14:30 14/04/2011

Thiếu nguồn cung, giá hồ tiêu tăng vùn vụt

Chu Khôi

Quý 1 xuất khẩu hồ tiêu giảm 11% về lượng nhưng kim ngạch lại tăng 44% tương đương với 37,6 triệu USD

Vụ tiêu năm nay sẽ kết thúc vào cuối tháng 4 nhưng nhu cầu tiêu thụ tiêu trên thế giới bắt đầu tăng từ quý 2.
Vụ tiêu năm nay sẽ kết thúc vào cuối tháng 4 nhưng nhu cầu tiêu thụ tiêu trên thế giới bắt đầu tăng từ quý 2.
Hiện giá tiêu đen trên 100.000 đồng/kg, tiêu trắng đạt 160.000 – 170.000 đồng/kg nhưng theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), nhiều thương nhân Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua tiêu, càng làm cho giá hồ tiêu tăng mạnh.

Quý 1/2011, Việt Nam đã xuất khẩu được 25.128 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 123 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2010, lượng xuất khẩu giảm 3.097 tấn tương đương với 11%. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng 44% tương đương với 37,6 triệu USD.

Đặc biệt chỉ riêng trong tháng 3/2011, xuất khẩu hồ tiêu đạt 15.639 tấn chiếm 3/5 lượng xuất khẩu của cả quý. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen và tiêu trắng cũng tăng mạnh so với năm ngoái. Giá tiêu đen trung bình quý 1 đạt đạt 4.460 USD/tấn, tăng 159%, giá xuất khẩu tiêu trắng còn tăng hơn nữa, đạt 6.964 USD/tấn với tốc độ tăng giá kỷ lục, 176% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu gần 117.000 tấn tiêu, trị giá 421 triệu USD, tăng 20,3% về giá trị và giảm 13% về lượng so với năm 2009. Năm 2010, Việt Nam đứng đầu trong xuất khẩu tiêu chiếm 47% thị phần thế giới, tiếp đến là các nước: Indonesia chiếm 17,2%; Brazil chiếm 13,6%; Ấn Độ chiếm 7,4%; Malaysia chiếm 5,8%; Srilanka chiếm 4%...

Trên thị trường thế giới, giá hạt tiêu cũng đang tăng rất nóng. Vào ngày 22/3 giá tiêu còn ở mức 5.200 USD/tấn, thì đến nay đã đạt gần 5.800 USD/tấn và đang hướng tới ngưỡng 6.000 USD/tấn.

Báo cáo của Tổ chức Hạt tiêu Quốc tế (IPC) nhận định, nhu cầu hạt tiêu thế giới trong năm 2011 tăng 5% và sản lượng tại các nước trồng tiêu sụt giảm, nên dự kiến thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 35.000-40.000 tấn. Sản lượng hạt tiêu thế giới năm nay dự báo sẽ chỉ đạt 257.000 tấn, so với 290.700 năm ngoái. Dự trữ gối vụ còn lại khoảng 40.000 tấn, đưa tổng cung lên mức khoảng 297.000 tấn.

Trong số các quốc gia trồng tiêu nhiều nhất thế giới, chỉ có sản lượng của Việt Nam năm nay được đánh giá là ổn định, còn các nước như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Brazil giảm mạnh. Theo IPC dự báo, trong năm 2011, Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới về sản lượng thu hoạch hồ tiêu với 110 nghìn tấn, tiếp đến là các nước: Ấn Độ đạt 40 nghìn tấn; Trung Quốc đạt 30 nghìn tấn, Brazil đạt 30 nghìn tấn; Malaysia đạt 15 nghìn tấn; Srilanka đạt 12 nghìn tấn; Indonesia đạt 10 nghìn tấn.

Theo ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng VPA, giá tiêu trên thế giới tăng phần lớn do ảnh hưởng của quy luật cung-cầu. Năm nay sản lượng tiêu của Ấn Độ giảm nên các doanh nghiệp chế biến và phân phối hạt tiêu hiện chỉ còn cách mua tiêu của Việt Nam.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Tụng là khác với những năm trước khi đến vụ thu hoạch tiêu, người trồng tiêu thường bán ồ ạt nhưng 2 năm trở lại đây, người dân chỉ bán khi cần tiền và dự trữ để bán vào những tháng cuối năm với giá cao hơn. Qua kinh nghiệm nhiều năm và qua khuyến cáo của VPA, rất nhiều nông dân hiện nay đã “lên mạng” và nắm rất rõ về diễn biến thị trường chung của hồ tiêu. Do vậy, giá hồ tiêu luôn ở mức cao.

Theo VPA nhận định, vụ tiêu năm nay sẽ kết thúc vào cuối tháng 4 nhưng nhu cầu tiêu thụ tiêu thế giới bắt đầu tăng từ quý 2. Nhận định, nhiều khả năng giá tiêu trên thế giới sẽ lên tới mức 6.000 USD/tấn tiêu đen và 8.000 USD/tấn tiêu trắng (tiêu sọ) khi mùa vụ thu hoạch tiêu ở Việt Nam kết thúc.

Các vùng trồng tiêu ở Việt Nam đều đang thu hoạch ở giai đoạn cuối, sẽ kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 4/2011, nên nguồn hàng đưa ra thị trường không còn dồi dào. Cũng là lúc các nhà đầu cơ nhỏ, các thương lái, đại lý chuyển sang giai đoạn dự trữ nên giá tiêu đã liên tục tăng trưởng nóng từng ngày.

Nếu những năm trước loại tiêu lép nhà vườn rất khó bán thì năm nay cũng được thương lái, đại lý vào tận vườn hỏi mua liên tục với giá cao. Nông dân trồng tiêu hạch toán, 1ha tiêu cho sản lượng bình quân 2,5 tấn, thu 250 triệu đồng, trừ chi phí, người trồng tiêu lãi 100-150 triệu đồng/ha, cao kỷ lục từ trước đến nay.

Theo VPA, hiện tại vùng trồng tiêu lớn của Việt Nam là Tây Nguyên, nhất là vùng tiêu Chư Sê – Gia Lai, một số thương nhân người Trung Quốc hiện đang có mặt ở đây và họ đẩy mạnh thu mua tiêu mỗi ngày, chốt giá tại thời điểm giao với phương thức “tiền trao, cháo múc” càng làm cho giá hồ tiêu tăng mạnh. Còn các đại lý thu gom tiêu từ người dân rất khó khăn do nông dân vẫn đang găm hàng chờ giá lên.

VPA đã cảnh báo các doanh nghiệp hội viên cần cảnh giác trong việc ký các hợp đồng giao xa khi chân hàng trong kho vẫn chưa có. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng từ thời điểm trước Tết và giao trong tháng 3, tháng 4 chắc chắn bị lỗ lớn do giá tiêu trong nước hiện nay quá cao.