10:17 13/11/2022

Thành lập Hiệp hội Logistics Hà Nội

Ngân Hà

Hiệp hội Logistics Hà Nội sẽ thúc đẩy kết nối các loại hình hoạt động logistics, vận tải đa phương thức, quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics cấp quốc gia và khu vực, liên kết các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô…

Ban Chấp hành Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) ra mắt với 16 thành viên.
Ban Chấp hành Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) ra mắt với 16 thành viên.

Ngày 12/11, Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) chính thức ra mắt với việc bầu ra 16 thành viên Ban Chấp hành. Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Delta được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2022-2025.

Phát biểu nhận nhiệm vụ sau khi ra mắt, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch HNLA cam kết xây dựng và củng cố sự gắn kết giữa các hội viên, hội nhập với hoạt động logistics trên toàn quốc và quốc tế để cùng nhau phát triển đúng như slogan của Đại hội ngày hôm nay là “Gắn kết - Hội nhập - Phát triển”.

“Với tiềm năng và lợi thế của Hà Nội, chúng tôi tin tưởng rằng hoạt động logistics sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng Thủ đô ngày một giàu đẹp hơn. Đây sẽ là mục tiêu mà tất cả hội viên và Ban chấp hành Hiệp hội Logistics Hà Nội mới được bầu ra ngày hôm nay sẽ nỗ lực phấn đấu”, Chủ tịch HNLA Trần Đức Nghĩa nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu tại Đại hội thành lập HNLA, ông Trần Đức Nghĩa cho biết, chi phí logistics cao trong tổng GDP đang làm hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thực trạng này bắt nguồn từ cơ cấu nền kinh tế cũng như các lý do đến từ hiệu quả thấp của hoạt động logistics tại Việt Nam, quy mô hoạt động chưa tối ưu của doanh nghiệp logistic.

Chi phí logistics cao tại Việt Nam cũng có nguyên nhân đến từ quy hoạch logistics chưa được quan tâm đúng mức trong nhiều thập kỷ qua và cả những nguyên nhân đến từ thể chế chính sách.

Để giải quyết những vấn đề cụ thể của logistics Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu cuối cùng là tăng hiệu quả hoạt động logistics, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp logistics.

“Hà Nội, với tư cách là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước cần phải đi đầu trong việc thực hiện các Quyết định 200/QĐ-TTg và 221/QĐ-TTg của Thủ tướng nhằm hoàn thiện hạ tầng logistics, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dịch vụ logistics hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp, qua đó góp phần giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế”, ông Nghĩa nói.

Trong đó, quan trọng nhất là phải thúc đẩy kết nối các loại hình hoạt động logistics, vận tải đa phương thức, quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics cấp quốc gia và khu vực, liên kết các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô, đóng góp vào sự phát triển của ngành logistics cả nước.

“Hiệp hội Logistics Hà Nội mong muốn sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa Chính quyền Thành phố với các hoạt động logistics đang diễn ra trên địa bàn, tham mưu và phản biện các chính sách liên quan đến việc phát triển hoạt động logistics trên địa bàn Thủ đô, đúng theo tôn chỉ mục đích của Hiệp hội”, ông Nghĩa cho biết.

Phát biểu tại đại hội, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực logistics, coi đây là chìa khóa giúp cho các doanh nghiệp logistics của Hà Nội hội nhập và phát triển không chỉ trong thị trường Việt Nam mà còn vươn ra thị trường thế giới.

“Vì vậy, Hiệp hội Logistics Hà Nội và các doanh nghiệp hội viên cần có nhiều hoạt động phối hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu trên địa bàn trong thời gian tới”, ông Hải bày tỏ.