18:17 23/07/2021

Thế giới "nín thở" theo dõi "cuộc thử nghiệm" mở cửa trong lúc dịch bùng mạnh ở Anh

Ngọc Trang

Các chính phủ đều đang trông vào diễn biến từ Anh để xem liệu có thể xem virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 giống với bệnh cúm nhờ tiêm vaccine hay không...

Hành khách đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm tại Anh ngày 19/7 - Ảnh:
Hành khách đeo khẩu trang trên tàu điện ngầm tại Anh ngày 19/7 - Ảnh:

Từ ngày 19/7, Anh dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19. Động thái này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Anh đang tăng vọt trở lại, lập kỷ lục gần 50.000 ca/ngày, thậm chí cao hơn tại các tâm dịch Brazil, Ấn Độ, Indonesia hay Nam Phi…

Giải thích cho việc này, chính phủ Anh cho biết số lượng ca bệnh nhập viện và từ vong vì Covid-19 tại nước đang ở mức thấp hơn nhiều so với các đợt bùng dịch trước đây. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông muốn người dân tại Anh tự quyết định xem có nên đeo khẩu trang, tới hộp đêm hay hủy bỏ các sự kiện tập trung đông người hay không. 

Chiến lược của Anh đi ngược với các quốc gia láng giềng tại châu Âu, một số bang tại Mỹ cũng như các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Israel. Tại những nơi này, chiến dịch tiêm vaccine được triển khai song song với các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… nhằm kiểm soát sự lây lan của biến chủng virus Delta. 

TIẾP CẬN THẬN TRỌNG ĐỂ RÚT BÀI HỌC TỪ ANH

Theo Wall Street Journal, cuộc chiến giữa các loại vaccine và biến thể Delta tại Anh giờ đây được cả thế giới theo dõi sát sao. Các nước đều muốn biết rằng liệu những nền kinh tế với tỷ lệ tiêm vaccine cao có thể được trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch hay không, trước sự hoành hành của các biến thể virus lây lan nhanh. 

“Cuộc thử nghiệm” với quốc gia châu Âu này có thể sẽ là câu trả lời cho câu hỏi rằng liệu Covid-19 có thể trở thành một dịch bệnh theo mùa và hoàn toàn có thể kiểm soát được như cúm mùa hay không, hay liệu các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội có thể trở thành dĩ vãng hay không.

Người dân London xếp hàng chờ tiêm vaccine - Ảnh: Getty Images
Người dân London xếp hàng chờ tiêm vaccine - Ảnh: Getty Images

Diễn biến từ Anh có thể là tiền đề để các quốc gia khác trên thế giới đưa ra phản ứng với biến thể Delta - có đặc tính dễ lây lan và nguy hiểm hơn nhiều các biến thể trước đây. Biến thể Delta hiện chiếm chủ đạo trong các ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh. 

Ran Balicer, người dẫn đầu ban cố vấn chuyên gia về Covid-19 cho chính phủ Israel, hôm 20/7 cho biết rằng ông khuyến nghị chính phủ Israel tiếp cận thận trọng trong vài tuần tới để theo dõi diễn biến ở Anh. 

“Chúng tôi có thể rút ra bài học từ Anh và hành động phù hợp”, Giáo sư Balicer cho biết trong một cuộc phỏng vấn. 

Theo Jim Reid, chiến lược gia tại Deutsche Bank chi nhánh London, các nhà đầu từ cũng đang chú ý tới diễn biến này.

"Nếu số ca nhiễm tại Anh tăng cao trong những tuần tới mà bệnh viện không bị quá tải, đây sẽ là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều”, ông Reid cho biết trong một báo cáo ngày 21/7. “Nếu Anh tiếp tục chật vật, chúng ta sẽ chìm trong mùa đông dài”.  

Đằng sau cách tiếp cận gây chú ý lớn của Anh là niềm hy vọng rằng việc tiêm vaccine cùng sự thận trọng của cộng đồng sẽ giúp ngăn chặn lặp lại thảm cảnh nhập viện và tử vong hàng loạt như các đợt bùng dịch trước. 

Tại châu Âu, ưu tiên hiện tại là khẩn trương tăng cường độ bao phủ tiêm chủng vaccine, đồng thời cố gắng duy trì kiểm soát biến thể Delta bằng các biện pháp như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Pháp và Italy đang xem xét hoặc đã triển khai biện pháp yêu cầu bắt buộc xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng khi vào các địa điểm công cộng như bảo tàng, nhà hàng và một số phương tiện công cộng. 

Hành khách tại sân bay Fiumicino gần Rome, Italy ngày 17/5 - Ảnh: Reuters
Hành khách tại sân bay Fiumicino gần Rome, Italy ngày 17/5 - Ảnh: Reuters

Chính quyền địa phương tại ít nhất 41 khu vực ở Nga, bao gồm Moscow, đã yêu cầu tiêm chủng bắt buộc với người lao động trong lĩnh vực dịch vụ như nhân viên nhà hàng, quán bar, vận tải, cửa hàng, nhà ở, dịch vụ cộng đồng, giao thông, giáo dục và giải trí. 

