08:15 07/11/2023

Thế giới và Việt Nam đón đầu làn sóng bùng nổ du khách Ấn Độ

Tường Bách

Tháng 4/2023, Ấn Độ chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Các công ty lữ hành khắp nơi nhanh chóng nhận ra rằng du khách Ấn Độ không chỉ hiện diện trong nước, mà còn xuất hiện vô cùng đông đảo ở các địa điểm du lịch nước ngoài…

Ảnh: Mint
Ảnh: Mint

Dựa trên báo cáo chi tiêu du lịch và các chuyến bay tại Ấn Độ từ các năm trước đến nay, có thể thấy, bùng nổ du lịch sau đại dịch có thể đã qua với nhiều quốc gia, nhưng sự thôi thúc đi du lịch tại Ấn Độ vẫn chưa giảm. Theo Jatin Khanna, Giám đốc điều hành Sarovar Portico Hotels & Resorts, du khách Ấn Độ thích thực hiện nhiều chuyến đi ngắn thay vì chỉ một hoặc hai chuyến một năm.

ĐI NHIỀU HƠN, CHI TIÊU NHIỀU HƠN

Tờ The Economic Times trích dẫn các báo cáo ước tính năm 2024 du khách Ấn Độ sẽ chi tiêu khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Theo chính phủ Ấn Độ, thị trường du lịch nước ngoài của Ấn Độ nằm trong danh sách tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện Ấn Độ có khoảng 80 hộ chiếu đang được lưu hành. Nếu so sánh, con số này còn lớn hơn tổng dân số Thái Lan, quốc gia đông dân thứ 20 trên thế giới.

Trong khi đó, báo cáo gần gần của nền tảng đặt phòng Booking.com và hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey dự đoán khách Ấn Độ sẽ vươn lên đứng thứ 4 thế giới về chi tiêu cho các chuyến du lịch nước ngoài vào năm 2030. Báo cáo chỉ ra rằng, dù du lịch nước ngoài chỉ chiếm khoảng 1% tổng số chuyến du lịch được thực hiện bởi người Ấn Độ vào năm ngoái, nhưng dự kiến người dân Ấn Độ sẽ thực hiện 5 tỉ chuyến du lịch vào năm 2030. Tỷ lệ 1% trong số đó tương đương với việc người Ấn Độ sẽ thực hiện 50 triệu chuyến du lịch nước ngoài vào cuối thập niên này.

Nghiên cứu của Booking và McKinsey dự đoán du khách Ấn Độ sẽ chi tiêu 410 tỉ đô la cho các chuyến du lịch nước ngoài vào năm 2030. Con số này tăng hơn 170% so với mức 150 tỉ đô la vào năm 2019. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, khách Ấn Độ nổi tiếng với sự ngẫu hứng vì thời gian trung bình để lập kế hoạch du lịch của họ chỉ là 29 ngày (trước chuyến đi), ngắn hơn khách Nhật Bản (57 ngày) và khách Mỹ (63 ngày).

Ước tính năm 2024 du khách Ấn Độ sẽ chi tiêu khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài.
Ước tính năm 2024 du khách Ấn Độ sẽ chi tiêu khoảng 42 tỷ USD cho du lịch nước ngoài.

Hơn nữa, sự tiện lợi về ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong quyết định du lịch của họ. Hơn 80% khách Ấn Độ đánh giá cao sự sẵn có về các sự lựa chon nhà hàng và dịch vụ phòng trong thời gian lưu trú của họ, theo báo cáo. Điều này phản ánh mong muốn trải nghiệm ăn uống thoải mái và thú vị khi họ đi du lịch

Ông Omri Morgenshtern, giám đốc điều hành của trang web lữ hành và đặt phòng khách sạn Agoda, cho biết người Ấn Độ hiện nay không chỉ đi nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn, họ còn sẵn lòng khám phá các điểm du lịch mới mẻ. "Ở châu Âu, người Ấn Độ đang đổ dồn về Pháp và Thụy Sĩ. Hai quốc gia này không nằm trong danh sách các điểm đến được ưa thích của Ấn Độ trước đại dịch".

