06:38 11/04/2021

Tham vọng gì đằng sau cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của ông Biden?

Diên Vỹ

Ông Biden cho rằng Mỹ cần chứng minh vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cấp bách hiện nay

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: Reuters.

Gói đầu tư hạ tầng trị giá hơn 2 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden hôm 31/3 không chỉ bao gồm nội dung tái thiết cơ sở hạ tầng của nước Mỹ, mà còn bao gồm hàng loạt hành động chống biến đổi khí hậu.

Trong 150 năm qua, Mỹ là quốc gia phát thải carbon lớn nhất hành tinh. Đây cũng là lý do vì sao ông Biden cho rằng Mỹ cần chứng minh vai trò lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cấp bách hiện nay. Suốt nhiều năm qua, Mỹ gần như không đạt được tiến bộ nào về cắt giảm khí thải nhà kính, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành công nghiệp của Mỹ. Nhưng lần này, có vẻ mọi việc sẽ khác.

Gói chi tiêu hào phóng của ông Biden dự kiến sẽ dành tới 0,6% GDP mỗi năm cho hoạt động chống biến đổi khí hậu, giúp Mỹ đảo ngược sự chậm trễ đó. Vị Tổng thống đến từ Đảng Dân chủ muốn phân bổ 174 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện năng lượng sạch, và 35 tỷ USD khác dành cho các nghiên cứu về công nghệ giảm khí thải, thân thiện với môi trường.

HƠN 2 NGHÌN TỶ USD VẪN CÒN ÍT?

Trái với hướng đi của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump - người đã rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris, ông Biden cho rằng dự luật chi tiêu hơn 2 nghìn tỷ nói trên không chỉ là con đường xây dựng kinh tế Mỹ hùng cường hơn thông qua tái thiết cơ sở hạ tầng và tạo ra việc làm, mà còn đưa Mỹ trở lại vai trò một cường quốc tiên phong trong phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Ông gọi đây là "Kế hoạch việc làm cho người Mỹ".

Vậy đâu là mối liên hệ giữa tạo việc làm trong nền kinh tế và chống biến đổi khí hậu?

Một nhà phân tích từ Đại học California ước tính việc chuyển đổi mạng lưới điện quốc gia sang các nguồn năng lượng tái tạo có thể kích thích tạo ra 500.000 việc làm trong nền kinh tế mỗi năm, từ nay đến năm 2035. Một nghiên cứu đăng tải năm 2017 trên tạp chí Mô hình Kinh tế thì chỉ ra rằng bình quân, đầu tư vào năng lượng tái tạo có khả năng tạo ra cơ hội việc làm cao gấp 3 lần việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Trước thời điểm đại dịch bùng phát, có tới 3,4 triệu người Mỹ làm việc trong ngành năng lượng sạch. Các công việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thường có mức thu nhập bình quân cao hơn các công việc trong ngành nhiên liệu hóa thạch.

Một tính toán của Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng Mỹ cũng chỉ ra năng lượng tái tạo là lĩnh vực phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Trước thời điểm đại dịch bùng phát, có tới 3,4 triệu người Mỹ làm việc trong ngành năng lượng sạch, theo một báo cáo của Environmental Entrepreneurs (EE). Báo cáo này cũng cho biết các công việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thường có mức thu nhập bình quân cao hơn các công việc trong ngành nhiên liệu hóa thạch.

12 năm trước, Tổng thống Barack Obama từng phải đối mặt với một tình huống gần giống những gì ông Biden đương đầu hiện nay. Ông Obama tiếp quản nước Mỹ khi nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống George Bush kết thúc với một mớ hỗn độn kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp và rủi ro tài chính lên cao.

Thời điểm đó, ông Obama phê duyệt một gói kích thích lớn mang tên Đạo luật phục hồi và tái đầu tư của nước Mỹ (ARRA), bao gồm khoản đầu tư 100 tỷ USD cho chương trình giảm khí phát thải. Nhưng một thập kỷ sau khi ARRA có hiệu lực, lượng khí thải ở Mỹ tiếp tục tăng.

Nhận định về đạo luật ARRA, giáo sư quản lý công David Popp từ Đại học Syracuse cho rằng đạo luật này đã thành công khi tạo ra việc làm cho người Mỹ, nhưng lại thất bại trong mục tiêu cắt giảm khí thải. Một nguyên nhân lớn được cho là do gói ngân sách dành cho cắt giảm khí thải quá ít ỏi. Trong bối cảnh suy yếu của nền kinh tế Mỹ thời điểm đó, 100 tỷ USD là không thấm vào đâu.

