Thanh khoản tăng mạnh, VPB, VHM bị xả
Dòng tiền vào mạnh sáng nay đẩy thanh khoản hai sàn niêm yết tăng 28% so với sáng hôm qua và cao nhất 9 phiên. Điểm tốt là thanh khoản thể hiện sự tự tin đang cao và nhà đầu tư xuống tiền mạnh tay. Tín hiệu cần thận trọng là bắt đầu có hiện tượng chốt lời ngắn hạn rõ ràng hơn...
Dòng tiền vào mạnh sáng nay đẩy thanh khoản hai sàn niêm yết tăng 28% so với sáng hôm qua và cao nhất 9 phiên. Điểm tốt là thanh khoản thể hiện sự tự tin đang cao và nhà đầu tư xuống tiền mạnh tay. Tín hiệu cần thận trọng là bắt đầu có hiện tượng chốt lời ngắn hạn rõ ràng hơn.
VN-Index tăng mạnh trong ít phút đầu tiên, đạt đỉnh khoảng 9h38 và tăng trên tham chiếu 0,6%. Thời gian còn lại thị trường suy yếu dần, chỉ số kết phiên tăng nhẹ 0,28%. Dù vậy độ rộng còn tốt, với 228 mã tăng/121 mã giảm.
Diễn biến động rộng sàn HoSE cho thấy có hiện tượng tụt giá khá rõ. Tại đỉnh VN-Index, chỉ số có 268 mã tăng/53 mã giảm. Số cổ phiếu giảm giá tăng dần lên nhưng chưa đủ để đảo ngược độ rộng. Phần lớn cổ phiếu mới thu hẹp mức giảm. Thống kê sàn này cho thấy xấp xỉ 80% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch sáng nay đã tụt giá với mức độ khác nhau, khoảng 40% tụt từ 1% trở lên.
Do giá cổ phiếu đã có một nhịp tăng khá tốt trong ngắn hạn, nhiều mã thậm chí tăng xuất sắc và bắt đầu bị chốt lời rõ ràng hơn. Nhóm trụ sáng nay chứng kiến VPB, VHM chịu áp lực mạnh.
VPB là blue-chips mạnh nhất trong tháng 3, khi tăng tối đa khoảng 29%. Khoảng 3 phiên trước hôm nay đà tăng giá đã chững lại. Vài phút sau khi mở cửa, VPB còn tăng tiếp 1,65% trước khi bị xả mạnh và giá đảo chiều. Chốt phiên sáng VPB đã bốc hơi 1,88% giá trị. Như vậy cổ phiếu này tạm thời tạo một bull-trap với biên độ 3,47%. VPB cũng là mã thanh khoản nhất thị trường với 354,8 tỷ đồng.
VHM cũng có biên độ tăng tháng 3 tối đa khoảng 27% trước khi bị chốt lời. Hôm qua VHM giảm 1,32%, sáng nay giảm tiếp 1,14%. Cùng với VPB, đây là hai cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.
Hiện tượng chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng tốt trong ngắn hạn là hoàn toàn bình thường, vì nếu lợi nhuận 15%-20% thậm chí còn tương đương với một nhịp tăng trong điều kiện thị trường tốt. Đó là những mã đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang đi ngang như lúc này. Việc chỉ số bị kiềm chế cũng chỉ là hệ quả thông thường.
Về cơ bản thị trường vẫn đang trong trạng thái phân hóa và cổ phiếu phụ thuộc vào cung cầu cụ thể. Khoảng 90 mã đang tăng hơn 1% với thanh khoản chiếm 39% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Những cổ phiếu thanh khoản cao như VCG, NVL, HHV, DXG, TCB tuy giá còn mạnh nhưng vẫn bị xả ép giá xuống hơn 1% so với đỉnh. Toàn sàn HoSE có 15 cổ phiếu giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên sáng nay thì còn 8 mã tăng mạnh là NVL tăng 1,97%, STB tăng 1,18%, HHV tăng 3,37%, MBB tăng 1,39%, TCB tăng 3,4%, VCG tăng 1,19%, MWG tăng 2,23%, DXG tăng 1,23%. Như vậy lực cầu vẫn tạo hiệu ứng nâng đỡ nhất định, dù không thể duy trì giá ở mức cao nhất.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,32%, Midcap tăng 0,17%, Smallcap tăng 0,62%. Nhóm blue-chips vẫn đang là động lực giữ nhịp với Top 10 cổ phiếu kéo điểm đều thuộc rổ VN30. Dẫn đầu là TCB, BID, GAS, MWG, MBB. Độ rộng còn tốt với 18 mã tăng/7 mã giảm.
Xét theo nhóm ngành, không có nhóm nào nổi trội, kể cả bất động sản. Chỉ có các cổ phiếu cá biệt trong nhóm tăng vượt trội. Ví dụ chứng khoán có vài mã tăng trên 1% như BSI, FTS, EVS, PSI... nhưng các mã hàng đầu như VND, VCI đỏ, số khác tăng yếu. Ngân hàng cũng có nhiều mã giảm, khiến chỉ số VNFIN chỉ tăng nhẹ 0,3%. VNREAL đại diện bất động sản tăng 0,06%...
Khối ngoại mua bán đều tăng nhưng vẫn là bán ròng nhẹ 21,1 tỷ đồng. Giá trị mua của khối này trên HoSE chỉ chiếm 7,7% tổng giá trị sàn này. Mức tăng tuyệt đối chỉ là 230 tỷ đồng nhưng thanh khoản sàn tăng hơn 1.031 tỷ đồng. Như vậy dòng vốn trong nước vẫn đang tiếp tục tăng lên. MSN bị bán ròng lớn nhất -32,9 tỷ, VNM -25,3 tỷ, SHB -13 tỷ, DGW -11,1 tỷ. Phía mua ròng có FUEVFVND +22,6 tỷ, VHM +18,5 tỷ, DXG +18 tỷ.