Tuy nhiên nếu xét về tỷ lệ, châu Âu mới chỉ chiếm 20% tổng du khách Ấn Độ. 10% nữa thuộc về các quốc gia vùng châu Đại Dương như Australia và New Zealand. 70% còn lại thuộc về châu Á. Có thể nói từ trước đến nay châu Á vẫn là điểm đến ưa thích nhất của người Ấn Độ, có lẽ vì gần gũi về mặt địa lý và có sự tương đồng văn hóa, trong đó Đông Nam Á chính là tâm điểm hút khách hàng đầu.

CƠ HỘI CHO DU LỊCH ĐÔNG NAM Á

Năm 2019, ba điểm đến phổ biến nhất với người Ấn Độ là Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Sau khi mở cửa du lịch trở lại sau đại dịch, dòng du khách từ Ấn Độ lại tấp nập và lần này nổi lên những cái tên mới đáng chú ý với sự tăng trưởng gần như không thể tin được. "Chúng tôi thấy ngày càng nhiều người Ấn Độ đến Singapore. Trước đó họ đón khách du lịch Ấn Độ rồi nhưng quy mô thế này thì chưa từng có".

Châu Á vẫn là điểm đến ưa thích nhất của người Ấn Độ, trong đó Đông Nam Á chính là tâm điểm hút khách hàng đầu.
Châu Á vẫn là điểm đến ưa thích nhất của người Ấn Độ, trong đó Đông Nam Á chính là tâm điểm hút khách hàng đầu.

Mới đây nhất, Thái Lan thông báo sẽ miễn thị thực cho du khách đến từ Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) từ tháng 11/2023 - 5/2024 nhằm thu hút thêm khách du lịch khi mùa cao điểm đến gần. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết những người đến từ Ấn Độ và Đài Loan có thể vào Thái Lan trong vòng 30 ngày mà không cần thị thực.

Với hơn 1,4 tỉ dân, Ấn Độ là thị trường Việt Nam cũng đang nhắm đến. “Việc linh hoạt xác định các thị trường trọng điểm là điều rất quan trọng đối với ngành du lịch. Đặc biệt là thị trường Ấn Độ còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển”, TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (ITDR) phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp thu hút khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” hồi tháng 9 vừa qua.

Bà Thanh Hoa phân tích thị trường Ấn Độ có những đặc điểm riêng về văn hóa, sở thích, thị hiếu… “Chúng tôi đã tổ chức khảo sát các điểm đến thu hút khách Ấn Độ như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Qua chia sẻ, trao đổi với các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý, chúng tôi ghi nhận rất nhiều bất cập về nhân lực, sản phẩm, phương thức tiếp cận thị trường”.

Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thu Hằng, Phó phòng Nghiệp vụ Hanoitourist, cho rằng Ấn Độ tăng trưởng quá nhanh nhưng chưa có đủ thông tin về Việt Nam, khách khó chọn điểm đến do thấy nơi nào cũng đẹp. “Hiện các công ty lữ hành có gì bán nấy, chưa có định hướng rõ ràng về sản phẩm. Đó là lý do doanh nghiệp nhận hàng loạt yêu cầu nhưng khách không thể chốt đi đâu”, bà Hằng nói và chỉ ra rằng hệ thống nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường mục tiêu trung hạn này.

Với ngành du lịch Việt Nam, thị trường Ấn Độ còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Với ngành du lịch Việt Nam, thị trường Ấn Độ còn nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam, khẳng định khách Ấn Độ “vô cùng khó tính, vô cùng tiềm năng”. Với kinh nghiệm khai thác thị trường này vài năm trở lại đây, ông Tuyên đánh giá đội ngũ sales và marketing ban đầu gặp rất nhiều thách thức do khác biệt văn hóa.

Do đó, doanh nghiệp này đề xuất ITDR có thể thông qua “Nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam” để lập ra đề án mới nhằm xây dựng cẩm nang hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; xây dựng hệ thống dữ liệu về nhà hàng và khách sạn phục vụ khách Ấn Độ, nghiên cứu văn hóa Ấn Độ theo vùng miền để xác định những điểm đến tiềm năng của Việt Nam…

Đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng đề nghị cần có giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng cách tiếp cận thị trường, phát triển nguồn nhân lực; liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch với các đơn vị cung cấp sản phẩm, giữa các quốc gia trong khu vực để tạo nên những sản phẩm "3 quốc gia (hay 5 quốc gia) 1 điểm đến" dành cho khách Ấn Độ.