06:00 27/10/2022

Thêm quy định để chặn sở hữu chéo, ngăn cổ đông lớn thao túng ngân hàng

Để tăng cường chất lượng quản trị, điều hành tổ chức tín dụng, một số quy định của Luật Các tổ chức tín dụng cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo rà soát, nghiên cứu Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 và định hướng những nội dung chỉnh sửa Luật các Tổ chức tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 đã giúp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Luật đã nâng cao năng lực quản trị, điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, cảnh báo sớm, can thiệp sớm với các tổ chức tín dụng yếu kém. Đồng thời, bổ sung việc quy định cụ thể việc xây dựng, phê duyệt phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, điều kiện áp dụng, nội dung phương án, biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án.

Mặt khác, luật cũng bổ sung quy định về biện pháp can thiệp sớm để kiểm soát tổ chức tín dụng có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt; hoàn thiện quy định về chuyển giao bắt buộc, phá sản các tổ chức tín dụng yếu kém, quy định cụ thể về trường hợp, trình tự, thủ tục phê duyệt, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, phá sản...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cũng phát hiện còn nhiều bất cập cần xem xét, sửa đổi để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo...

Theo đó, định hướng những nội dung chỉnh sửa Luật các Tổ chức tín dụng tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ bổ sung nhiều quy định để nâng cao tính an toàn hệ thống cũng như tăng các chế tài liên quan đến tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, cơ quan này dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của tổ chức tín dụng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức quản trị, điều hành của Quỹ tín dụng nhân dân.

Về các vấn đề về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện: Giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng và nghiên cứu, rà soát về các tỷ lệ an toàn khác trong hoạt động của tổ chức tín dụng cổ phần; sửa đổi, bổ sung quy định về không cùng đảm nhiệm chức vụ của người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô...

Về tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ sửa đổi một số quy định về cơ cấu lại tổ chức tín dụng cho phù hợp với thực tiễn triển khai thi hành quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc; biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được áp dụng can thiệp sớm...

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ bổ sung một số quy định mới. Trong đó nổi bật là cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ thanh tra, giám sát trước các rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém là vấn đề khó khăn, phức tạp và gây ra rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

 

Trong báo cáo gửi lên Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã được khắc phục.

Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn tại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp). Cụ thể, tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) tại Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát-Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,05%.