Thấy gì khi Apple dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm chủ lực sang Việt Nam?
Các “ông lớn” lĩnh vực công nghệ, điện tử lớn toàn cầu khi mở rộng hoặc dịch chuyển chuỗi cung ứng, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất sang Việt Nam sẽ mang lại giá trị lan tỏa, lôi kéo sự tham gia của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng; đồng thời góp phần cho sự phát triển, nâng cao vị thế của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong bản đồ công nghệ...
Những ngày gần đây, một số báo quốc tế thông tin Apple về việc lần đầu tiên sản xuất đồng hồ Apple Watch và máy tính xách tay MacBook tại Việt Nam. Theo Nikkei Asia, các nhà cung cấp của Apple là Luxshare Precision Industry và Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch ở miền Bắc Việt Nam với mục đích lần đầu sản xuất thiết bị này bên ngoài Trung Quốc. Điều đó đánh dấu thắng lợi mới cho quốc gia Đông Nam Á khi “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất.
Những thông tin này cùng với thời điểm Foxconn - doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng của Apple vừa quyết định đầu tư thêm 300 triệu USD và thuê hơn 50 ha đất để xây nhà máy mới tại Bắc Giang.
GÓP PHẦN NÂNG CAO VỊ THẾ NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ VIỆT NAM
Để đa dạng chuỗi cung ứng sản xuất, tránh phụ thuộc vào một thị trường, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều công ty trong chuỗi cung ứng của Apple đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam.
Chia sẻ với VnEconomy về những thông tin trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), cho rằng trong bối cảnh sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phân bổ rủi ro từ các nhà đầu tư không muốn tập trung vào một thị trường duy nhất; cộng với việc Trung Quốc thực hiện chính sách nghiêm ngặt Zero- Covid…, một số nhà đầu tư đã rục rịch chuyển sản xuất sang Việt Nam trong đó có chuỗi cung ứng của Apple.
Những động thái chuyển dịch sản xuất, lắp ráp, đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn vào Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực rất nhiều, nếu không sẽ trở thành khách trên chính sân chơi của mình. Khi đó chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI sẽ đổ vào, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước không chỉ về công nghệ, sản xuất mà cả nhân lực, hạ tầng khu công nghiệp…
Thực tế, chuỗi cung ứng của Apple đã vào Việt Nam từ cách đây hai năm nay nhưng thời gian đầu, các nhà sản xuất, cung ứng mới chỉ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm có giá trị gia tăng và mức độ phức tạp chưa cao như tai nghe AirPods.
Tuy nhiên, với việc Apple và các nhà cung ứng đang đàm phán để chuyển lắp ráp Macbook và đồng hồ thông minh sang Việt Nam, sẽ có thêm các đơn hàng mà trước đây chúng ta chưa được tham gia sản xuất, bà Hương nói.
Hiện nay, một số hãng công nghệ lớn có tên tuổi lớn nhất trên thế giới như Samsung đã đặt cứ điểm sản xuất ở Việt Nam. Gần đây nhất, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung đã cho biết sẽ triển khai từng bước việc đầu tư 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Tập đoàn này đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà tại nhà máy ở Thái Nguyên.
Trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu hiện nay, việc Việt Nam giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế cũng như việc kiểm soát dịch bệnh tốt và linh hoạt sẽ tạo điều kiện và là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư FDI tiềm năng. Không chỉ là các “ông lớn” trong lĩnh vực điện tử mà nhiều tập đoàn lớn ở các lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm, có kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, quan tâm đầu tư vào các hạng mục công nghệ cao cấp hơn.
Bà Hương khẳng định, đây là những tín hiệu đáng mừng. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn điện tử lớn như Samsung hay Apple vào Việt Nam sẽ làm tăng vị thế của ngành công nghiệp điện tử trong nước trên bản đồ công nghiệp điện tử thế giới. Thế giới sẽ nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến tiềm năng. Điều này cũng làm tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và năng lực của lao động Việt.
Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, Apple chuyển dịch sản xuất các sản phẩm vào Việt Nam thể hiện sự đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường có thể trở thành trọng điểm trong tương lai. Thị trường được đánh giá đủ lớn để tương lai có thể hấp thụ lượng sản xuất lớn từ những nhà máy này. Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, khi Apple sản xuất Apple Watch và MacBook ở Việt Nam chứng tỏ thị trường đã đạt một số tiêu chuẩn nhất định của hãng sau thời gian thử nghiệm ở các nhóm sản phẩm tầm thấp.
CƠ HỘI NÀO CHO DOANH NGHIỆP VIỆT?
Những làn sóng dịch chuyển, đầu tư dây chuyền công nghệ cao của nhiều tên tuổi lớn được nhìn nhận sẽ tác động tích cực, thể hiện những điểm sáng về môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã thu hút được các nhà đầu tư trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa, tối ưu hóa các chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi. Việc lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó chú trọng các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến.
Sự liên kết, lan tỏa của các doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Doanh nghiệp phụ trợ ở Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản phẩm có giá trị công nghệ cao còn khá thấp. Sự liên kết, lan tỏa sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về lợi ích cho Việt Nam trong hiệu quả đầu tư, chuỗi cung ứng, công nghiệp phụ trợ, giúp doanh nghiệp Việt ngày càng trưởng thành.
Trong quá trình đón bắt dòng dịch chuyển sản xuất này sẽ thu hút có chọn lọc, theo định hướng đã đặt ra, tăng tỷ lệ dự án công nghệ cao và đặc biệt là không chấp nhận các dự án mới có công nghệ lạc hậu. Việc thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam sẽ không chạy theo số lượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả và sự liên kết, xây dựng các chuỗi giá trị trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt.
Các doanh nghiệp công nghệ, điện tử lớn toàn cầu vào Việt Nam sẽ mang lại giá trị lan tỏa, lôi kéo sự tham gia của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng, đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp điện tử Việt Nam.
Việc tận dụng hiệu quả dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ góp phần lan tỏa hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển, nâng cao chất lượng công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ…
Theo bà Hương, đây là một cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam bởi các nhà cung ứng khi vào thị trường bên cạnh việc mang theo chuỗi sẽ ít nhiều tìm kiếm các nhà cung ứng ở trong nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cần phải nâng cao năng lực công nghệ và tài chính để đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng; đồng thời phải cạnh tranh với các nhà cung ứng hiện hữu trong chuỗi. Đây là một sức ép rất lớn.
Về lâu dài, để có thể “chen chân” tham gia vào chuỗi cung ứng này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt. Việc điều chỉnh, thích ứng với đòi hỏi của chuỗi cung ứng mới của một nhà sản xuất tiên tiến thế giới sẽ không dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các Hiệp hội để các doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn doanh nghiệp lớn như Apple, bà Hương nói.
Trước khi quyết định lựa chọn đầu tư, chuyển dịch sản xuất, nhà đầu tư sẽ cân nhắc so sánh những điều kiện phát triển, mang lại lợi ích tốt nhất. Vì vậy, ông Toàn cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị nhiều khâu. Trước hết cần xây dựng hệ thống doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những tập đoàn công nghệ lớn. Cùng với đó, Việt Nam phải chuẩn bị nguồn nhân lực khi thu hút dự án công nghệ cao.
Theo chuyên gia này, dự án công nghệ cao vào Việt Nam có nhiều phân khúc. Nếu chỉ đơn thuần là lắp ráp để xuất khẩu thì sẽ không cần đến lao động có trình độ cao. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp công nghệ lớn đưa cả chuỗi sản xuất, cung ứng vào Việt Nam sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Khi các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sản xuất, lắp ráp sang Việt Nam, nếu các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng, xuất khẩu các sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ mang lại giá trị lớn hơn nhiều.