Thủ tướng Boris Johnson và các cố vấn khoa học của ông tin rằng chiến dịch tiêm chủng dang diễn ra và sự cải thiện trong diễn biến dịch bệnh giúp đưa Anh sớm đạt miễn dịch cộng đồng - trạng thái mà virus không thể dễ dàng lây lan và không đủ để châm ngòi cho các đợt bùng phát dịch lớn trong tương lai.

Hiện tại, khoảng 2/3 dân số Anh đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, cao hơn tỷ lệ 60% tại Mỹ. Cơ quan thống kê Anh ước tính 92% người trưởng thành có miễn dịch chống lại được Covid-19 khi tiêm một phần hoặc đầy đủ các mũi vaccine, hoặc đã từng nhiễm virus trước đây. 

CHIẾN LƯỢC "LIỀU LĨNH" VÀ "NGUY HIỂM"?

Tuy nhiên, chiến lược của Anh vấp phải sự chỉ trích từ nhiều chuyên gia y tế cộng đồng tại nước này và quốc tế. Nhiều chuyên gia đã gửi thư kiến nghị cho các tạp chí y khoa và tham gia các hội nghị trực tuyến, trong đó chỉ trích chiến lược của Anh là “liều lĩnh và phi đạo đức”. Họ cáo buộc chính phủ Anh đã để người dân nhiễm virus một cách không cần thiết và gây nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có khả năng vượt qua rào chắn miễn dịch có được nhờ vaccine. 

“Tôi cho rằng đây là một thử nghiệm khá nguy hiểm”, Giáo sư Hendrik Streeck, một nhà virus học tại Đại học Bonn, bày tỏ. 

Để bảo vệ chiến lược của mình, Chính phủ Anh nhấn mạnh rằng việc tiêm vaccine đồng nghĩa với việc số ca nhiễm có thể tăng nhưng không làm tăng số ca nhập viện và tử vong như những gì diễn ra trong các đợt bùng dịch trước đây, nhờ đó giúp giảm các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với nền kinh tế và xã hội để phòng dịch. 

Hiện tại, số ca nhập viện vì Covid-19 trung bình tại Anh là khoảng 600 ca một ngày, còn số ca tử vong là khoảng 40. Những con số này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng tại Anh hồi tháng 1. Khi đó, mỗi ngày ca nhiễm tại nước này là khoảng 60.000 USD, còn số ca nhập viện và tử vong lần lượt là 4.000 ca và hơn 1.200 ca một ngày. 

Các bác sĩ cho biết phần lớn những người nhập viện gần đây là người trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc những người đang chờ tiêm mũi thứ hai. Theo dữ liệu mới nhất, khoảng 14% trường hợp nhập viện là người trên 50 tuổi đã được tiêm vaccine đầy đủ. Nhóm người này chiếm 45% các ca tử vong. 

Theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins, tính tới ngày 22/7, số ca nhiễm trung bình 7 ngày tại Anh là 45.889 ca, cao gấp 2,5 lần so với thời điểm cuối tháng 6 và gấp 14 lần cuối tháng 5. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo rằng số ca nhiễm tại nước này có thể tăng lên 100.000 ca/ngày trong vài tuần tới. 

Tuy nhiên, bác sĩ, giảng viên David Strain và các đồng nghiệp tại trường y thuộc Đại học Exeter (Anh), tin rằng số ca tử vong trong đỉnh dịch hiện tại có thể lên tới 250 - 300 ca một ngày.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Cumbria, phía Tây Bắc Anh - Ảnh: Getty Images
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Cumbria, phía Tây Bắc Anh - Ảnh: Getty Images

“Tôi rất lo lắng với cách tiếp cận hiện tại của chính phủ”, ông Javid nói. “Chúng tôi phụ thuộc vào vaccine trong khi bản thân vaccine không đủ mạnh”. 

Một số chuyên gia y tế khác cũng cho rằng chiến lược của Anh có nhiều rủi ro và cần có một phương thức tốt hơn để cân bằng giữa việc duy trì nền kinh tế mở và việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

“Tôi cho rằng không ai có thể khẳng định rằng chiến lược này hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai”, bà Irene Petersen, giáo sư về dịch tễ học và thông tin y tế tại Đại học London, bày tỏ. “Trong các giai đoạn trước của đại dịch, số lượng ca nhiễm tăng đồng nghĩa phải thắt chặt, chứ không phải nới lỏng, các biện pháp hạn chế. Còn bây giờ, chiến lược hiện tại đồng nghĩa rằng những điều xảy ra tiếp theo hoàn toàn không chắc chắn và sẽ phụ thuộc một phần vào việc người dân tự nguyện tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và hạn chế tiếp xúc với người khác”. 

“Chúng ta sẽ không bao giờ trở lại như trước đây”, bà Petersen nhấn mạnh.