07:30 30/08/2008

Tháng Tám may mắn của chứng khoán Mỹ

Duy Cường

Ngày 29/8, tháng Tám không may mắn của hầu hết các chỉ số châu Á nhưng mang lại niềm vui cho Phố Wall

Dù chứng khoán Mỹ đã mất điểm phiên cuối tháng nhưng cả ba chỉ số chính đều đóng cửa ở mức cao hơn tháng Bảy - Ảnh: AP.
Dù chứng khoán Mỹ đã mất điểm phiên cuối tháng nhưng cả ba chỉ số chính đều đóng cửa ở mức cao hơn tháng Bảy - Ảnh: AP.
Ngày 29/8, tháng Tám không may mắn của hầu hết các chỉ số châu Á nhưng mang lại niềm vui cho Phố Wall.

Chứng khoán Mỹ: Đồng loạt mất điểm

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 10 tại NYMEX trong ngày 29/8 đã giảm 13 cent/thùng, tương đương -0,11%, xuống mức 115,46 USD/thùng.

Hôm thứ Sáu, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu dùng của người dân nước này trong tháng Bảy đã tăng 0,2%, thấp hơn mức tăng 0,6% trong tháng Sáu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến mức chi tiêu giảm là do việc hoàn thuế cho người dân đã giảm dần ảnh hưởng đến chi tiêu của họ.

Bên cạnh đó, thu nhập của người dân trong tháng Bảy đã giảm 0,7% trong khi giá cả hàng hóa lại tăng cao khiến mức chi tiêu bị ảnh hưởng.

Cùng ngày, Hãng Reuters và trường Đại học Michigan đã công bố kết quả cuộc thăm dò ý kiến người tiêu dùng Mỹ, theo đó, chỉ số lòng tin người tiêu dùng nước này đã tăng từ 61,2 điểm trong tháng Bảy lên 63 điểm trong tháng Tám, cao hơn 1 điểm so với dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó.

Chứng khoán Mỹ phiên giao dịch cuối tháng Tám đã mất điểm và đánh mất thành quả phiên giao dịch trước đó. Dù vậy, tháng Tám vẫn được cho là thành công với chứng khoán Mỹ khi cả ba chỉ số chính đều cao hơn tháng Bảy.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 171,63 điểm, tương đương -1,47%, đóng cửa ở mức 11.543,55, giảm 0,72% so với tuần trước nhưng cao hơn 1,46% so với tháng Bảy và thấp hơn 12,97% so với cùng kỳ năm 2007.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 44,12 điểm, tương ứng -1,83%, chốt ở mức 2.367,52, tăng 1,95% so với tuần trước, cao hơn 1,8% so với tháng trước và thấp hơn 10,74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 11,85 điểm, tương đương -1,37%, đóng cửa ở mức 1.282,83, giảm 0,72% so với tuần trước nhưng tăng 1,22% so với tháng Bảy và mất 12,63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

* GDP của Mỹ trong quý 2/2008 đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 0,6% so với dự báo của giới phân tích.

* Số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 23/8 đã giảm xuống 425.000 từ 435.000 tuần trước đó, tương đương với mức giảm 2,29%.

* Số đơn đặt hàng lâu bền (máy bay, xe ôtô, máy tính…) trong tháng Bảy đã tăng 1,3% do nhu cầu tăng mạnh.

* Doanh số bán nhà mới tại Mỹ trong tháng Bảy đã tăng 2,4% lên 515.000 đơn vị (ngôi nhà, căn hộ).

Chứng khoán châu Âu: Ngày thứ tư tăng điểm trong tuần

Hôm thứ Sáu, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, lạm phát trong tháng Tám ở 15 quốc gia sử dụng chung đồng Euro đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,2% so với mức tăng 4% trong tháng Sáu và tháng Bảy.

