Thanh khoản kẹt cứng, cổ đông FLC lỗ bao nhiêu?
Hôm nay là phiên T+3 cổ phiếu của phiên “bán chui” FLC hôm 10/1 về tài khoản. Do đã hủy giao dịch 74,8 triệu cổ của ông Trịnh Văn Quyết nên gần 20 ngàn nhà đầu tư bị “đánh úp” giữ lại được tài sản. Tuy nhiên hàng chục triệu cổ phiếu khác của không biết bao nhiêu nhà đầu tư còn lại đang thiệt hại nặng...
Hôm nay là phiên T+3 cổ phiếu của phiên “bán chui” FLC hôm 10/1 về tài khoản. Do đã hủy giao dịch 74,8 triệu cổ của ông Trịnh Văn Quyết nên gần 20 ngàn nhà đầu tư bị “đánh úp” giữ lại được tài sản. Tuy nhiên hàng chục triệu cổ phiếu khác của không biết bao nhiêu nhà đầu tư còn lại đang thiệt hại nặng.
Phiên ngày 10/1 FLC giao dịch 106,18 triệu cổ phiếu, nghĩa là hơn 31 triệu cổ phiếu không “được” hủy giao dịch vẫn sẽ về tài khoản.
Lâu nay nhà đầu tư khi nhìn thanh khoản cực lớn thường nghĩ rằng “nhỏ lẻ làm sao mua nổi”, nhưng cứ như thông tin về giao dịch của FLC thì khối lượng trao tay khổng lồ đó đích thị là nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào. Một đám đông hỗn tạp cùng xuống tiền cũng có thể tạo nên sức cầu lớn, nhưng hàng chục ngàn người cũng chưa đủ đến “đối ứng” với một tài khoản lớn.
Do không được hủy giao dịch nên các nhà đầu tư muốn tháo chạy T+3 (nhanh nhất có thể) cũng không được. Hiện trạng dư bán sàn khủng khiếp xuất hiện tại nhiều cổ phiếu nhỏ, nổi bật vẫn là “họ” cổ phiếu FLC. Dẫn đầu là ROS bị bán ATC 29,3 triệu cổ và bán giá sàn 98,62 triệu cổ. FLC bị bán ATC khoảng 19,22 triệu cổ và bán sàn trên 59 triệu cổ. AMD bị bán mức thấp nhất tổng cộng 29 triệu cổ; KLF bị bán 31,5 triệu; HAI bị bán 24,2 triệu cổ; ART bị bán 14,6 triệu cổ...
Hàng chục cổ phiếu đầu cơ khác cũng dư bán sàn hàng triệu đơn vị như DIG, HQC, GEX, FCN, QCG, CII, LDG, HAI, ITA, NBB, HNG...
Chỉ tính riêng với FLC, ngay cả khi mua giá sàn hôm 10/1 thì mức thua lỗ đã lên tới 18,2%. Không rõ trong hơn 31 triệu cổ phiếu đu đỉnh, bao nhiêu may mắn nằm trong khối lượng 826.300 cổ phiếu FLC được “giải thoát” hôm nay. Với tình trạng mất thanh khoản, có nguy cơ mức lỗ sẽ còn gia tăng nữa. Đây là thiệt hại từ hành động vi phạm hoàn toàn có thể đo đếm được.
Với lượng dư bán giá sàn quá lớn, cộng với tình trạng rớt giá hết biên độ, áp lực bán đang xuất hiện trên diện rộng ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt các mã bất động sản, làn sóng bán tháo này đến từ nội tại, các tác nhân bên ngoài chỉ là “điểm nổ” mà thôi.
Dĩ nhiên với các nhà đầu cơ đã mua sớm thì câu chuyện đến lúc này vẫn mới là “cụt lãi”, nhưng rủi ro mất thanh khoản khiến tình hình trở nên khó đoán. Đó là lý do tại sao khối lượng chất bán giá sàn vẫn nhiều như vậy. Ai cũng hi vọng một cơ hội chụp được lực cầu “khởi nghĩa” vì giá rơi liên tục rất dễ kích thích lòng tham bắt đáy.
Những nỗ lực giữ chỉ số của nhóm blue-chips vẫn không thể ngăn được làn sóng bán tháo kinh hoàng ở các cổ phiếu đầu cơ. Riêng hai sàn niêm yết đóng cửa hôm nay với 124 cổ phiếu giảm sàn, mức cao nhất kể từ phiên ngày 22/11/2201 (với 166 mã sàn). UpCoM hôm nay cũng có 19 mã giảm hết biên độ.
Chỉ số Midcap đóng cửa giảm 2,89%, có 11 mã giảm sàn. Smallcap giảm 3,07% với 51 mã giảm sàn. Đặc biệt thanh khoản ở cả hai rổ này đều thấp nhất trong vòng 2 tuần, do tình trạng mất thanh khoản ở chiều mua.
Nhóm blue-chips là điểm sáng trong phần lớn thời gian chiều nay, nhưng kết cục cũng có phần bất lợi. Dù duy trì được mức tăng trong phần lớn thời gian, nhưng ATC chỉ số VN30-Index vẫn bị một số mã vốn hóa lớn kéo đổ, chốt dưới tham chiếu 0,24%.
Trong rổ VN30 có khá nhiều mã đột ngột tụt giá trong lần khớp ATC, nhưng đáng chú ý nhất là VIC giảm 1,98%, VHM giảm 1,67%, GAS giảm 2,78%, GVR giảm 4,05%, VRE giảm 6,11%... Vài mã không giảm, nhưng đổ gục khá mạnh như BID, MSN, HPG. Chẳng hạn BID chỉ riêng đợt ATC rơi từ mức kịch trần 45.100 đồng xuống 44.000 đồng, tuy đóng cửa vẫn tăng 4,39% so với tham chiếu, nhưng trong một lần giao dịch lại giảm 2,44%, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chỉ số.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là các mã giữ nhịp thị trường hôm nay. Ngoài BID, VCB cũng tăng 2,38%, CTG tăng 2,93%, MBB tăng 1,71%. 17/27 mã ngân hàng ở 3 sàn vẫn tăng giá cuối phiên, trong đó 13 mã tăng hơn 1%. Nếu không có các trụ ngân hàng, hôm nay đã là một phiên bán tháo toàn diện.
VN-Index đóng cửa một lần nữa để mất mốc 1.500 điểm, còn 1.496,05 điểm. Thực ra mốc 1.500 phụ thuộc quá nhiều vào các cổ phiếu trụ siêu lớn, nên mất hay còn không phải là câu chuyện chính. VIC, VHM, GVR đang là các cổ phiếu có tiếng nói quyết định.