Thanh khoản giảm mạnh, riêng nhóm VN30 rớt về mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021
Giá trị giao dịch trung bình trên 3 sàn giảm 33,2% so với đầu tháng và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 17,587 tỷ đồn, riêng nhóm VN30 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm tháng 1/2021...
Việt Nam trụ vững trong 3 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống. Nhưng sau đó, sự sụt giảm mạnh trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong số các thị trường chứng khoán diễn biễn kém nhất.
THANH KHOẢN TOÀN THỊ TRƯỜNG GIẢM MẠNH
Cụ thể, VN-Index giảm 10,8% so với đầu tháng trong tháng 5 trong khi các thị trường Đông Nam Á khác giảm nhẹ hơn, bao gồm JCI (-5,4% so với đầu tháng), STI (-4,1% so với đầu tháng), FBMKLCI (-3,6% so với đầu tháng) , SET (-2,2% so với đầu tháng) và PCOMP (-0,6% so với đầu tháng).
Tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index giảm mạnh 18,7% so với đầu năm, cũng như nhiều thị trường khác. Chỉ có chỉ số JCI (+ 3,9% sv đầu năm ) và chỉ số STI (+ 3,0% sv đầu năm ) ghi nhận mức tăng trưởng dương kể từ đầu năm 2022.
Cả chỉ số VnSmall-Cap (vốn hoá nhỏ) và chỉ số VnMid-Cap (vốn hoá trung bình) lần lượt giảm 14,8% và 13,8% trong tháng 5, nguyên nhân là do áp lực giải chấp lớn đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ. Chỉ số VN30 (vốn hoá lớn) giảm 11,4% kể từ đầu tháng, thấp hơn mức giảm chung của thị trường.
Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trung bình trên 3 sàn giảm 33,2% so với đầu tháng và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 17.587 tỷ đồng trong đó, HOSE thanh khoản bình quân 15.167 tỷ đồng/ngày giao dịch, giảm 32,1% so với tháng trước; HNX thanh khoản bình quân 1.669 tỷ đồng/ngày giao dịch, giảm 34,6% so với tháng trước; UPCOM thanh khoản bình quân 750 tỷ đồng/ngày giao dịch, giảm 47,7% so với tháng trước.
Thanh khoản thị trường suy giảm là do tâm lý thị trường tiêu cực về triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lạm phát cao trên toàn cầu do gián đoạn chuỗi cung ứng, FED đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và bức tranh tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc do duy trì chính sách “Zero-COVID”.
Trong khi đó, số tài khoản chứng khoán mở mới giảm xuống mức trung bình kể từ đầu năm là 231.782 tài khoản trong tháng 4/2022.
Dòng tiền rút khỏi thị trường, đặc biệt là nhóm vốn hóa nhỏ (VNSML) khi giá trị giao dịch bình quân giảm 40,9% so với tháng trước. Tương tự, giá trị giao dịch bình quân phiên của nhóm VN30 và VNMID cũng giảm lần lượt là 26,5% và 33,2% so với tháng trước. Đáng chú ý, giá trị giao bình quân phiên của nhóm VN30 trong tháng 5 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm tháng 1/2021.
Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao do lệnh trừng phạt đối với Nga, chỉ có ngành Dầu khí chứng kiến thanh khoản cải thiện trong tháng 5, ở mức khiêm tốn 1% so với tháng trước trong khi dòng tiền vẫn suy giảm tại các nhóm cổ phiếu khác.
Thanh khoản nhóm thép -6% so với tháng trước, Vận tải giảm 10%, Môi giới giảm 14%, Ngân hàng giảm 20%, Điện giảm 30%, Thực phẩm & Đồ uống giảm 31%, và Bất động sản giảm 31% là những ngành có mức sụt giảm thanh khoản ít hơn so với thị trường chung.
Tính theo tháng, các ngành khác bao gồm Khí đốt (-40%), Hóa chất (-41%), Xây dựng (-43%), Vật liệu xây dựng (- 45%), CNTT (-46%) và Bán lẻ (-48 %) có mức sụt giảm thanh khoản lớn hơn thị trường chung.
THANH KHOẢN GẤP ĐÔI NẾU ĐƯỢC NÂNG HẠNG
Nhận định về thanh khoản toàn thị trường tại Talkshow Phố Tài chính mới đây, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, các chỉ tiêu về quy mô hay thanh khoản, Việt Nam nằm trong top đầu của ASEAN. Thanh khoản trong 4 tháng đầu năm 2022 đã vượt qua Singapore để đứng thứ 2 và chỉ sau Thái Lan.
Ông Hà kỳ vọng năm 2023, với sự quan tâm của Chính phủ cũng như nhiều biện pháp hỗ trợ sẽ giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tốt hơn và nhiều đơn vị có cơ hội tăng vốn và kích thích thêm thị trường M&A tại Việt Nam, từ đó câu chuyện sở hữu nhà đầu tư nước ngoài sẽ được giải quyết một cách tổng thể.
Về diễn biến dòng vốn nếu thị trường Việt Nam một khi được nâng hạng, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng, việc nâng hạng giống với việc đưa hàng hóa của Việt Nam lên một siêu thị trên thế giới để nhà đầu tư có thể phân bổ tiền. Về cơ bản, việc nâng hạng dựa vào ý chí nhiều hơn và ông Thuân kỳ vọng với chỉ đạo của Chính phủ sẽ sớm giúp thị trường Việt Nam được nâng hạng.
Dẫn chứng một phép tính nhanh đó là quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang ở khoảng 6.800 tỷ USD. Như vậy, nếu Việt Nam được nâng hạng thì dòng tiền chỉ cần bằng 1% cũng đã có 68 tỷ USD.
"Việt Nam có thể nâng hạng sau hơn 2 năm và thanh khoản sẽ gấp đôi so với hiện nay. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam có thể đứng trong top đầu của 3 nước trong ASEAN", Tổng giám đốc Chứng khoán MB kỳ vọng.