11:49 10/08/2009

Thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi

Quỳnh Lam

Thông số nhân lực trực tuyến quý 2/2009 của VietnamWork.com cho thấy chỉ số cầu nhân lực có xu hướng tăng mạnh

Bán hàng có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất - Ảnh minh họa.
Bán hàng có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất - Ảnh minh họa.
VietnamWork.com, nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam vừa công bố bản Báo cáo thông số nhân lực trực tuyến quý 2/2009. Bản báo cáo cho thấy nhu cầu nhân lực trực tuyến có xu hướng tăng, đồng nghĩa rằng thị trường lao động có dấu hiệu hồi phục.

 Cầu vượt xa cung

Theo Bản báo cáo thông số nhân lực trực tuyến quý 2/2009 của VietnamWork.com, chỉ số cầu nhân lực trực tuyến của 34 ngành nghề trong tổng số 50 ngành nghề trong quý 2/2009 tăng 36,8% so với quý 1/2009.

Trong đó, nhu cầu nhân lực chứng khoán tăng cao nhất, tăng 200% so với quý trước. Tuy nhiên, chỉ số cầu của ngành này lại khá thấp so với chỉ số cầu của các ngành khác trong nửa đầu năm 2009. Ngược lại, công nghệ thông tin lại đang có mức tăng thấp nhất trong số những ngành nghề có chỉ số cầu tăng trong quý 2/2009.

Trong số những ngành nghề có chỉ số cầu cao nhất trong quý 2/2009 thì bán hàng, sản xuất và tiếp thị có khoảng cách cung-cầu ngắn nhất.

Cụ thể, chỉ số cầu nhân lực trực tuyến của nghề bán hàng  tăng 52,4% so với quý 1/2009 trong khi chỉ số cung nhân lực trực tuyến chỉ tăng 10,4%. Chỉ số cầu nhân lực trực tuyến của ngành sản xuất tăng 36,4% so với quý 1/2009 nhưng chỉ số cung lại giảm 5,9% so với quý trước. Đặc biệt, chỉ số cầu nhân lực trực tuyến ngành tiếp thị tăng 54,5%, cao hơn nhiều so với chỉ số cung chỉ tăng 7.1%. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong ngành tiếp thị rất lớn.

Ông Chris Harvey, Giám đốc điều hành VietnamWorks.com cho biết, chỉ số cung-cầu nhân lực trực tuyến trong quý 2/2009 phản ánh cán cân quyết định trên thị trường lao động vẫn nghiêng về phía nhà tuyển dụng vì họ đang có nguồn cung nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, chỉ số cầu nhân lực tăng nhanh hơn so với chỉ số cung, cho thấy thị trường lao động có dấu hiệu hồi phục.

 Mặc dù chỉ số cầu nhân lực trực tuyến tăng mạnh và đang bỏ xa cung nhưng so với quý 1/2009 thì chỉ số cung nhân lực trực tuyến trong quý 2/2009 cũng tiếp tục xu hướng đi lên và tăng 9.2%.

So với quý trước, chỉ số cung nhân lực của 26 ngành nghề tăng, 12 ngành nghề không thay đổi và 12 ngành nghề còn lại chỉ số cung nhân lực trực tuyến có chiều hướng giảm.

Các chuyện gia trong lĩnh vực nhận sự nhận định, dù cầu nhân lực trực tuyến có dấu hiệu tăng, các nhà tuyển dụng vẫn nên thận trọng trong việc tuyển dụng nhân sự. Theo các chuyên gia thì hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi sự khắt khe trong các tiêu chuẩn tuyển dụng.

 Theo ông Chris Harvey, đây chính là thời điểm tích cực của thị trường lao động, giúp nhà tuyển dụng và ứng viên nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động tuyển dụng.

 Bán hàng, tài chính, thư ký, nhân sự đang “nóng”

 Theo bản báo cáo của Vietnam Work.com thì đang có một chút hoán vị nho nhỏ giữa các ngành nghề trong quý 2/2009.

 Dẫn đầu danh sách năm ngành nghề có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất đang là  kế toán/tài chính, hành chính/thư ký, kỹ thuật ứng dụng, bán hàng và công nghệ thông tin. Trong đó, bán hàng có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất và tăng 52.4% so với quý đầu năm 2009.

 Trong khi đó, ngành kế toán/tài chính cũng  đang dẫn đầu danh sách năm ngành nghề có chỉ số cung nhân lực trực tuyến cao nhất trong quý 2/2009, tăng 25.3% so với quý 1/2009. Tiếp theo là các ngành ngân hàng/đầu tư, hành chính/thư ký, kỹ thuật ứng dụng và nhân sự.

 Bản báo cáo cũng đưa ra được nhóm năm ngành nghề có mức cạnh tranh nhân lực cao nhất trong quý 2/2009 bao gồm hành chính/thư ký, dịch vụ khách hàng, mới tốt nghiệp/thực tập, xuất nhập khẩu và nhân sự. Trong số đó, hành chính/thư ký có chỉ số cạnh tranh nhân lực cao nhất, đạt 11,4 điểm.

Ngược lại, thời vụ/hợp đồng, dịch vụ an ninh, nông nghiệp/lâm nghiệp, pháp lý và chăm sóc sức khỏe/y tế là những ngành ít cạnh tranh nhất trong quý 2/2009.

Xét ở góc độ địa phương thì trong quý 2/2009, chỉ số cạnh tranh nhân lực tại hầu hết các địa phương đều có xu hướng tăng. Trong đó, Tp.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu top 10 địa phương có chỉ số cầu nhân lực trực tuyến cao nhất trong quý 2/2009, trong khi Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 10.

 Theo ông Chris Harvey, sự gia tăng nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề chủ chốt phần nào nói lên sự phục hồi của kinh tế. Khi nhu cầu của nhà tuyển dụng trong việc tìm kiếm nhân tài tăng, chứng tỏ họ đã vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hoặc đang nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi kinh tế hồi phục.