16:58 25/01/2022

Thị trường khách sạn TP.HCM nhiều tín hiệu khởi sắc trong năm 2022

Mộc Minh

Cùng với sự hồi phục của du lịch, nguồn cung khách sạn tại TP.HCM đã tăng trở lại. Mức giá trung bình đã tăng 21% so với quý trước, lên mức gần 1,4 triệu đồng/phòng/đêm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, giá phòng đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước do các khách sạn 5 sao phải giảm giá phòng để phục vụ khách trong nước và khách sạn 3 sao cắt giảm dịch vụ ăn uống do thiếu lao động.…

DẦN HỒI SINH?

Công suất phòng khách sạn cho thuê bình quân đạt 20%, dù giảm 36 điểm phần trăm theo quý, nhưng ổn định theo năm, do sự sụt giảm nhu cầu lưu trú từ các doanh nghiệp khi không còn phải thực hiện chỉ thị “03 tại chỗ” và “01 cung đường 02 điểm đến” như trước nữa.

Phân khúc khách sạn 4 sao đạt công suất cao nhất với 28% nhờ giá phòng phải chăng và dịch vụ chất lượng, thu hút được khách đi công tác.

Khách sạn cách ly có tình hình hoạt động tốt hơn khi Việt Nam khôi phục lại đường bay quốc tế đón khách hồi hương và chuyên gia quốc tế. Công suất trung bình đạt 44%, tăng 06 điểm phần trăm theo quý, còn giá phòng tăng 18% theo quý lên 1,6 triệu đồng/phòng/đêm.

Chiến lược “chung sống an toàn với Covid-19” đã giúp du lịch nội địa khả quan. Về triển vọng du lịch quốc tế, Tổng Cục Hàng Không Việt Nam đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường xuyên; khách nhập cảnh vẫn phải thực hiện cách ly (trong 3 ngày) và tuân thủ các quy định chống dịch nghiêm ngặt.

Cùng với sự hồi phục của du lịch, nguồn cung khách sạn tại TP.HCM đã tăng trở lại trong quý 4/2021, với mức tăng 39% so với quý trước, đạt 14.470 phòng đến từ 104 dự án.

Khách sạn hạng 5 sao chiếm lĩnh nguồn cung với 47% thị phần, theo sau là 4 sao với 27% và 3 sao là 26%. Có 14 dự án tạm ngưng hoạt động; trong đó có 13 dự án đến từ hạng 3 sao do nhu cầu giảm đáng kể.

Dự kiến đến năm 2025, sẽ có 6 dự án mới cung cấp 3.300 phòng được kỳ vọng gia nhập thị trường. Trong đó, phân khúc 5 sao có 09 dự án. Khu vực trung tâm là điểm đến chính để phát triển khách sạn, chiếm 67% nguồn cung tương lai.

THÍCH ỨNG NHỜ CÔNG NGHỆ

Theo Sở Du lịch TP.HCM, thành phố đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu đi, thành phố có thể vẫn chào đón khách du lịch quốc tế thông qua chương trình “Hộ chiếu vaccine”.

Những người trẻ có xu hướng thanh toán trực tuyến khi đi du lịch, cho thấy nhu cầu phát triển nền tảng công nghệ để kết nối với đối tượng khách này. Du lịch bền vững dần trở thành xu thế mới khi ngày càng nhiều người ưa thích các hoạt động ngoài trời và trải nghiệm địa phương đích thực.

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Savills TP.HCM, sự hồi phục của du lịch trong nước và quốc tế sẽ thổi luồng sinh khí mới vào thị trường khách sạn trong năm 2022. Các khách sạn cần nhanh chóng đổi mới để bắt kịp với những thay đổi trong thị hiếu của du khách sau đại dịch như xu hướng du lịch bền vững và ứng dụng nền tảng công nghệ.

Đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và thích ứng với tình hình mới, khách sạn Wink Hotels đã áp dụng mô hình khách sạn thông minh cho phép khách được nhận phòng bất kỳ thời điểm nào và tính theo 24h, không ràng buộc phải check-out trước 12h giờ trưa như truyền thống.

Đại diện Wink Hotels cho biết nhờ công nghệ mà các chương trình thẻ hội viên cũng rất đa năng, như khách có thể tích hợp quyền lợi với các đối tác của cơ sở lưu trú như giảm giá bữa ăn, gọi xe công nghệ...

Nhằm tăng cường tối đa giao tiếp không chạm giữa khách và nhân viên, tại Alma Resort đã nâng cấp ứng dụng di động, cho phép khách thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt...

Ông Nguyễn Hữu Nam Phương, Giám đốc Kinh doanh Tiếp thị khách sạn Majetic, cho biết dịch bệnh xuất hiện đã khiến khách sạn phải thay đổi để thích ứng. Đa số khách sạn phải chuyển sang ứng dụng công nghệ số trong việc đặt phòng khách sạn, ẩm thực...

Độ phủ sóng vaccine rộng rãi thúc đẩy nhu cầu du lịch quay trở lại, cũng như giúp ngành khách sạn “hồi sinh”. Theo báo cáo “Travel in 2021” của Visa, những du khách thuộc thế hệ Millennial và Gen Z sẽ dẫn dắt đà phục hồi du lịch vì sẵn sàng du lịch ngay khi dịch bệnh được kiểm soát hơn so với các thế hệ trước.