Trái phiếu doanh nghiệp: Không thể “tham bát bỏ mâm”
Các công ty bất động sản - người chơi chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đang vô cùng lo lắng vì cầu trái phiếu sẽ giảm, huy động vốn khó khăn hơn sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực...
Tuy nhiên, một số định chế trung gian khác như công ty chứng khoán, công ty định mức tín nhiệm lại chung nhận định tuy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trầm lắng trong ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ thu hút nhiều định chế tài chính phi ngân hàng tham gia, giúp thị trường giữ nhịp tăng trưởng...
Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ 16/9/2022 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường tiền kiểm, hậu kiểm đối với các giao dịch phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để thị trường trái phiếu có thể phát triển một cách lành mạnh và bền vững hơn.
CỦNG CỐ CÁC BỘ LỌC
Trao đổi với VnEconomy, đại diện Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho biết đối với công tác hậu kiểm, bên cạnh các quy định đã ban hành tại Nghị định 153, Nghị định 65 đã bổ sung một số đơn vị giám sát độc lập nhằm đảm bảo tính tuân thủ của tổ chức phát hành.
Những đơn vị giám sát này bao gồm người sở hữu trái phiếu (áp dụng trong trường hợp chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân) để giám sát việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu, giám sát việc thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành; tổ chức kiểm toán đủ điều kiện, nhằm thực hiện kiểm toán tình hình sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu (mục đích phát hành trái phiếu).
Trong khi đối với công tác tiền kiểm, bên cạnh những quy định chặt chẽ về năng lực, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức phát hành đủ điều kiện, Nghị định 65 bổ sung những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân về phương thức xác định quy mô nắm giữ danh mục đầu tư chứng khoán (bình quân tối thiểu trong 180 ngày), cũng như thời gian có hiệu lực của xác nhận rút ngắn chỉ còn 3 tháng kể từ ngày được xác nhận.
Quy định mới có thể sẽ gây khó khăn đối với hai đối tượng nhà đầu tư. Một là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có nhu cầu chuyển đổi linh hoạt sản phẩm đầu tư tùy thuộc vào diễn biến thị trường của từng loại hình sản phẩm.
Hai là nhà đầu tư chỉ có nhu cầu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Thay vì chỉ cần xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm mua, theo quy định mới nhà đầu tư sẽ phải nắm giữ chứng khoán niêm yết liên tục trong thời gian khoảng 6 tháng. Điều này sẽ chỉ phù hợp cho nhà đầu tư có danh mục tài sản đa dạng, bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, có khả năng nguồn cầu có thể sẽ bị ảnh hưởng từ việc gián đoạn hoạt động mua bán từ các nhà đầu tư chuyên biệt vào trái phiếu.
“Số liệu thống kê nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện chưa phân tách được cụ thể từng đối tượng nhà đầu tư nên khó có thể lượng hóa mức độ ảnh hưởng này. Ngoài ra, ở đây chúng ta sử dụng từ “gián đoạn” bởi trong trường hợp không thể đầu tư trực tiếp, loại hình nhà đầu tư này có thể lựa chọn hình thức đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu được quản lý bởi các định chế tài chính chuyên nghiệp”, đại diện BSC nêu quan điểm.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp trong 7 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 46,14% nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng, 22,43% là các công ty chứng khoán, trong khi đó nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ chiếm 10,11% tổng giá trị mua. Dù vậy, dữ liệu của thị trường thứ cấp lại cho thấy số lượng trái phiếu doanh nghiệp được nắm giữ bởi các cá nhân lên tới 32,6%, chủ yếu nhờ vào các giao dịch mua trung gian với công ty chứng khoán.
Cũng theo đại diện BSC, việc nâng cao điều kiện xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể chưa lượng hóa được khả năng tác động đến triển vọng của thị trường; tuy nhiên, với tiêu chuẩn đáp ứng để đảm bảo năng lực phát hành cũng như khả năng tuân thủ hoạt động báo cáo sau giải ngân, cộng với chế tài nghiêm khắc sẽ là những màng lọc, đào thải khả năng phát hành từ những doanh nghiệp yếu kém. Điều này có thể tác động đến quy mô tăng trưởng của thị trường trong ngắn hạn nhưng đảm bảo tính tích cực và bền vững cho thị trường trong dài hạn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bày tỏ lo lắng khi tới đây nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể khó tiếp cận nguồn vốn từ kênh trái phiếu. Theo ông, Nghị định 65 nâng tiêu chuẩn của nhà phát hành là đúng, siết đầu vào là đúng. “Nâng các tiêu chuẩn phát hành, các tiêu chuẩn về minh bạch thì doanh nghiệp phải nỗ lực cải thiện nội tại để phát hành được trái phiếu, điều đó tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc nâng cao tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp khiến thị trường bị tắc đầu ra. Trong khi các rào cản kỹ thuật đối với nhà đầu tư cá nhân tăng lên thì hiện nay nhiều quỹ đầu tư vẫn đang bị giới hạn khá khắt khe khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Đây chính là nút thắt mà thị trường mong muốn cơ quan quản lý từng bước tháo gỡ để khơi thông nguồn vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Châu nói.