Với mục tiêu đưa lạm phát trong năm 2008 xuống dưới 2%, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã nâng lãi suất cơ bản của đồng Euro từ 4% lên 4,25%/năm vào ngày 3/7, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Sáu đã tăng điểm phiên thứ tư trong tuần nhờ cổ phiếu khối tài chính lên điểm mạnh và khép lại một tuần giao dịch thành công của cả ba chỉ số chứng khoán chính châu Âu.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tiếp tục lên 35,4 điểm, tương đương 0,63%, đóng cửa ở mức 5.636,6, tăng 2,38% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 2 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này tăng 0,03% và cao hơn 1,25% giá trị so với tuần trước. Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên cuối tuần lên 0,47% nhưng tăng 1,86% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 147 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Thị trường Nhật tăng trong nỗi lo

Tất cả các chỉ số chính của châu Á đã tăng điểm nhờ thông tin tích cực từ mức tăng ấn tượng của kinh tế Mỹ trong quý 2/2008. Nhưng tính trung bình trong tháng Tám thì các chỉ số gần như đều giảm mạnh so với tháng Bảy.

Hôm thứ Sáu, cơ quan thống kê Nhật thông báo, lạm phát cơ bản (hay còn gọi là lạm phát lõi - không bao gồm sự biến động của giá của hải sản, rau quả tươi...) trong tháng Bảy của nước này đã tăng lên 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong một thập kỷ qua.

Trước bối cảnh lạm phát leo thang, Chính phủ Nhật sẽ công bố gói hỗ trợ đối với người tiêu dùng đối với các mặt hàng liên quan đến thực phẩm và nhiên liệu trong ngày hôm nay 29/8.

Cùng ngày, Bộ Lao động Nhật cho biết, trong tháng Bảy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm xuống còn 4% từ 4,1% trong tháng Sáu.

Theo giới phân tích nhận định, khi lạm phát leo thang sẽ ảnh hưởng mạnh đến người tiêu dùng, trong khi đó, diễn biến giá cả tiếp tục tăng và giá dầu diễn biến khó lường khiến lạm phát ở nước này càng trở nên khó kiểm soát, đặc biệt là lãi suất cơ bản không được nâng lên trên mức 0,5%/năm như đang được áp dụng.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch cuối tuần đã tăng 2,39% và trở thành phiên giao dịch có biên độ tăng cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Nhờ thông tin tích cực từ kinh tế vĩ mô của Mỹ và cổ phiếu khối tài chính, cổ phiếu các hãng xuất khẩu lớn tăng điểm mạnh nên chứng khoán Nhật đã khép lại một tuần thành công.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 304,62 điểm, tương đương 2,39%, đóng cửa ở mức 13.072,87, tăng 3,2% so với tuần trước và mất 2,3% so với tháng Bảy.

Điểm qua các thị trường khác:

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông phiên này tăng 1,38%, chốt ở mức 21.261,89, tăng 4,15% so với tuần trước và thấp hơn 0,7% so với tháng Bảy.

Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan lên 0,18%, đóng cửa ở mức 7.046,11, tăng 1,94% so với tuần trước và cao hơn 0,62% so với tháng Bảy.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 0,01%, chốt ở mức 1.474,24, giảm 1,51% so với tuần trước và mất 6,32% so với tháng Bảy.

Chỉ số Straits Times của Singapore phiên này tăng 1,64%, đóng cửa ở mức 2.735,00, tăng 0,42% so với tuần trước và thấp hơn tháng Bảy 5,88%.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc phiên này đã tăng 2,01%, chốt ở mức 2.397,37, giảm 0,32% so với tuần trước nhưng mất tới 14,43% trong tháng Tám.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.715,18 11.543,55  Down171,63 Down 1,47
Nasdaq 2.411,64 2.367,52 Down  44,12  Down 1,83
S&P 500 1.300,68 1.282,83  Down  17,85 Down 1,37
Anh FTSE 100 5.601,20 5.636,60  Up  35,40 Up 0,63
Đức DAX 6.420,54 6.422,30 Up    1,76 Up 0,03
Pháp CAC 40 4.461,49 4.482,60  Up  21,11 Up 0,47
Đài Loan Taiwan Weighted 7.033,37 7.046,11 Up   12,74 Up 0,18
Nhật Nikkei 225 12.768,25 13.072,87 Up 304,62 Up 2,39
Hồng Kông Hang Seng 20.972,29 21.261,89 Up 289,60 Up 1,38
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.474,15 1.474,24 Up     0,09 Up 0,01
Singapore Straits Times 2.696,76 2.735,00 Up   44,00 Up 1,64
Trung Quốc Shanghai Composite 2.350,14 2.397,37 Up   47,23 Up 2,01
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg