08:49 23/12/2022

Tập đoàn Than than khó, Tập đoàn Điện kêu lỗ nhiều... người dân, doanh nghiệp lo “sốt vó”

Châu Anh

Tại Hà Nội Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) vừa có buổi trao đổi về tình hình cung cấp than năm 2022, và kế hoạch cấp than cho phát điện trong năm tới. Tại sự kiện này, nhiều khó khăn đã được 2 bên trình bày và mong tìm được giải pháp phù hợp nhất…

EVN gặp nhiều khó khăn trong năm 2022
EVN gặp nhiều khó khăn trong năm 2022

Theo Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, trong 11 tháng, tổng khối lượng than Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản đã cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 15,64 triệu tấn, bằng 98,4% tổng khối lượng hợp đồng.

TẬP ĐOÀN THAN THAN KHÓ KHAI THÁC, GIÁ NHẬP KHẨU TĂNG CAO

Nhìn chung trong 11 tháng năm 2022, TKV đã cấp đủ khối lượng than theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, khối lượng than cung cấp các tháng cuối năm có xu hướng giảm dần. Trong quý 4, khả năng cấp than của TKV đã bị giảm và tiếp tục cấp hoàn toàn than pha trộn nhập khẩu.

Theo đại diện Ban kỹ thuận sản xuất EVN, có một số nguyên nhân tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và cấp than cho điện. Hiện TKV gặp khó khăn gia tăng sản lượng than (giới hạn các giấy phép khai thác), bên cạnh đó do nhu cầu than cho phát triển kinh tế trong nước cao, trong khi giá than nhập khẩu liên tục tăng cao ở mức kỷ lục gây áp lực rất lớn cho TKV.

Dự kiến tháng 12, TKV cấp 1,27 triệu tấn than. Tính cả năm 2022, TKV sẽ cấp được 16,91 triệu tấn, bằng 97,1% hợp đồng cả năm. Do nhu cầu huy động nhiệt điện than trong các tháng cuối năm cao, trong khi lượng than cấp giảm nên dẫn tới tình trạng, mức than tồn kho của một số nhà máy nhiệt điện như: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nghi Sơn 1, Hải Phòng, Vĩnh Tân 2 đã giảm thấp hơn so với định mức.

Theo thông báo của TKV, dự kiến, lượng than tồn kho của TKV cuối năm 2022 chỉ còn khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện EVN cho biết, mức than tồn kho thấp tại TKV và tại các nhà máy nhiệt điẹn là tình trạng đáng lo, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng huy động phát điện của các nhà máy, đặc biệt là với nhu cầu cao trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo tính toán về khả năng cấp than cho điện trong năm 2023 của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản và Tổng công ty Đông Bắc, tổng khối lượng than cho điện năm tới là 45,89 triệu tấn. Riêng đối với các nhà máy nhiệt điện của EVN, khối lượng than dự kiến cấp trong năm 2023 là 17,98 triệu tấn, thấp hơn hợp đồng than dài hạn khoảng 1,5 triệu tấn.

TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC LO THIẾU ĐIỆN VÌ... THIẾU THAN

EVN đã xây dựng kế hoạch sản xuất điện năm 2023 cho các nhà máy điện, tuy nhiên các nhà máy dự kiến sẽ huy động phát điện ở mức thấp. Theo đánh giá của Ban Kỹ thuật sản xuất EVN, có nhiều thách thức trong việc cấp than cho điện trong năm 2023 do khả năng sản xuất than trong nước giảm, trong khi nhu cầu nhiên liệu của các NMNĐ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó là yếu tố về chủng loại than. Năm 2023, TKV cấp cho các nhà máy của EVN dự kiến hoàn toàn là than pha trộn. Qua kinh nghiệm thực tế vận hành của các nhà máy, nguồn than pha trộn sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận hành ổn định, kinh tế của các nhà máy nhiệt điện, dễ gây nguy cơ tăng các sự cố, làm giảm khả dụng của các nhà máy điện, ảnh hưởng rất lớn đến cung cấp điện trong thời điểm có nhu cầu huy động cao trong mùa khô năm 2023.

