Thanh Hóa triệt phá, xử lý hơn 640 vụ buôn lậu gian lận thương mại
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá đã kiểm tra 820 vụ việc, xử lý 641 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, Công an Thanh Hóa đã phiệt phá nhiều đường giây sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá đã tăng cường truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực hiện ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh “Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Đơn vị này cũng triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo các kế hoạch chuyên đề và trinh sát, theo dõi các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, các hành vi gian lận trong đo lường, đóng gói, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây mất ổn định thị trường.
Cụ thể, theo thông tin của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm đơn vị đã kiểm tra 820 vụ việc, xử lý 641 vụ vi phạm, trong đó có 129 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu; 44 vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; 147 vụ vi phạm về giá, 248 vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và 73 vụ việc khác. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 1,86 tỷ đồng.
Trong tháng 6/2022, thực hiện điều tra mở rộng chuyên án P223, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về “Sản xuất hàng giả là phân bón” xảy ra tại Công ty cổ phần phân bón Sông Mã (có địa chỉ tại Lô C4, khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Trong đó, khởi tố và bắt tạm giam 3 đối tượng về hành vi trên gồm: Nguyễn Xuân Quy (sinh năm 1981 ở phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa); Lê Thế Hùng (sinh năm 1993 ở xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa); Lê Hưng Long (sinh năm 1984 ở phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa).
Theo kết quả điều tra ban đầu, Công ty cổ phần phân bón Sông Mã đã sản xuất sản phẩm phân bón "Hoa Nông chuyên thúc" thiếu hàm lượng Silic khoảng 40% để bán ra thị trường với giá thành rẻ hơn, gây thiệt hại cho người nông dân. Qua khám xét, Công an thành phố Thanh Hóa đã thu giữ hơn 11 tấn phân bón "Hoa Nông chuyên thúc" không đảm bảo chất lượng để phục vụ công tác điều tra.
Cũng trong Chuyên án P223, trước đó, trong ngày 30/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Cường (sinh năm 1982), là Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Như vậy, trong chuyên án P223, Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố 2 vụ án về tội “Sản xuất hàng giả là phân bón” đối với Công ty phân bón Sông Mã và Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát, bắt khởi tố 5 bị can.
Thực hiện điều tra mở rộng chuyên sâu, cơ quan chức năng đã tiến hành mã hóa các mẫu phẩm để gửi trưng cầu giám định phân tích các thành phần cấu thành sản phẩm. Qua đó đã phát hiện hơn 3.000 tấn phân bón không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hơn 100 tấn là hàng giả, không có giá trị sử dụng.