Lực bán nhẹ, “phe” mua dần thắng thế
Chứng khoán thế giới tiếp tục sụt giảm khá mạnh đêm qua là cơ hội tốt để thị trường kiểm tra áp lực bán sáng nay. Nhịp điều chỉnh kéo khá dài đến tận 10h45, nhưng thanh khoản rất thấp cho thấy áp lực bán không có nhiều...
Chứng khoán thế giới tiếp tục sụt giảm khá mạnh đêm qua là cơ hội tốt để thị trường kiểm tra áp lực bán sáng nay. Nhịp điều chỉnh kéo khá dài đến tận 10h45, nhưng thanh khoản rất thấp cho thấy áp lực bán không có nhiều.
Điều khá thuận lợi cho thị trường trong nước là khi bước vào phiên giao dịch, các thị trường tương lai chứng khoán quốc tế đều tăng. Diễn biến này hàm ý phiên tối nay chứng khoán thế giới sẽ hồi. Mặt khác chứng khoán châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đều tăng tốt.
Thị trường Việt Nam giao dịch rất thận trọng trong nửa đầu phiên sáng nay. VN-Index trồi sụt quanh tham chiếu và tạo đáy sâu nhất khoảng 10h15, giảm 0,33%. Mức giảm này khá nhẹ, ngoài ra độ rộng tại đáy của chỉ số cũng không quá kém, với 132 mã tăng/285 mã giảm.
Điểm nhấn là thanh khoản rất thấp. Áp lực kéo chỉ số xuống chủ đạo là VN30, nhưng cổ phiếu sụt giá không nhiều, nhất là tại nhóm trụ. VIC rơi sâu nhất chỉ -0,2%, VCB khoảng -0,7%, TCB -0,6%, VNM -0,23%. Rơi sâu nhất là GAS -1,45%, BID -1,34%, GVR -1,32%, HPG -1,28%. VN30-Index rơi sâu nhất lúc 10h15 giảm 0,38% so với tham chiếu, thanh khoản tại thời điểm đó chưa tới 1,8 ngàn tỷ đồng.
Tổng thể sáng nay thanh khoản giảm 6% so với sáng hôm qua trên HoSE, VN30 giảm 14%. Tổng hai sàn niêm yết giảm 7%.
Thanh khoản giảm do nửa đầu phiên lực bán rất kém, nhưng nửa còn lại lực mua cũng từ từ dâng lên một cách thận trọng. Hầu hết cổ phiếu đảo chiều phục hồi với thanh khoản khá đuối, do bên mua không gặp nhiều khối lượng bán cản đường. VN30 từ chỗ chỉ có 2 mã tham chiếu, còn lại giảm, đã chuyển thành 13 mã tăng/14 mã giảm. Sàn HoSE cuối phiên cũng ghi nhận 216 mã tăng/216 mã giảm.
Nhóm Midcap đang giao dịch sôi động nhất trên HoSE với chỉ số đại diện tăng 0,99%, độ rộng 44 mã tăng/23 mã giảm, thanh khoản 6.728,6 tỷ đồng, còn cao hơn cả VN30, chiếm 44,5% sàn HoSE trong khi VN30 chỉ chiếm 27,7%.
Midcap hiện có 3 mã kịch trần, 30 mã tăng trên 1%. Ngoài ra rổ cũng có 34 mã đảo chiều với biên độ trên 2% chỉ trong phiên sáng. AAA, APH thậm chí đảo chiều xấp xỉ 10%, từ sát giá sàn lên kịch trần. Nhóm bất động sản như DIG, SZC, KBC, CRE, DXG, FLC... cũng đảo chiều hồi trên 4% kể từ đáy.
Có thể thấy dòng tiền vẫn đang ưu tiên vào nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình. DCM, DPM, KBC lọt top 5 mã thanh khoản lớn nhất các sàn, đều thuộc rổ midcap, giá đang tăng 5-6% so với tham chiếu.
Dù vậy dẫn dắt VN-Index hồi lên nửa sau phiên sáng nay vẫn phải là các trụ. VHM từ khoảng 10h30 trở đi bứt phá mạnh mẽ: giá từ 83.900 đồng tăng vọt lên 85.800 đồng, tăng 2,26% trong một nhịp. Chốt phiên sáng VHM trên tham chiếu 2,63%. VIC tăng muộn hơn nhưng cũng dữ dội từ gần 11h15, biên độ khoảng 1,5%. Kết phiên VIC tăng 1,41% so với tham chiếu. Đây là hai mã giúp VN-Index đảo chiều nổi bật và là trụ mạnh nhất của chỉ số này. MSN cũng là mã khá ấn tượng, đang tăng 2,16% so với tham chiếu.
Điều còn thiếu là chưa có sự đồng thuận ở các trụ. VN-Index vẫn khuyết đi sức mạnh của nhóm ngân hàng lớn với BID giảm 0,9%, VCB giảm 0,6%. VNM, SAB, TCB, HPG vẫn đang tham chiếu hoặc giảm. GAS, CTG tăng quá yếu.
Nhìn chung thị trường đang có cơ hội để phục hồi tốt hơn khi các thị trường tương lai chứng khoán thế giới vẫn đang mạnh lên trong giờ nghỉ trưa. Giá dầu cũng phục hồi mạnh mẽ. Điều quan trọng nhất là lực bán tiếp tục yếu và rút lên cao hơn. Trong điều kiện đó nếu bên mua nhiệt tình hơn, biên độ tăng giá sẽ mạnh với thanh khoản tiếp tục duy trì mức thấp.
Khối ngoại phiên sáng mua ròng nhẹ 133 tỷ đồng, tập trung vào VHM với hơn 125 tỷ, KBC trên 34 tỷ, CTG khoảng 32 tỷ đồng. Phía bán có HPG với 55 tỷ, TPB gần 41 tỷ đồng là đáng chú ý.