Tình hình hiện tại có nhiều điểm tương tự.

Thoạt nhìn, gói chi tiêu 2 nghìn tỷ mà ông Biden đề xuất - với trọng tâm đầu tư vào hệ thống xe điện, ưu đãi thuế cho năng lượng tái tạo và tài trợ cho nghiên cứu công nghệ phát thải thấp... có vẻ là giấc mơ của các nhà bảo vệ môi trường.

Ông Biden cũng có kế hoạch ban hành "tiêu chuẩn về năng lượng sạch", trong đó yêu cầu các nhà máy sản xuất và sử dụng điện năng từ những nguồn ít hoặc không gây phát thải carbon.

Nhưng đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu trên quy mô nhân loại và 4 năm "thụt lùi" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu dưới thời Trump, nhiều nhà phân tích cho rằng đề xuất hơn 2 nghìn tỷ của ông Biden vẫn là quá nhỏ để tạo ra bước ngoặt quan trọng nào có thể đảo ngược quá trình nóng lên toàn cầu. Người ta ước tính chi phí để thay thế toàn bộ cơ sở hạ tầng vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu hiện nay có thể lên tới 20 nghìn tỷ USD.

Đó là lý do vì sao khi kế hoạch được công bố, nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez của Đảng Dân chủ ngay lập tức nhận định rằng Tổng thống cần tăng quy mô gói chi tiêu ít nhất 4 lần để đạt mục đích giảm phát thải.

Quan trọng hơn, chỉ chi tiền là không đủ. Câu chuyện ở đây là: việc tăng cường xây dựng các tuabin gió không mang lại lợi ích nhiều cho việc giảm khí thải. Khí thải chỉ giảm khi đóng cửa các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhận thức được điều này, Nhà Trắng đang xây dựng đề xuất loại bỏ các trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, ước tính có giá trị khoảng 10-50 tỷ USD mỗi năm. Ông Biden cũng có kế hoạch ban hành "tiêu chuẩn về năng lượng sạch", trong đó yêu cầu các nhà máy sản xuất và sử dụng điện năng từ những nguồn ít hoặc không gây phát thải carbon. Nhưng để dự luật được Thượng viện thông qua, ông Biden cần thuyết phục ít nhất 10 nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ - một thách thức lớn với tân Tổng thống.

ÁP LỰC ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC

Một tín hiệu tích cực là nỗ lực chống biến đổi khí hậu của ông Biden nhận được sự ủng hộ của số đông các chuyên gia kinh tế. Một cuộc khảo sát do Đại học New York thực hiện trên 730 nhà kinh tế toàn cầu cho thấy đa số đồng ý rằng lợi ích của hành động chống biến đổi khí hậu vượt xa cái giá phải trả.

"Kế hoạch của ông Biden không phải khoản chi tiêu ngân sách lãng phí, mà là một nỗ lực mang tính xây dựng để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế bền vững cho nước Mỹ" - nhận định của bà Anne Kelly, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ tại tổ chức phi lợi nhuận Ceres.

Việc ông Biden muốn đưa Mỹ trở lại vị trí tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu cũng tạo nên sức ép lớn đối với Trung Quốc.

Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là công cụ chính sách đối ngoại hiệu quả Trung Quốc sử dụng trong nhiều năm trở lại đây. Thời Tổng thống Obama, Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra một thỏa thuận song phương về khí phát thải vào năm 2014 nhằm mở đường cho hiệp định khí hậu Paris 2015. Khi chính quyền Trump rút khỏi hiệp định này, Trung Quốc nắm lấy thời cơ khẳng định vai trò tiên phong của mình.

Năm ngoái, Trung Quốc cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2060. Các chính sách của Bắc Kinh hiện cũng giúp Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu toàn cầu trong sản xuất tấm pin mặt trời, tuabin gió và xe điện.

Hãng tin Bloomberg mới đây tin Nhà Trắng có thể sẽ đưa ra một cam kết đầy tham vọng: đến năm 2030 cắt giảm lượng khí thải ít nhất 50% so với mức năm 2005. Nếu tuyên bố này được ông Biden đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu diễn ra cuối tháng này, đó sẽ là thách thức đặc biệt với Trung Quốc.