Tháng 10/2020, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh
Quy mô vốn của doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng đang có xu hướng tăng lên
Nhiều tín hiệu tích cực từ số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và doanh nghiệp giải thể trong tháng 10/2020.
THÁNG 10 SỐ LƯỢNG DOANH NGHIỆP MỚI VÀ QUY MÔ VỐN TĂNG MẠNH
Theo số liệu báo cáo mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2020 là 12.205 doanh nghiệp, tăng 18,4% so với tháng liền kề trước đó, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Luỹ kế 10 tháng năm 2020, cả nước có 111.160 doanh nghiệp thành lập mới, giảm nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường đang có xu hướng tăng lên.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2020 là 3,89 triệu tỷ đồng, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm 2019. Số vốn đăng ký tăng thêm đã cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Hai ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong 10 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 là sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 4.241 doanh nghiệp (tăng 269,4%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 1.949 doanh nghiệp (tăng 31,1%).
Đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu, dù có sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 những ngành này vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh, thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn.
DOANH NGHIỆP TÁI HOẠT ĐỘNG CŨNG TĂNG MẠNH
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 10/2020 ghi nhận 5.044 doanh nghiệp, tăng 10,4% so với tháng 9/2020 và tăng 32,4% so với tháng 4/2020. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực so với thời điểm đầu năm 2020, đây là khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở nước ta do dịch Covid 19 tác động.
Luỹ kế 10 tháng năm 2020, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 37.710 doanh nghiệp, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng hầu hết ở các lĩnh vực như: Bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch, kinh doanh bất động sản
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, những lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là các ngành nghề liên quan tới du lịch, lĩnh vực có sự tác động rất lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.
Trong thời gian tới, cần có những chính sách để tiếp tục kích cầu du lịch trong nước, thu hút khách nội địa, từ đó giúp các doanh nghiệp du lịch và các ngành, lĩnh vực có liên quan vực dậy ngay sau dịch (vận tải, khách sạn, ăn uống và bán lẻ).
DỊCH COVID 10 VẪN DAI DẲNG
Cũng theo thống kê của Cục này, trong tháng 10/2020, có 8.285 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019, giảm 9,0% so với tháng 9/2020.
Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2020, có 85.541 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, có 41.783 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung bình mỗi tháng có 8.554 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,1% so với trung bình 10 tháng năm 2019.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 tiếp tục cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn và dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Điểm sáng duy nhất là trong 10 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể là 30.256 doanh nghiệp, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 10 tháng đầu năm 2020 là 13.502 doanh nghiệp cũng chỉ tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2019.
"Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và giải thể là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài. Do vậy, trong thời gian tới, để có thể giảm số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thì Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần hoạch định và thực thi có hiệu quả các chính sách thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các đối tượng này", Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh.