07:00 30/11/2023

Tháng 11: Du lịch Việt Nam có lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm

Tường Bách

Theo số liệu được Cục Du lịch Quốc gia công bố sáng nay, hơn 1,23 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong tháng 11, tăng 11% so với tháng 10, lập kỷ lục là tháng đón nhiều khách nhất từ đầu năm đến nay...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính chung trong 11 tháng qua, Việt Nam đã đón hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch đề ra đầu năm 40%. Con số này cũng cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – trước đại dịch Covid-19.

Tháng 11 cũng đánh dấu bước đột phá mới khi các thị trường được miễn visa tăng trưởng mạnh. Các thị trường có lượng khách tăng so với tháng 10/2023 là: Thụy Điển (tăng 85%), Pháp (tăng 73%), Bỉ (tăng 71%), Italia (tăng 55%), Na Uy (tăng 53%), Thụy Sỹ (tăng 53%), Nga (tăng 42%), Anh (tăng 39%), Canada (tăng 37%), Đức (tăng 36%), Đan Mạch (tăng 33%), Phần Lan (tăng 30%), Trung Quốc (tăng 10%).

Đến nay, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 11 tháng đầu năm với 3,2 triệu lượt, chiếm 28,5%. Trung Quốc đại lục xếp thứ hai với 1,5 triệu lượt. Các vị trí tiếp theo thuộc về Đài Loan (758.000 lượt), Mỹ (658.000 lượt), Nhật Bản (527.000 lượt). Các thị trường còn lại nằm trong top 10 là Thái Lan (442.000 lượt), Malaysia (419.000), Campuchia (359.000), Australia (353.000) và Ấn Độ (352.000). Anh (232.000 lượt), Pháp (195.000 lượt) và Đức (182.000 lượt) là các thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam ở khu vực châu Âu trong năm nay.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 11 tháng đầu năm.
Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 11 tháng đầu năm.

Trong khi đó, lượng khách nội địa tháng 11/2023 ước đạt 4,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng lượng khách 11 tháng của năm 2023 đạt 103,2 triệu. 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho cho thấy doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng qua ước đạt 34 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước do từ đầu năm các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Một số địa phương có doanh thu cao từ du lịch gồm có: Khánh Hòa tăng 138%; Đà Nẵng tăng 134,7%; Cần Thơ tăng 129,9%; Quảng Ninh tăng 87,5%; TP.HCM tăng 68%; Hà Nội tăng 52,9%; Hải Phòng tăng 44%...

Sau 3 tháng kể từ khi Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi có hiệu lực (ngày 15/8/2023), đã có khoảng 5,6 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam (tăng 1,8 lần so với năm 2022), trong đó 85% nhập cảnh với mục đích du lịch, 15% với mục đích khác như đầu tư, làm việc, thăm thân, du học… Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cung cấp thông tin trong khuôn khổ Hội nghị Phát triển Du lịch Việt Nam nhanh, bền vững vừa diễn ra do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Về các loại giấy tờ nhập cảnh, 25% nhập cảnh bằng thị thực điện tử, 25% nhập cảnh bằng thị thực và các loại giấy tờ thay thế mới, tức là ngoài thị thực điện tử vẫn có giấy tờ khác như thẻ tạm trú, thẻ APEC, hoặc giấy miễn thị thực đơn phương. Về quốc tịch, khách Hàn Quốc lớn nhất chiếm 27%, Trung Quốc chiếm 20%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7%, Nhật Bản 6%, Hoa Kỳ 5%.

Riêng đối với đơn phương miễn thị thực, sau 3 tháng kể từ khi thực hiện Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi, có 1.259.712 lượt nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực (cao hơn 1,6 lần tức so với năm ngoái). Trong đó, cao nhất là Hàn Quốc 886.671 lượt, Nhật Bản 151.529 lượt, sau đó là Vương quốc Anh, Pháp, Nga.

Tháng 11 cũng đánh dấu bước đột phá mới khi các thị trường được miễn visa tăng trưởng mạnh.
Tháng 11 cũng đánh dấu bước đột phá mới khi các thị trường được miễn visa tăng trưởng mạnh.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty Lữ hành Vietluxtour, khẳng định chính sách visa mới là một trong những động lực góp phần phát triển thị trường khách quốc tế, tăng năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam. “Lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay có sự tăng trưởng tốt. Tính đến cuối quý 3, chúng tôi khôi phục khoảng 70% thị phần khách mục tiêu giai đoạn trước 2020. Tổng kết ba quý, thị trường khách quốc tế của Vietluxtour tăng khoảng 400% về lượng khách và doanh thu so với năm 2022”, bà Trần Thị Bảo Thu nêu.

Bà Nguyễn Thị Hiên, Giám đốc Kinh doanh Cty Du lịch BestPrice, cho biết, lượng khách quốc tế đặt tour tại công ty khá tốt. Dự kiến đến hết mùa cao điểm khách quốc tế, công ty sẽ đón ít nhất 5.000 khách. Nhận định về thị trường, điểm đến của du khách trong thời gian tới, bà Hiên cho biết điểm đến ưa thích của các nhóm khách không thay đổi nhiều, chủ yếu vẫn tập trung vào các điểm đến truyền thống như Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long, Hội An, TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Bến Tre).

Bên cạnh việc tiếp tục nới rộng những quy định về chính sách visa, các chuyên gia kinh tế, du lịch cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, tích cực quảng bá điểm đến bằng các chương trình khuyến mại, chương trình xúc tiến.

“Nghiên cứu và phát triển kinh tế du lịch về đêm tại các thành phố du lịch lớn rất quan trọng. Khi thị trường yếu, ta có thể hỗ trợ khách du lịch trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách trợ giá hoặc quà tặng qua các công ty lữ hành uy tín. Đây là chiến lược được nhiều quốc gia áp dụng, nhất là với khách du lịch Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan”, ông Lê Công Năng, CEO Cty du lịch Wondertour đề xuất.

Các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.
Các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch.

Theo đó, kinh tế ban đêm hoàn toàn có thể kết hợp một cách hiệu quả với các sự kiện văn hóa và thể thao. Việc tổ chức sự kiện Blackpink gần đây là một minh chứng cho thấy văn hóa có khả năng tạo ra giá trị kinh tế lớn không kém gì thể thao. Ngành du lịch cần đề xuất và tổ chức các sự kiện với tầm quốc tế để thu hút du khách. Cùng với những sự kiện có tầm quốc tế và đặc sắc mang tính dân tộc, cơ quan quản lý có thể xem xét và điều chỉnh lại việc xây dựng và quản lý các sự kiện trong nước hiện tại.

Mới đây, tạp chí Outlook Traveller của Anh cũng đã đăng tải bài viết khẳng định Việt Nam nổi lên như điểm đến du lịch nổi tiếng bất chấp đại dịch. Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của du khách quốc tế, với ba thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM - được xếp hạng trong top 10 điểm nóng “du mục kỹ thuật số” phát triển nhanh nhất thế giới.

Tạp chí Outlook Traveller nhấn mạnh cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, tốc độ Internet đáng tin cậy và giá cả phải chăng là những yếu tố chính góp phần tạo nên sự nổi tiếng của Việt Nam.