Thanh khoản tụt, VCB, BID vẫn kéo VN-Index tăng, cổ phiếu đầu tư công tích cực
Chỉ riêng VCB tăng 3,15%, BID tăng 2,87% đã giúp VN-Index có tới 4,7 điểm trong sáng nay, dù tổng mức tăng của chỉ số chỉ là 3,41 điểm tương đương 0,32%. Độ rộng ghi nhận số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp đôi số tăng, xác nhận mặt bằng giá khá yếu trong bối cảnh thanh khoản rất thấp...
Chỉ riêng VCB tăng 3,15%, BID tăng 2,87% đã giúp VN-Index có tới 4,7 điểm trong sáng nay, dù tổng mức tăng của chỉ số chỉ là 3,41 điểm tương đương 0,32%. Độ rộng ghi nhận số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp đôi số tăng, xác nhận mặt bằng giá khá yếu trong bối cảnh thanh khoản rất thấp.
Xu hướng giằng co ở chỉ số vẫn đang diễn ra và liên tục là các bước nhích điểm số rất nhỏ. Tuy nhiên độ rộng lại hẹp từng ngày, nghĩa là xác suất nhà đầu tư thua lỗ lại cao hơn khi nhìn từ bình diện tổng thể.
Khả năng kéo điểm số đang được một số cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau thực hiện. Sáng nay VCB, BID là bộ đôi đáng chú ý nhất. Điều này cũng không đảm bảo rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng mạnh. Thực tế chỉ có 8/27 mã nhóm ngân hàng còn tăng giá. Ngoài VCB, BID, thêm EIB tăng 4,85%, HDB tăng 1,2%, ACB tăng 1,24%.
Sức mạnh của các cổ phiếu lớn cũng là yếu tố giúp VN30-Index đang tăng nhẹ 0,12% trong khi độ rộng đuối với 13 mã tăng/15 mã giảm. Cổ phiếu ngân hàng có trọng số vốn hóa lớn trong chỉ số này, ngoài ra là HPG tăng 1%, GVR tăng 1,72%, VJC tăng 1,39%, SAB tăng 1,61%.
Thị trường chủ đạo dao động rất hẹp trên nền thanh khoản quá thấp, nên việc VN-Index xanh hay đỏ không phải là câu chuyện khó khăn. Ví dụ VCB sáng nay mới giao dịch 314.300 cổ phiếu, tương đương 27,5 tỷ đồng. SAB giao dịch 56.100 cổ với 10,6 tỷ... Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE mới đạt chưa tới 2.784 tỷ đồng, giảm 20% so với sáng hôm qua. Điều thuận lợi vẫn duy trì được, là biên độ ở cổ phiếu rất nhỏ. HoSE chỉ có 60 mã tăng trên 1% và 110 mã giảm trên 1%.
Với mức độ phân hóa quá mạnh, hầu như nhóm cổ phiếu nào cũng có mã tăng mã giảm. Nhóm xây dựng, đầu tư công có vẻ mạnh nhất, sáng nay ghi nhận VCG tăng 3,3%, HHV tăng 6,85%, LCG tăng 4,63%, FCN tăng 3,24%, BCG tăng 1,65%, CTD tăng 2,3%... Thanh khoản thấp lại đang là lợi thế của nhóm này vì tâm lý kỳ vọng dễ thúc đẩy cầu mua lên, trong khi lực bán tổng thể trên thị trường đang yếu. Nhóm vật liệu xây dựng cũng khá nhờ HPG tăng 1%, HSG tăng 1,53%, NKG tăng 0,71%, POM tăng 1,66%, VCA tăng 4,09%, BCC tăng 2,78%...
Ngược lại, cổ phiếu bất động sản xuất hiện nhiều mã giảm với thanh khoản khá cao như HPX giảm 2,81% giao dịch 24,9 tỷ; NVL giảm 2,8% giao dịch 101,3 tỷ; PDR giảm 1,79% giao dịch 39,6 tỷ; KBC giảm 1,6% giao dịch 25,7 tỷ; DIG, HAG, DXG, NLG cũng đều giảm trên 1% với thanh khoản hàng chục tỷ đồng.
Nhìn chung với cổ phiếu phân hóa, nhà đầu tư chỉ có thể căn cứ vào danh mục cụ thể để đánh giá thị trường. Áp lực bán không mạnh là một lợi thế, nhưng dòng tiền đẩy giá lên lại quá nhỏ, khiến chỉ số ít cổ phiếu hưởng lợi. Đây là trạng thái thị trường rất khó khăn đối với các giao dịch ngắn hạn và phù hợp hơn với việc nắm giữ dài hạn vì ngay cả khi cổ phiếu giảm giá nhiều hơn tăng giá hàng ngày, biên độ giảm cũng chưa quá nhiều.
Khối ngoại sáng nay chiếm trên 18% tổng giao dịch sàn HoSE khi giải ngân tới 717,9 tỷ đồng. Phần lớn tiền chảy vào chứng chỉ quỹ FUESSVFL với +124,1 tỷ đồng ròng. Cổ phiếu thì chỉ có HPG là đáng kể với 27,7 tỷ, còn lại BID, DPM, HDB là 3 mã duy nhất được mua ròng trên 10 tỷ đồng. Phía bán có TPB là nhiều nhất, -13,4 tỷ. Tổng giá trị bán tại HoSE là 517,1 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 200,8 tỷ.