13:18 15/07/2021

Thông “mạch máu” cho ngành thủy lợi

Chu Khôi

Nếu coi trạm bơm, máy bơm là "xương sống" thì mạng lưới kênh, mương, ống dẫn chính là "mạch máu". Vì thế, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, yêu cầu ngành thủy lợi cần ứng dụng sâu, rộng hơn nữa khoa học công nghệ vào xây dựng hệ thống kênh, mương, đường ống dẫn nước...

Lắp đặt đường ống là giải pháp hiệu quả cho ngành thủy lợi.
Lắp đặt đường ống là giải pháp hiệu quả cho ngành thủy lợi.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên cả nước hiện có 291.013 km kênh mương các loại. Hệ thống kênh mương chủ yếu là kênh đất. Số lượng được kiên cố hóa bằng kết cấu bê tông cốt thép mới đạt khoảng 82.744 km, chiếm 28,4% trong tổng chiều dài kênh mương.

KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG CÒN NHIỀU BẤT CẬP

Đánh giá về con số khiêm tốn trên, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết do điều kiện hạn chế về nguồn vốn xây dựng và giải pháp kỹ thuật, công nghệ nên hiện nay, nhiều hệ thống kênh mương công trình thuỷ lợi vẫn trong tình trạng hư hỏng. Việc kiên cố hoá kênh mương cũng còn nhiều bất cập, công trình sau khi cứng hoá đưa vào sử dụng nhanh bị xuống cấp. Do đó, cần có giải pháp về kỹ thuật phù hợp với từng công trình, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và bền vững.

 
"Với mục tiêu phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thời gian tới, ngành thủy lợi cần tập trung triển khai thực hiện các nội dung của Luật Thủy lợi, Chiến lược Thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hệ thống kênh mương (gồm cả kênh mương đất và kênh mương bê tông) chủ yếu chỉ được xây dựng ở vùng đồng bằng, phục vụ tưới tiêu cho trồng lúa và cây rau màu, cây mía, một số ít kênh mương phục vụ tưới cho cây ăn quả. Trong khi ở vùng miền núi, đất dốc, hệ thống kênh mương hở không thể thực hiện được.

Hiện nay, nhiều khu vực miền núi, đất dốc đã trở thành vùng chuyên canh ngô và nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp. Vì vậy, cần phải có giải pháp phù hợp để phát triển thủy lợi cho vùng miền núi, những khu vực đất dốc.

Ông Nam tính toán, xây dựng mạng lưới đường ống dẫn nước sẽ đem lại hiệu quả về lâu dài. Dù chi phí xây dựng đường ống dẫn cao hơn từ 30-40% so với kênh mương hở, nhưng chi phí giải phóng mặt bằng giảm 50%, chi phí quản lý vận hành giảm 70%, tổn thất cột nước giảm 30% và nhiều loại chi phí khác cũng có thể cắt giảm.

GIẢI PHÁP MỚI CHO HỆ THỐNG THỦY LỢI

Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) thông tin, qua nghiên cứu thực tế, hệ thống ống dẫn nước đặc biệt phát huy ưu thế khi xây dựng trên đất dốc, khu vực miền núi, hoặc những vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây công nghiệp. Đặc biệt, với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, sử dụng đường ống sẽ tách được đường dẫn nước chung, đảm bảo vệ sinh và tránh được bệnh dịch.

 “Thay thế hệ thống kênh mương bằng đường ống trong các công trình thủy lợi còn đem lại nhiều lợi ích như đảm bảo sự ổn định và chất lượng nguồn nước ở địa hình phức tạp; thích hợp với xu hướng hiện đại hóa, thông minh, tiết kiệm nước; giảm thiểu chi phí sửa chữa khi thiên tai xảy ra”, ông Thành nhấn mạnh và cho biết thêm, trong tổng số 291.013 km kênh mương, đường ống mới chỉ chiếm khoảng 1.200 - 2.910 km (tương đương từ 0,5-1%). Hiện nay, chỉ có tỉnh Ninh Thuận là có hệ thống đường ống mới được xây dựng bài bản.

 
Sản xuất của Việt Nam còn mang tính nhỏ lẻ, không theo chuỗi, thiếu quy định về tích tụ ruộng đất. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn về thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành đường ống hiện phải sử dụng tiêu chuẩn của cấp nước đô thị.

Trước thực tế này, ông Tỉnh cho rằng cần phải điều tra cơ bản để có đánh giá đầy đủ và chi tiết về hiện trạng, nhu cầu ứng dụng đường ống. Ngoài ra, cần có một bộ hướng dẫn kỹ thuật vận hành, tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật cho công tác bảo trì đường ống.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý thêm: "Chúng ta cần làm rõ ba vấn đề chính: điều kiện nào bắt buộc phải dùng đường ống dẫn nước. Nếu nói là xây trên đất dốc, thì phải nói rõ dốc bao nhiêu phần trăm?. Nếu nói xây trên địa hình bị chia cắt, thì chia cắt như thế nào?. Nếu nền đất yếu, thì cũng phải định tính cụ thể. Quan trọng hơn là tầm nhìn, trong thiết kế, thi công, quản lý đường ống dẫn nước còn khó khăn, vướng mắc gì? Cần phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa giá thành và hiệu quả kinh tế khi đưa ống dẫn nước phải dùng trên diện rộng".

Ngoài ra, cần tăng thời gian bảo hành cho các công trình thủy lợi, có thể lên từ 3-5 năm, giúp các chủ đầu tư yên tâm đấu thầu. “Các đơn vị thi công có thể xem xét việc sử dụng đan xen nhiều loại ống dẫn trên một công trình thủy lợi. Chúng ta phải xác định, đây là tài sản đầu tư cho tương lai lâu dài, không chỉ riêng ngành thủy lợi", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.