16:26 30/07/2021

Tìm "lối thoát" cho nông sản và trái cây của các tỉnh phía Bắc

Chu Khôi

Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng nhất cho tiêu thụ trái cây và nông sản tại khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay việc xuất khẩu một số loại nông sản, trái cây sang Trung Quốc bị gián đoạn...

Xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu giảm mạnh.
Xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu giảm mạnh.

Chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản các tỉnh phía Bắc chiều 29/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, không chỉ tại miền Nam, mà nông nghiệp ở miền Bắc cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ, lưu thông.

GIÁN ĐOẠN TẠI CỬA KHẨU

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật cho hay, Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng nhất tại khu vực phía Bắc. Theo quy định của Hải quan Trung Quốc, hiện nay, trái cây chỉ được phép thông quan tại các cửa khẩu: Hà Khẩu (Lào Cai); Tân Thanh, Ga Đồng Đăng, Cốc Nam và Chi Ma (Lạng Sơn); và Móng Cái (Quảng Ninh).

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu nông sản, hàng hóa sang Trung Quốc bị gián đoạn.

Cụ thể, tại các cửa khẩu tại Lào Cai, số lượng hàng hóa xuất sang Trung Quốc giảm 30% so với 10 ngày trước. Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trong tuần này đã phát hiện 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 nên việc kiểm soát đã được siết chặt hơn, tốc độ thông quan hàng hóa qua đó cũng chậm hơn rất nhiều.

 
Ban Chỉ đạo phòng dịch Covid-19 huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) đã thông báo về việc cửa khẩu Hà Khẩu tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam từ  ngày 18/7/2021 đến hết ngày 17/8/2021. Thời gian cho phép nhập khẩu trở lại tùy thuộc tình hình khống chế dịch bệnh tại Việt Nam và kết quả đánh giá rủi ro của các cơ quan liên quan.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, để ứng phó trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, từ vài tuần nay, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai thí điểm đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử.

Với mục tiêu “kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số tại nông thôn”, tỉnh Lạng Sơn đã lựa chọn na là sản phẩm đầu tiên thí điểm kinh tế số trong nông nghiệp.

Trước mắt, người dân có nông sản như na Chi Lăng tham gia chỉ cần mở cửa hàng, chụp ảnh quả na, giá bán, địa chỉ hộ gia đình, tài khoản ngân hàng giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Các bước đăng bán hàng, nhận tiền hàng đều được thực hiện dễ dàng trên điện thoại thông minh. Đến nay, chỉ riêng trên địa bàn huyện Chi Lăng đã có hơn 1.000 hộ gia đình mở cửa hàng số để tự bán các sản phẩm nông sản của mình.

Ngành nông nghiệp tỉnh tỉnh Lạng Sơn đặt ra mục tiêu trong năm 2021, có 50% số hộ gia đình kinh doanh, tương đương với khoảng 100.000 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.

Với đặc thù có nhiều cửa khẩu giao thương nông sản với Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn cũng đang nghiên cứu xây dựng cửa khẩu số, nhằm thúc đẩy thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Xác định là nơi có vai trò, vị trí đột phá những điểm nghẽn trong việc mở ra thị trường ổn định cho nông của cả nước, tỉnh Lạng Sơn đã quyết tâm khơi thông dòng chảy thương mại bằng cửa khẩu số.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc, những ngày này đang xuất hiện nhiều khó khăn trong việc lưu thông và phân phối hàng nông sản.

Về quy định vận chuyển, "luồng xanh", mỗi tỉnh một kiểu vận dụng, khiến lưu thông rất khó, đặc biệt vùng giáp ranh. Có những nơi, hai đầu cầu đã yêu cầu khác nhau. Có nơi còn siết chặt quy định, giấy cho phép 72 giờ nhưng chỉ được lưu thông trong 24 giờ.

“Luồng xanh chủ yếu cấp cho các xe vận tải. Nhưng với doanh nghiệp nhỏ, đơn vị đầu mối chủ yếu giao bằng xe máy, loại xe này chưa có giấy nhận diện phương tiện. Về giấy xác nhận đi đường, nhiều nơi chưa kịp, khiến nhân viên khó đi qua các chốt để đảm bảo khâu bán hàng” - bà Phạm Thị Ngọc Lan phản ánh.

THÀNH LẬP TỔ CÔNG TÁC NÔNG NGHIỆP CÁC TỈNH PHÍA BĂC

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nếu tình trạng như hiện nay kéo dài sẽ làm đứt gãy những chuỗi sản xuất nông sản. Vấn đề nghiêm trọng nhất là việc vận chuyển vật tư nông nghiệp gặp khó khăn. Nếu không thu hoạch nông sản sẽ không thể bắt đầu chu kỳ sản xuất mới. Thế nhưng hiện nay nhiều nơi thậm chí thu hoạch được nhưng cũng không thể tiêu thụ.

Trong những ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía bắc trong điều kiện dịch Covid-19. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là Tổ trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ là đơn vị đầu mối.

 
"Tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Bắc chưa bị ảnh hưởng nặng nề như phía Nam nên chúng ta cần xử lý sớm hai vấn đề. Một là xây dựng kịch bản để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn. Hai là bảo đảm năng lực sản xuất để cung ứng cho những khu vực còn lại".
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Tổ công tác sẽ giúp Bộ trưởng chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Cụ thể, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất thời vụ bảo đảm gắn với kế hoạch tiêu thụ nông sản; xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó Tổ công tác cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp thúc đẩy cung ứng, tiêu thụ nông sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của các địa phương thuộc tâm dịch Covid-19.

Theo ông Toản, bài học kinh nghiệm đúc rút từ công tác tháo gỡ cung ứng, tiêu thụ nông sản phía Nam là cần xây dựng vùng đệm để thành lập những điểm trung chuyển kết nối hàng hóa, nông sản.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt bổ sung thêm, Tổ công tác phía Bắc cần lấy kinh nghiệm từ Tổ công tác phía Nam trong việc đánh giá cung cầu của địa phương. Các tỉnh có thể tự cung ứng được bao nhiêu và cần hỗ trợ cụ thể ra sao. Bên cạnh đó cần có danh sách những đầu mối, doanh nghiệp của địa phương và kịch bản vận chuyển nông sản. Cần có kế hoạch sản xuất tiêu thụ, cân đối cung cầu. Từ đó sẽ có phương án chung, sau đó tùy thuộc vào tình hình cụ thể tại địa phương sẽ có những chỉ đạo, phương án chi tiết.