Thị trường cần xác định nhóm ngành dẫn dắt mới
Trong ngắn hạn, VN-Index tiếp tục xu hướng tích lũy để hút thêm lực cầu cũng như xác nhận một dòng dẫn dắt mới...
VnEconomy giới thiệu nhận định và khuyến nghị đầu tư của một số công ty chứng khoán về diễn biến thị trường tuần từ 12-16/7/2021.
Phiên giao dịch cuối tuần (9/7), chỉ số VnIndex giarm 27,54 điểm – tương đương 2%, đóng cửa ở mức 1.347,14 điểm. Như vậy, chỉ số VN-Index giảm 5,1% tính chung cả tuần, chạm mức thấp nhất trong 1 tháng qua. Còn trên sàn HNX, chỉ số Hnx-Index kết thúc tuần giao dịch này tại mức 306,73 điểm – giảm 9,25 điểm, tương đương 2,93%.
Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy yếu
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC)
"Thị trường điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng nhưng giảm mạnh trong phiên chiều. Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy yếu khi chỉ có đúng 1/19 nhóm ngành vận động khả quan. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh trên cả sàn HSX. Thanh khoản thị trường tăng trở lại và độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Với xu hướng như trên, VN-Index có thể vận động trong vùng 1320 -1380 điểm trong tuần tới".
Quá trình thăm do cung cầu vẫn chưa ngã ngũ, nhà đầu tư tạm thời đề phòng rủi ro
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)
"Sau phiên phục hồi, VN-Index lùi bước trở lại với sự thận trọng và thăm dò của cả cung và cầu. Quá trình thăm dò này chưa ngã ngũ và có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian gần tới. Tuy nhiên, cần lưu ý ảnh hưởng tiêu cực từ phiên sụt giảm mạnh vẫn còn. Do vậy, Quý nhà đầu tư cần quan sát động thái thăm dò của thị trường và tạm thời vẫn nên đề phòng rủi ro.".
Thị trường cần xác định nhóm ngành dẫn dắt mới
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI)
"VN-Index giảm 27,54 điểm tương ứng mức giảm 2% so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Thị trường hôm nay giao dịch nghiêng hoàn toàn về số mã đỏ. Tổng 3 sàn có 264 mã xanh so với 672 mã đỏ. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh thị trường phiên hôm nay đạt 23.457,6 tỷ đồng, ngang bằng so với mức bình quân. Khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 713,99 triệu cổ phiếu, vượt lên so với mức bình quân.
VN-Index xuất hiện cây nến giảm điểm lớn đi kèm thanh khoản gia tăng trở lại so với phiên hôm qua cho thấy nhà đầu tư đang không quá lạc quan với tình hình hiện tại. VN-Index có tín hiệu phục hồi khi chạm vùng hỗ trợ mạnh là vùng MA(50) ngày, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn kỳ vọng vẫn còn. Thị trường trong thời gian tới cần xác định một nhóm ngành dẫn dắt mới kỳ vọng có thể tạo động lực giúp tăng giá trở lại. Trong ngắn hạn, VN-Index kỳ vọng tích lũy sideway trong vùng biên độ 1350 – 1375 điểm để hút thêm lực cầu. Thị trường chỉ quay trở lại xu hướng tăng giá nếu vượt qua được vùng giá trị 1400 - 1410 điểm.
Chúng tôi vẫn dự báo thị trường tăng điểm trong trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index tiếp tục xu hướng tích lũy để hút thêm lực cầu cũng như xác nhận một dòng dẫn dắt mới”.