CẦN CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU
Theo giới phân tích, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có tính rủi ro cao hơn rất nhiều so với phát hành ra công chúng. Chỉ những nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao thì mới đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Cùng đó, những doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng nên hiểu rằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành đẳng cấp thấp. Nếu doanh nghiệp cứ bám vào nguồn vốn từ phát hành riêng lẻ thì đẳng cấp trên thị trường cũng thấp dần cả về uy tín lẫn chiến lược quản trị. Quản trị một tập đoàn lớn mà chỉ bám vào phát hành riêng lẻ để có nguồn vốn là một sai lầm.
Phân tích như vậy để thấy rằng điều quan trọng nhất với cả nhà phát hành và cơ quan quản lý là tìm ra giải pháp khơi thông kênh phát hành trái phiếu ra công chúng.
Dĩ nhiên, một doanh nghiệp có nhiều giai đoạn phát triển và giai đoạn nào doanh nghiệp cũng cần vốn. Ở giai đoạn đầu, khi tiềm lực tài chính chưa mạnh, trình độ quản trị còn thấp, doanh nghiệp phải chọn phương thức phát hành riêng lẻ. Mức độ rủi ro của những trái phiếu này cao hơn, không thể bán cho tất cả đối tượng nhà đầu tư mà chỉ tập trung vào nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có định hướng và mục tiêu để nhanh chóng tiếp cận được với kênh phát hành ra công chúng.
Còn về phía cơ quan quản lý, cần có những cải cách về thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ cho các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu ra công chúng thay vì 6 tháng đến 1 năm như hiện nay. Thêm một giải pháp nữa là đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các công ty quản lý quỹ.
Đại diện một công ty xếp hạng tín nhiệm chia sẻ rằng các quy định hiện hành về hạn mức đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các quỹ đầu tư đang khá cứng nhắc và cần sớm điều chỉnh. Đặc biệt, một số đơn vị như quỹ hưu trí, các quỹ của doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư trái phiếu bất động sản. Chuyên gia này đánh giá thực ra có nhiều trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản rất tốt. Do vậy, cơ quan quản lý có thể cân nhắc hạn chế các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có điểm xếp hạng tín nhiệm thấp. Còn các trái phiếu có ít tính đầu cơ, rủi ro thấp thì các quỹ được đầu tư với hạn mức cao hơn, thay vì áp quy định cứng về hạn mức đầu tư 10-15% như hiện nay.
Ở một góc nhìn khác, đại diện Công ty chứng khoán BSC cho rằng thời gian qua với sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khá nhiều quỹ đầu tư trái phiếu đã ra đời nhưng nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa thực sự mặn mà với sản phẩm chứng chỉ quỹ trái phiếu. Vị này chỉ ra ba nguyên nhân của tình trạng trên.
Nguyên nhân đầu tiên là do tư duy mua bán và sở hữu truyền thống: thay vì sở hữu trực tiếp một trái phiếu (có giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu), nhà đầu tư sẽ chuyển sang hình thức đồng sở hữu gián tiếp (một hoặc nhiều trái phiếu) cùng với nhiều nhà đầu tư khác, thông qua việc sở hữu chứng chỉ quỹ.
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ khả năng lựa chọn thời điểm mua/bán. Khác với trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam không được định giá lại khi thực hiện mua bán, giá chứng chỉ quỹ có thể thay đổi theo môi trường lãi suất, khiến cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, có nhu cầu đầu tư vào sản phẩm lãi suất cố định, gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn thời điểm mua/bán chứng chỉ quỹ, có thị giá biến động.
Nguyên nhân thứ ba, đó là lợi suất kỳ vọng khi mua chứng chỉ quỹ thông thường sẽ thấp hơn lãi suất trái phiếu do phải khấu trừ các chi phí vận hành quỹ.
Đây là bài toán mà các quỹ đầu tư cần tìm lời giải trong thời gian tới để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư cá nhân.