Thiếu tiền, Saudi Arabia công bố đại cải tổ nền kinh tế
Saudi Arabia đặt mục tiêu sớm giảm tỷ trọng đóng góp của nguồn thu từ dầu vào ngân sách từ 70% xuống 16%
Sau khoảng thời gian dài chống chọi với tình trạng nguồn thu ngân sách sụt giảm vì giá dầu ở mức quá thấp, trong ngày thứ Hai, chính phủ Saudi Arabia đã thông qua kế hoạch cải tổ toàn diện nền kinh tế, theo tin từ Wall Street Journal.
Hôm nay (25/4), Nhà vua Salman và Nội các chính phủ Saudi Arabia đã chính thức chấp thuận thực thi kế hoạch phát triển kinh tế theo định hướng mới, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ mang tên “Saudi Vision 2030”. Hội đồng kinh tế chính phủ Saudi Arabia, đại diện bởi Con trai vua Salman - Hoàng tử Mohammed bin Salman, sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai kế hoạch này.
Khi ngân sách đã thâm hụt trong thời gian quá lâu, chính phủ Saudi Arabia không còn cách nào ngoài việc phải tìm kiếm nguồn thu nhập mới. Saudi Arabia đặt mục tiêu sớm giảm tỷ trọng đóng góp của nguồn thu từ dầu vào ngân sách từ 70% xuống 16%.
Trong bài phỏng vấn với Wall Street Journal, hoàng tử Saudi Arabia, ông Mohammed bin Salman tự tin khẳng định: “Đến năm 2020, chúng tôi sẽ không còn cần đến nguồn thu từ dầu”. Ông cũng công bố kế hoạch sẽ bán 5% cổ phiếu của tập đoàn năng lượng nhà nước Saudi Arabian Oil ra công chúng.
Hoàng tử cho biết chính phủ sẽ không giảm mà chỉ tái cấu trúc lại chi tiêu công, và sẽ cố gắng bằng mọi cách không giảm trợ cấp đối với nhóm 30% người nghèo nhất của xã hội. Ngoài ra, ông nhấn mạnh các hoạt động cải tổ sẽ được thực hiện theo lộ trình để tránh gây sốc cho nền kinh tế.
Ông tuyên bố ông không muốn thế giới tiếp tục nhìn Saudi Arabia như một “đất nước khép kín” và chắc chắn Saudi Arabia sẽ mở cửa đón khách du lịch mang mọi quốc tịch và tôn giáo đến từ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, Saudi Arabia chỉ cấp visa du lịch cho những người muốn vào Saudi Arabia với mục đích hành hương.
Trong khu vực Trung Đông, Saudi Arabia không phải nước đầu tiên đưa ra kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển. Trước đó, nhiều nước vùng Vịnh khác bao gồm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait cũng đều có những động thái tương tự. Thế nhưng kế hoạch đưa ra là vậy, việc thực thi mục tiêu cải tổ nền kinh tế của nhóm nước trên còn rất chậm chạp.
Tại Saudi Arabia ở thời điểm này, dầu thô vẫn chiếm hơn 70% nguồn thu, việc giảm phụ thuộc vào dầu mỏ là mục tiêu thực sự cần thiết. Suốt nhiều thập kỷ qua, với nguồn thu dồi dào từ bán dầu, Saudi Arabia đã đưa ra nhiều chương trình trợ cấp rất xa xỉ cho người dân nước này và thậm chí còn không thu thuế đối với nhiều hoạt động kinh doanh.
Từ giữa năm 2014 đến nay, giá dầu liên tục giảm sâu. Chính phủ Saudi Arabia đã phải giảm mạnh chi tiêu, lấy tiền trong dự trữ ngoại tệ quốc gia để bù đắp cho khoản hụt thu từ dầu. Dự trữ ngoại tệ Saudi Arabia giảm 116 tỷ USD tương đương 16% xuống mức 616,4 tỷ USD trong năm 2015. Trong tháng 4/2016, lần đầu tiên Saudi Arabia đã phải vay 10 tỷ USD từ các ngân hàng quốc tế.
Cuối năm 2015, sau quá nhiều lần trì hoãn vì vấp phải sự phản đối của dân chúng, Saudi Arabia đã buộc phải tăng thuế nhiên liệu, nước và điện nội địa.
Những thay đổi về chính sách kinh tế mới nhất được đưa ra trong bối cảnh hết sức nhạy cảm. Saudi Arabia đang theo đuổi cuộc chiến tốn kém tại nước láng giềng Yemen. Saudi Arabia hoài nghi Iran đang cấp tiền cho các lực lượng đối lập với Saudi Arabia.
Ngoài ra, nhà vua của Saudi Arabia cũng luôn muốn đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Ngoài ra, nhà vua của Saudi Arabia cũng luôn muốn đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.