Vương quốc Anh muốn tạo ra một hệ sinh thái thời trang tuần hoàn
Với những cơ hội và cả thách thức, Hội đồng Thời trang Anh (BFC) muốn đưa Vương quốc Anh trở thành nước dẫn đầu trong các nền kinh tế tuần hoàn, và họ đã đề ra một lộ trình để đạt được điều đó…
Trong một báo cáo mới được công bố ngày 10/11, BFC đã vạch ra tầm nhìn của mình đối với hệ sinh thái thời trang tuần hoàn như để minh chứng cho ngành công nghiệp thời trang trong tương lai và hướng dẫn các thành viên hướng tới sự bền vững.
Theo Vogue Business, báo cáo được biên soạn với sự hợp tác của Circle Economy - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Amsterdam, đã thực hiện các dự án tương tự từ Amsterdam và Philadelphia đến São Paulo và Cape Town, nhằm tăng gấp đôi tính phổ biến của thời trang tuần hoàn vào năm 2032.
Kế hoạch là Anh sẽ phát triển hệ sinh thái thời trang tuần hoàn thông qua các cuộc hội thảo với ngành công nghiệp các bên liên quan, chia sẻ kiến thức và mở rộng quy mô thí điểm, và làm việc với chính quyền địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ bắt đầu ở London và Leeds, đưa khái niệm “Kinh tế học bánh donut” lên cấp thành phố và mở rộng quy mô kinh doanh thời trang tuần hoàn để biến nó thành hiện thực. Sau đó, mô hình có thể được áp dụng cho các thành phố khác của Vương quốc Anh và hơn thế nữa trên toàn cầu.
Giai đoạn đầu tiên của công việc, Institute for Positive Fashion (IPF) đã vạch ra 10 lĩnh vực hành động ưu tiên để có thể thực hiện chuyển đổi, mở rộng trên ba mục tiêu lớn là tối đa hóa việc lưu thông sản phẩm, giảm khối lượng quần áo mới cũng như các phương pháp phân loại và thu hồi nguyên liệu được tối ưu hóa.
Giám đốc điều hành Caroline Rush của BFC cho biết, các lĩnh vực hành động - bao gồm trao quyền cho người tiêu dùng, đầu tư đổi mới và hệ sinh thái sau sử dụng - nghe có vẻ rộng, nhưng đó là bởi mỗi thành phố có nhu cầu khác nhau. Các hội thảo và thí điểm trong tương lai sẽ bổ sung chi tiết về cách đạt được điều này và chính xác nó đòi hỏi những gì.
Để khắc phục tác hại của ngành thời trang, thời gian gần đây, nhiều tổ chức trên thế giới đã đề ra hàng loạt chiến lược giải quyết vấn đề môi trường và kích thích sự đổi mới ngành hàng dệt may bền vững. Nổi bật là những phát minh đề cao tính Eco của thời trang hữu cơ: Sản xuất vải từ vật liệu thiên nhiên, thuốc nhuộm từ trái cây, tái chế quần áo từ rác thải bã cà phê,… hay EU có nhãn Ecolabel áp dụng cho những mặt hàng của các nhà sản xuất đảm bảo tiêu chí sinh thái, đảm bảo hạn chế sử dụng chất độc hại và giảm ô nhiễm nước và không khí.
Với nhận thức này, các thương hiệu cũng không đứng ngoài cuộc đua bảo vệ trái đất xanh khi hướng tới sản xuất quần áo thân thiện với môi trường, trong đó có nhiều thương hiệu của Anh. Nếu như Stella McCartney và Chopova Lowena là hai trong số thương hiệu đang đi tiên phong với một loạt các vật liệu hữu cơ, các chính sách lưu thông và các cam kết chống phá rừng, thì Gucci, Vivienne Westwood và Marine Serre lại dành sự quan tâm thực tế đến khí hậu. Gucci hoạt động hiệu quả trong việc giảm phát thải khí nhà kính Marine Serre và thúc đẩy sự “xanh hóa” trong quá trình sản xuất hàng dệt may...
Nổi bật nhất, công ty công nghệ sinh học MycoWorks (Anh) đã phát hiện ra một phương pháp mang tính cách mạng để thu hoạch thể sợi (mycelium) từ nấm làm vải. Evolved by Nature thì có phát minh tơ hoạt tính sử dụng protein trong tơ tằm tự nhiên để mô phỏng cấu trúc, đặc tính liên kết của các loại vải khác nhau; có tính ứng dụng và khả năng tái chế cũng như phân hủy cao, đã tạo ra mọi chất liệu may mặc chỉ bằng tơ tằm và hóa chất.
Nhưng trên thực tế, thúc đẩy việc phát triển thời trang bền vững không phải trách nhiệm của riêng các thương hiệu, của các nhà thiết kế mà cần thay đổi từ chính những người tiêu dùng. Bởi thời trang hữu cơ không chỉ là hương vị của tầng lớp giàu có, mà dành cho tất cả những ai hiểu được tầm quan trọng của sự bền vững. Ngày nay, khách hàng đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ bản thân khỏi tác động của hóa chất. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, khi biến đổi khí hậu ngày càng cao và mức thu nhập ngày càng tăng, người tiêu dùng đã có ý thức sẵn sàng trả giá phù hợp cho quần áo hữu cơ.
Tất nhiên, trang phục hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên sẽ đắt hơn thời trang nhanh, nhưng tuổi thọ của chúng cũng cao hơn, do đó người tiêu dùng có thể cân nhắc mua ít những sản phẩm eco-fashion thay vì quá nhiều fast fashion có tuổi thọ không cao.
Tín hiệu đáng mừng là trong khi các hãng thời trang đang nỗ lực thúc đẩy các vòng tuần hoàn của thời trang tái chế, nhiều khách hàng đã tích cực tham gia vào hoạt động thu lại quần áo cũ đổi điểm. Thay vì những bộ đồ của hãng sẽ thải ra bãi rác công nghiệp thì được khách hàng thu gom lại để nhận điểm tích lũy mua hàng hoặc quà tặng của các nhà mốt.
Ở Leeds - nơi có lịch sử công nghiệp phong phú - các sáng kiến tuần hoàn hiện tập trung vào việc tái sử dụng quần áo còn tại London, thời trang tuần hoàn đã bắt đầu với hình thức cho thuê, bán lại. Trong khi EU và Mỹ đang chuyển sang nhiều giai đoạn tiếp theo để cân bằng tác động môi trường và tính kinh tế, bất ổn chính trị ở Anh - bao gồm cả Brexit và thay ba thủ tướng trong nhiều tháng - đã làm chậm lại tiến độ. Bà Rush nói: “Nếu chúng ta không thích ứng ngay bây giờ, chính phủ sẽ phải vào cuộc mạnh mẽ hơn với các quy định. Nếu muốn thấy ngành công nghiệp dẫn đầu, chính phủ cần đóng vai trò của mình”.