EVN đề nghị, TKV ưu tiên cung cấp than cho phát điện trong mọi trường hợp; đồng thời, có các giải pháp để tăng khai thác than sản xuất trong nước trước mắt và trong dài hạn. Đảm bảo cấp than liên tục, ổn định cho các nhà máy nhiệt điện trong thời gian nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, tăng sản lượng than cấp cho các nhà máy ngay trong các tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, EVN đề nghị TKV phối hợp với các nhà máy điện để cấp các chủng loại than có các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng với nhu cầu thực tế của từng nhà máy nhiệt điện.

EVN ĐỀ XUẤT TĂNG GIÁ BÁN ĐIỆN, ĐIỀU HÀNH NHƯ GIÁ XĂNG DẦU

Theo báo cáo tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2022, EVN lỗ đột biến 31.360 tỷ đồng. Mức lỗ này, theo Ủy ban Quản lý vốn, "do yếu tố khách quan" khi EVN không được tăng giá điện.

Thông tin lỗ đột biến cũng được lãnh đạo EVN nêu tại hội nghị tổng kết 2022, triển khai nhiệm vụ 2023. Tập đoàn này ghi nhận doanh thu khoảng 460.700 tỷ đồng, tăng trên 4,3% so với 2021, trong đó công ty mẹ EVN ghi nhận thu 385.300 tỷ. Tuy nhiên, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao, khoảng 53.200 tỷ đồng. Yếu tố khiến EVN lỗ  31.360 tỷ đồng.

Trước khó khăn trên, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành xăng dầu, tức khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại.

Đại diện cho biết năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Cụ thể, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí "ăn theo" dầu, còn giá than tăng đến 600% so với đầu năm ngoái, trong khi giá bán điện vẫn giữ từ năm 2019, chưa được điều chỉnh.

Với diễn biến này, đại diện EVN giãi bày, tình hình tài chính của công ty năm nay và tới đây "rất khó khăn", đối diện mất cân đối tài chính và doanh nghiệp sẽ không có chi phí, nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện...

NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP LO... THIẾU TIỀN

Thực tế, EVN đã muốn và có động thái xin tăng giá bán điện từ cách đây nhiều tháng. Những số liệu, tình hình khó khăn của EVN đề cập rất nhiều trong suốt thời gian vừa qua.

Anh Trần Văn Linh, một cán bộ thuộc doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội chia sẻ, hiện nay doanh nghiệp anh đang công tác gặp rất nhiều khó khăn. Công ty đã trải qua 4 tháng chưa trả lương do tình hình sản xuất khó khăn, các dự án xây dựng đình đốn. Mỗi tháng doanh nghiệp của anh đang cố gắng tiết kiệm tới mức tối đa để hạn chế “đầu ra”. Nếu doanh nghiệp tiếp tục phải gánh thêm khoản chi phí giá điện tăng thêm, công ty sẽ gặp thêm khó khăn.

“Giống như câu chuyện con lừa chở nặng, chúng tôi không biết sẽ xoay xở như thế nào nếu phải đối mặt với những khó khăn mới”.

Cùng với khó khăn tại công ty, anh Linh cho biết, hàng tháng gia đình anh phải chi khoảng hơn 1 triệu cho tiền điện. Với tình hình công ty thiếu việc, thu nhập giảm nhiều và lương chậm tới gần nửa năm, cả gia đình anh sẽ phải tính toán chi li hơn rất nhiều để co kéo, mong đủ chi tiêu chứ chưa bàn đến việc tích lũy.

Tương tự như khó khăn mà anh Linh đề cập, chị Trần Thu Thủy, một giáo viên mầm non tại Bắc Ninh chia sẻ, Tập đoàn Điện nêu lý do tăng giá là do nhiều năm nay giá điện chưa điều chỉnh tăng, nhưng cũng cần nêu lên tình trạng tượng tự của rất nhiều công chức viên chức, hàng vạn gia đình công chức từ nhiều năm qua cũng phải xoay xở với tình trạng khó khăn do lương không tăng trong khi mọi thứ đều tăng cao.

Chị Thủy hy vọng ngành điện cũng như cơ quan chức năng cân nhắc việc tăng giá, nếu có cũng là mức hợp lý nhất để những người tiêu dùng như gia đình chị không phải lo sốt vó mỗi khi nhận được thông báo của điện lực.