VN-Index vẫn đang nằm trong nhịp điều chỉnh
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt - VCSC)
“Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của tất cả các chỉ số chứng khoán chuyển về Tiêu cực. Trong khi đó, với việc đóng cửa dưới MA50, HNXIndex, VNMidcap và VNSmallcap là những chỉ số đầu tiên đánh mất tín hiệu Tích cực của xu hướng trung hạn.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, quán tính giảm điểm sẽ khiến cho VN-Index xuất hiện nhịp giảm đầu ngày để kiểm định hỗ trợ của đường MA50 tại vùng 1325-1330 điểm. Lực cầu giá thấp từ vùng hỗ trợ có thể sẽ mạnh lên sau đó để tạo sự giằng co với áp lực bán ra. Sự phản kháng này có thể giúp cho VN-Index hồi phục về phía cuối ngày, thậm chí có thể đóng cửa với mức tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên, khi mà kháng cự tại 1380 điểm chưa được chinh phục lại, VN-Index vẫn đang nằm trong nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn. Thậm chí trong kịch bản xấu, VN-Index đóng cửa dưới đường MA50 tại 1330 điểm, một nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường có thể sẽ xuất hiện với các mục tiêu lần lượt tại 1260 điểm (MA100) hoặc 1160 điểm (MA200).”.
Tín hiệu tiêu cực vẫn còn
(Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI - SSI)
“Thị trường tiếp tục có phiên giao dịch tiêu cực khi VN-Index biến động mạnh dưới vùng tham chiếu và lực bán tập trung mạnh vào phiên chiều. Chốt phiên, chỉ số VNIndex mất 2% so với phiên trước với áp lực trên diện rộng khiến các chỉ số VN30, VNMidcap và VNSmallcap đều đi xuống khá mạnh và mất lần lượt 1.76%, 2.00% và 2.06%. Ngoài ra, khối lượng giao dịch tăng cũng bật tăng trở lại và vượt đường trung bình 50 ngày nhưng lại chưa đủ mạnh để cho thấy lực mua áp đảo lực bán nên tín hiệu tiêu cực vẫn còn.
VN-Index giảm điểm mạnh nhưng cây nến của phiên giao dịch cuối tuần vẫn nằm trong biểu đồ nến Harami của ngày 07/07/2021. Vì vậy, để quay trở lại xu hướng tăng chỉ số VN-Index cần vượt qua được mốc 1.389 (biên trên của biểu đồ nến Harami) đi kèm với khối lượng giao dịch tăng tăng lên tiệm cận đường trung bình 50 ngày. Ngược lại, nếu chỉ số VNIndex phá vỡ mốc 1.334 (cận dưới của biểu đồ nến Harami) thì nhiều khả năng chỉ số này sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn với mục tiêu tại vùng 1.320 - 1.300 điểm”.
Ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin
(Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS)
“Thị trường chứng khoán trong nước giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong chuỗi giảm 4/5 phiên trong tuần này khi lượng hàng bắt đáy phiên giảm mạnh ngày 6/7 về tài khoản giảm thêm. Tuy vậy tín hiệu tích cực là khối ngoại mua ròng mạnh và thị trường cũng bật trở lại khi về ngưỡng hỗ trợ là mức đáy ở phiên tăng 7/7. Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 27,54 điểm xuống 1.347,14 điểm, trong đó chỉ số VN30 giảm 26,78 điểm còn 1.494,43 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 77 mã tăng/306 mã giảm, ở rổ VN30 có 1 mã tăng, 28 mã giảm và 1 mã giữ tham chiếu.
Thanh khoản thị trường đã hạ nhiệt tuy nhiên vẫn giữ ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 25.710 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi họ tiếp tục mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 790 tỷ đồng.
Thị trường có tuần giảm điểm sau 3 tuần tăng liên tiếp, áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới cùng hoạt động bắt đáy vòng đầu tiên không thành công đã khiến thị trường có phiên giảm mạnh thứ 2 trong tuần. Tín hiệu tích cực lúc này là khối ngoại mua ròng trong đó có hoạt động giải ngân của các quỹ ETF, bên cạnh đó thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao và chỉ số đang có ngưỡng hỗ trợ ở khu vực MA50. Tuy vậy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được VnEconomy trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.