”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá.

Vì vậy, từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân.

Bên cạnh đó, các mục tiêu phát triển cũng được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh hơn các thành tố của phát triển bền vững, hướng đến sự phát triển về “chất” thay về chỉ chú trọng đến “lượng”.

Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore (VSBF) lần thứ hai (VSBF 2022).
Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam-Singapore (VSBF) lần thứ hai (VSBF 2022).

Tại Việt Nam, chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ rất quan tâm. Đặc biệt, tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) vừa qua, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang từng bước chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu hóa thạch.

Cùng quan điểm trên, bà Phạm Thu Hằng, CEO VietStar và Giám đốc VSBF, khẳng định đã đến lúc các doanh nghiệp cần đưa phát triển bền vững với lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh lâu dài chứ không xem đây là một sự đánh đổi.

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐEM LẠI SỨC HÚT

Dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững và để hiện thực hóa mục tiêu phát thải bằng 0 đến năm 2050, phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang được Chính phủ Việt Nam dành nhiều sự quan tâm. 

Gần đây nhất, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, được đánh giá là bước đột phá trong phát triển năng lượng và là chìa khóa cho tư nhân đầu tư vào dự án năng lượng, điện.

Theo đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỷ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030.

Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỷ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Là tập đoàn kinh tế đầu tàu của Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhanh chóng điều chỉnh chiến lược phát triển kinh doanh của tập đoàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 gắn liền với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN, Thành viên Ban cố vấn VSBF, cho hay chiến lược phát triển này hiện đã trình lên Thủ tướng Chính phủ và đang đợi phê duyệt.

Theo đó, định hướng chiến lược của PVN là xây dựng và phát triển thành tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước, của khu vực và có vị trí vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đặc biệt, chiến lược cũng nhấn mạnh quan điểm sử dụng tài nguyên, tiết kiệm, hiệu quả, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; tìm kiếm các giải pháp phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Ông Vượng cho biết thêm, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực then chốt của tập đoàn, nền tảng cho tất cả các hoạt động của PVN. Vì vậy, “trong thời gian tới, PVN sẽ tập trung chú trọng công tác hợp tác quốc tế để nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch phi truyền thống như khí hydrate, khí than, nguồn điện nhiệt…”, ông Vượng bật mí.

Đồng thời, PVN sẽ nghiên cứu tích hợp sử dụng nguồn điện năng lượng tái tạo, nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn khí tự nhiên có hàm lượng CO2 cao trong nước nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Hơn bất cứ doanh nghiệp trong nước nào khác, PVN có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm, hạ tầng triển khai các dự án điện gió ngoài khơi giai đoạn tới. Theo đó, PVN phấn đấu đạt 8.000 - 14.000 MW, năng lượng tái tạo chiếm từ 5-10% tổng công suất của tập đoàn đến năm 2030.

 
Ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN.
Ông Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN.

"Phát triển bền vững một chủ trương nhất quán của Chính phủ Việt Nam và ngành năng lượng Việt Nam, PVN sẽ chung tay cùng Chính phủ cùng các doanh nghiệp khác vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thành công chiến lược phát triển bền vững của đất nước", ông Vượng nhấn mạnh.

Còn dưới góc nhìn của một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới, ông Fock Wai Hoong, Giám đốc điều hành Tập đoàn Temasek Holdings - Singapore, cho hay việc thiết lập một hệ sinh thái để thúc đẩy sự phát triển bền vững là một trong những trọng tâm hoạt động của Temasek. Theo đó, Temasek tính đến việc thay đổi các dự án, danh mục đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

“Để khôi phục sau đại dịch, chúng ta cần phải hướng tới danh mục đầu tư có khả năng phục hồi và những lĩnh vực tăng trưởng bền vững”, ông Fock Wai Hoong nhấn mạnh. Vì lẽ đó, năm 2021, khi nhận diện lĩnh vực số hóa có cơ hội rất lớn trong bối cảnh Covid, Temasek định hướng danh mục đầu tư vào các sản phẩm phần mềm, ngành công nghiệp bán dẫn... “Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững là quá trình lâu dài. Chi phí chuyển đổi có thể ảnh hưởng lợi nhuận trước mắt nhưng về lâu dài, phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp mang lại lợi nhuận tốt hơn”, ông Fock Wai Hoong khẳng định. 

Tính đến hết tháng 3/2021, tổng danh mục đầu tư ròng Temasek Holdings đạt mức kỷ lục 381 tỷ USD.

Một thông tin đáng chú ý, đó là SP Group, nhà vận hành lưới điện và khí đốt duy nhất tại Singapore trực thuộc Temasek, mong muốn rót 750 triệu Đôla Singapore (tương đương khoảng 540 triệu USD) vào Việt Nam. Theo đó, tổng vốn đầu tư này nhằm giúp tập đoàn đến từ Singapore đạt tham vọng phát triển danh mục năng lượng tái tạo tại Việt Nam là 1.000 MW vào năm 2025.

 

Những năm qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore luôn phát triển tích cực và là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cao. Với vị trí địa lý đặc thù, Singapore trở thành trạm trung chuyển thương mại của thế giới trong khi Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu mới nổi với nhiều sản phẩm có năng lực cạnh tranh nhưng thương mại song phương vẫn chưa tương xứng.

Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore từ ngày 24-26/2 vừa qua của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tạo ra xung lực mới trong quan hệ hai nước, nhất là trong bối cảnh một loạt hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) có sự tham gia của Việt Nam và Singapore có hiệu lực, đi vào triển khai.

Theo thống kê, về hợp tác thương mại, sau 2 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Singapore ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về đầu tư, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 4, Singapore có 2.885 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt trên 68,4 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Phân theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Singapore đầu tư vào 18/21 ngành, vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa.

Về phía Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nay. Việt Nam đầu tư sang Singapore với tổng vốn trên 35,9 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư của cả nước ra nước ngoài trong giai đoạn này.