21:49 19/03/2024

Thêm một nhà mạng có băng tần cho 5G

Phan Anh

Cùng với Viettel, đến nay VNPT là nhà mạng thứ 2 đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần dành cho 5G...

VNPT đã đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 3700– 3800 MHz cho 5G chiều ngày 19/3/2024.
VNPT đã đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 3700– 3800 MHz cho 5G chiều ngày 19/3/2024.

Chiều ngày 19/3/2024, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) cho 15 năm sử dụng với giá khởi điểm 1.956 tỷ đồng.

Sau 17 vòng đấu giá, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700MHz- 3800MHz) cho mạng 5G.

VIETTEL VÀ VNPT CÓ BĂNG TẦN CHO 5G

Trong thông báo phát ra chiều tối ngày 10/3, đại diện VNPT khẳng định, việc trúng đấu giá khối băng tần C2 có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép nhà mạng có nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G  (Vinaphone) tốc độ cao nhất tại Việt Nam.

Cùng với dải băng tần 3.700- 3.800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1.800 MHz. Đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.

Băng tần 3700-3800 MHz là dải băng tần tầm trung đang được nhiều nhà mạng lớn trên thế giới tìm kiếm và sử dụng nhờ lợi thế về băng thông lớn, tốc độ mạnh, đỗ trễ thấp cùng chi phí đầu tư hiệu quả, đáp ứng được các mạng lưới 5G tiên tiến nhất hiện nay.

Thêm một nhà mạng có băng tần cho 5G - Ảnh 1

Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết đấu giá băng tần là bước đầu theo quy định của Nhà nước về việc triển khai 5G tại Việt Nam. Sau khi trúng đấu giá băng tần 3.700- 3.800 MHz, VNPT sẽ tích cực chuẩn bị để có thể sớm triển khai thương mại hóa 5G thành công.

Để tăng cường hiệu quả triển khai 5G, VNPT sẽ triển khai mô hình hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng băng tần 3800-3900 MHz trong lần đấu giá lại sắp tới. Việc hợp tác này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực của các nhà mạng mà còn đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất với dịch vụ 5G.

Trong thời gian qua, VNPT đã có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và bài bản chiến lược phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số để có thể phát huy tối đa sức mạnh của 5G. Tập đoàn VNPT ưu tiên việc phát triển hạ tầng mạng 5G theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất mà vẫn tối ưu chi phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Thêm một nhà mạng có băng tần cho 5G - Ảnh 2

Như vậy, đến nay, đã có 2 khối băng tần cho 5G được tổ chức đấu giá thành công  gồm B1 (2.500- 2.600 MHz) và C2 (3700-3800 MHz).

Băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo (cho 4G và 5G). Băng tần 3700-3900MHz được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) và các phiên bản tiếp theo.

Tại phiên đấu giá khối “băng tần vàng” B1 (2500-2600 MHz) chiều 8/3/2024, Tập đoàn Viettel đã trúng đấu giá. Theo đại diện Viettel, băng tần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là băng tần hiệu quả để nhà mạng triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz).

Việc trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết để Viettel đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G. Bên cạnh đó, đây còn là lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

SẼ XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ĐẤU GIÁ LẠI KHỐI BĂNG TẦN C3 VÀO THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP

Với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), cuộc đấu giá ngày 14/3 đã không thành do không có đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định.

Thông báo ngày 18/3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc công khai thông tin về cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), cho biết sau cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần C3.

 
Sau cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần C2 (3700-3800 MHz), Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần C3.

"Giá khởi điểm khối băng tần C3 sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá", thông báo của Bộ nêu rõ.

Theo các chuyên gia, hiện, băng tần 5G trên thế giới đang được chia làm 4 nhóm gồm băng tần thấp (dưới 1.000 MHz), băng tần tầm trung 1 (1.000- 2.600 MHz) và tầm trung 2 (3.500- 7.000 MHz), cuối cùng là băng tần tầm cao (24.000- 48.000MHz).

Các dải băng tần đều có các ưu điểm, nhược điểm khác nhau đối với nhà mạng trong quá trình tổ chức đầu tư các hệ thống kỹ thuật 5G và tối ưu hóa chi phí. Thông thường chi phí tần số, chi phí đầu tư càng thấp thì nhà mạng sẽ có điều kiện cung cấp dịch vụ với mức giá hấp dẫn hơn cho khách hàng.

Theo Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), băng tần có tần số càng cao sẽ có băng thông lớn, tốc độ mạnh, độ trễ thấp và dung lượng cao hơn các băng tần thấp.

Thống kê năm 2023 của tổ chức GSA (Global mobile Supplies Association) cho thấy, số lượng thiết bị đầu cuối 5G hỗ trợ các băng tần tầm trung 2 ( từ 3.700 MHz) hiện đang tương đương số lượng thiết bị hỗ trợ băng tần trung 1 (dưới 2.600 Mhz). Việc các nhà mạng ở Việt nam triển khai 5G ở tần số 3700-3900 MHz sẽ mang lại thêm nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng về máy điện thoại/thiết bị đầu cuối.

Còn theo báo cáo năm 2023của GSMA, hiện các loại băng tần tầm trung 2 (bao gồm khoảng băng tần 3.700- 3.900 Mhz) đang có 152 nhà mạng sử dụng. Điều này cho thấy mức độ phổ biến và lợi thế của dải băng tần 3.700- 3.900 Mhz trong việc phát triển lên mạng lưới 5G thời gian tới.

Các dự báo cho thấy, đến năm 2030, 5G đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3- 7,4%.

Đại diện một nhà mạng chia sẻ, việc trúng đấu giá băng tần 5G mới là điều kiện cần để phục vụ nhu cầu của khách hàng và người dân. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ cạnh tranh mang lại lợi ích cho khách hàng thông qua triển khai hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số, các ứng dụng quản lý và điều hành sản xuất cho các doanh nghiệp, dịch vụ truy cập internet không dây tốc độ cao thay thế cáp quang…

Không chỉ vậy, các nhà mạng còn cần tối ưu chi phí đầu tư, chi phí tần số để cung cấp dịch vụ mới với giá thành tốt hơn, cạnh tranh hơn.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm chín muồi để triển khai 5G ở Việt Nam. Chia sẻ với báo chí mới đây, đại diện một nhà mạng khẳng định năm 2024 chắc chắn sẽ triển khai làm 5G. Tuy nhiên, khó khăn trong làm 5G không phải ở việc đấu giá tần số, xây dựng, triển khai mạng lưới hay công nghệ…, mà là bài toán kinh doanh 5G.