Techcombank sắp chào bán 6,3 triệu cổ phiếu ESOP, tăng vốn điều lệ
TCB dự kiến chào bán hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu - trong đó có 967.367 cổ phiếu phát hành cho người lao động nước ngoài...
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chấp thuận Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (mã TCB-HOSE) tăng vốn điều lệ tối đa thêm 63,2 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được ĐHĐCĐ thông qua tại Nghị quyết ngày 23/4 vừa qua.
Theo đó, TCB dự kiến chào bán hơn 6,3 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu - trong đó có 967.367 cổ phiếu phát hành cho người lao động nước ngoài và 5.356.349 cổ phần phát hành cho người lao động Việt Nam với tỷ lệ 0,1801%. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.
Cổ phiếu mới bị hạn chế chuyển nhượng một năm theo quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 sau khi được Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng.
Đồng thời, cổ đông TCB thông qua việc điều chỉnh việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% thành 22,4595%. Hiệu lực thay đổi vào ngày kết thúc đợt phát hành ESOP năm 2022 và năm 2022, cổ đông TCB đã thông qua việc không chia lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Kết thúc quý 1/2022, TCB báo lãi hợp nhất đạt 5.614 tỷ đồng, tăng 1.138 tỷ so với cùng kỳ (tương ứng tăng 25,43%) là do tăng thu nhập lãi thuần; tăng lãi thuần từ hoạt động kinh dịch vụ, tăng thu nhập từ vốn góp vốn, mua cổ phần...Mặt khác, TCB cũng ghi nhận giảm lãi thuần từ hoạt động kinh doanh kiều hối; giảm lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh; giảm lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư; giảm lãi thuần từ hoạt động khác; giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng...
Mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, TCB huy động 1 tỷ USD cho khoản vay hợp vốn nước ngoài - mức huy động cao kỷ lục trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cụ thể: Theo Bloomberg, TCB đã huy động thành công khoản vay hợp vốn nước ngoài trị giá 1 tỷ USD, đạt kỷ lục cho 1 lần huy động cho loại hình vay này và đây là lần thứ ba TCB huy động các khoản vay hợp vốn ra nước ngoài sau khi huy động được 500 triệu USD vào năm 2020 và 800 triệu USD vào năm 2021.
Các khoản vay gồm 3 cấu phần với kỳ hạn là 3, 4 và 5 năm. Biên độ vay được cộng ở mức 140 điểm cơ bản/năm đối với kỳ hạn 3 năm, 155 điểm cơ bản/năm cho kỳ hạn 4 năm và 170 điểm cơ bản/năm cho kỳ hạn 5 năm trên lãi suất tài trợ qua đêm có đảm bảo SOFR. Ngân hàng Standard Chartered và United Overseas Bank Limited (UOB), là ngân hàng đầu mối đứng ra bảo lãnh phát hành khoản tín dụng, cùng với sự tham gia của các bên thu xếp, bảo lãnh và dựng sổ chính khác như Australia and New Zealand Banking Group Limited, The Hongkong and Shanghai Banking Corporation Limited và Sumitomo Mitsui Banking Corporation.
Cũng theo Bloomberg, khoản vay nhận được sẽ giúp tăng khả năng để TCB cung cấp các khoản vay khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Do đó, VCSC giữ nguyên quan điểm rằng TCB có vị thế tốt để duy trì chi phí huy động (COF) thấp nhất trong danh mục theo dõi của chúng tôi, điều này giúp TCB trở nên cạnh tranh hơn trong việc cung cấp các khoản vay.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh có 1 điều khoản sẽ hạn chế các khoản vay này, nhưng những hạn chế này có thể sẽ gặp phải những ý kiến trái chiều của ngành, theo quan điểm của VCSC.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/7, giá cổ phiếu TCB 3,85% lên 37.750 đồng/cp và giảm 23,95% trong 6 tháng qua.