Thiết kế gói hỗ trợ người lao động từ nguồn dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Bộ Tài chính đang thiết kế gói hỗ trợ người lao động từ nguồn dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp để trình các cơ quan liên quan…
Theo Bộ Tài chính, năm 2021, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi 47.356 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động bị Covid-19; đã chi từ quỹ cho những đối tượng ảnh hưởng bởi Covid-19 là 30,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, số dư quỹ còn 59.357 tỷ đồng.
Hiện Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động từ nguồn kết dư này để trình với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội. Theo đó, gói hỗ trợ sẽ chi khoảng tầm 23.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
Báo cáo tình hình lao động, việc làm quý 2/2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối tháng 6 cũng ghi nhận tình trạng lao động mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động bị mất việc trong quý 2 năm nay là 217,8 nghìn người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ, và phần lớn tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương (khoảng 83,2 nghìn người), TP.HCM (khoảng 30,4 nghìn người), Bắc Ninh (khoảng 10,7 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 9,3 nghìn người)…
Các chính sách quy định về bảo hiểm thất nghiệp chỉ bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2009. Sau hơn 6 năm thực hiện, đến năm 2015 chế độ bảo hiểm thất nghiệp lại được áp dụng thống nhất theo Luật Việc làm năm 2013. Từ đó đến nay, bảo hiểm thất nghiệp được xem như một “chiếc phao cứu sinh”, giải quyết không ít khó khăn cho người lao động khi thất nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Luật Việc năm 2013 cũng quy định rất rõ về đối tượng, phạm vi cũng như việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Bản chất của chính sách này là công cụ để góp phần quản trị thị trường lao động và là bà đỡ cho thị trường lao động.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam những năm gần đây, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và đang từng bước hoàn thiện phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là tạo điều kiện để mọi người lao động tham gia, thụ hưởng chính sách vừa mang tính chia sẻ, vừa mang tính đóng - hưởng của người lao động.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hoạt động rất cố gắng, tuy nhiên cũng còn nhiều điểm phải điều chỉnh để thời gian tới, bảo hiểm thất nghiệp thực chất phải là bà đỡ cho thị trường lao động, phải xử lý làm sao để khi người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn thì phải dùng chính sách này để hỗ trợ.
Đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề nghiệp, miễn giảm chi phí hỗ trợ từ các nguồn kết dư khi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư cao.
Vừa qua trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nước ta, việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được triển khai nhanh chóng.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021), tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 35.873.422 người lao động, người dân; 394.445 đơn vị sử dụng lao động và 508.391 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.662,502 tỷ đồng, trong đó Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ cho 11.816.380 người lao động với số tiền là 5.598,43 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền đã hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động là hơn 41.046 tỷ đồng.
Cụ thể, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả cho hơn 13,3 triệu người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với số tiền hơn 31.836 tỷ đồng. Cùng với đó, hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 347 nghìn đơn vị sử dụng lao động với số tiền là hơn 9.210 tỷ đồng.