09:54 09/08/2013

Thu hút FDI: Bước chậm trong khôn ngoan?

Đoàn Trần

Sự khởi sắc trở lại của FDI thời gian qua cũng không thể xua đi những u ám của thực tế

Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012-2013 do Diễn đàn Kinh 
tế Thế giới (WEF) tiến hành khảo sát với 144 nền kinh tế, Việt Nam xếp 
vị trí 75, tụt 10 bậc so với năm 2012 (vị trí 65). Trong khi đó, các 
nước trong khu vực có xu hướng duy trì và cải thiện thứ hạng - Ảnh: Việt Tuấn.<br>
Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012-2013 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tiến hành khảo sát với 144 nền kinh tế, Việt Nam xếp vị trí 75, tụt 10 bậc so với năm 2012 (vị trí 65). Trong khi đó, các nước trong khu vực có xu hướng duy trì và cải thiện thứ hạng - Ảnh: Việt Tuấn.<br>
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng, “phần thưởng” an ủi cho sự “bước chậm” trong khi các nước lân cận đều giữ vững vị trí, điểm số hoặc đi lên trong thu hút FDI, là Việt Nam đã khôn ngoan hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: “Hiện nay chúng ta đã khôn ngoan hơn, chính sách chặt chẽ  hơn nên chênh lệch giữa vốn đăng ký và thực hiện đã thu hẹp lại. Đây là điều rất tốt”. Số liệu dẫn chứng cho nhận định này là vốn giải ngân thực hiện 7 tháng đầu năm nay đã cao hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế: từ một quốc gia được coi là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư nước ngoài cách đây 20 năm với giá nhân công rất rẻ, tài nguyên nhiều và ưu đãi lớn thì đến nay những lợi thế  đó của Việt Nam đã dần mất đi. Chẳng hạn như nhân công giá rẻ không còn là lợi thế nữa vì kinh tế Việt Nam đã có tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nên mức lương tối thiểu cũng tăng lên.

Thêm vào đó, Chính phủ chủ trương thắt chặt trong lựa chọn những dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít ô nhiễm môi trường khiến thu hút FDI trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, hạ tầng của Việt Nam không tốt, thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều...

Giật mình cùng nỗi lo tụt hậu


Từ chỗ chỉ chiếm gần 6% tổng FDI vào khu vực Đông Nam Á giai đoạn 1990-2000, đến giai đoạn 2005-2010, Việt Nam đã chiếm trên 10,29% tổng FDI, đạt cao nhất tới 17% trong năm 2008.

Nhưng thời kỳ đỉnh cao bắt đầu dấu hiệu thoái trào khi sang năm 2009, vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm lại so với trước và tạo một xu hướng giảm suốt từ đó đến nay.

Sự suy giảm của FDI vào Việt Nam được nhìn thấy rõ rệt vào năm 2011, với vốn đăng ký, đạt 14,7 tỷ USD, giảm tới 26% so với năm 2010. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD, giảm 35%.

Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan vốn có của người Việt, nguy cơ này ban đầu được nhìn nhận là  thời cơ để có thể bình tĩnh sàng lọc nguồn vốn FDI một cách hiệu quả hơn, chứ chưa có những đánh giá thực sự thẳng thắn vì sao nguồn vốn này suy giảm.

Chỉ cho đến khi xuất hiện ngày một nhiều hơn các doanh nghiệp FDI đóng cửa các nhà máy của họ tại Việt Nam hoặc di chuyển sang các nước khác trong khu vực, thì mối lo này mới thực sự được đánh thức.

Giật mình nhìn lại chặng đường 1/4 thế kỷ  thu hút vốn FDI, đã có nhiều ý kiến mổ xẻ trong tiếc nuối và trong hy vọng làm sao đưa Việt Nam quay trở về thời kỳ vàng son trong thu hút nguồn vốn này.

Như Thủ tướng Chính phủ nói trong phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối năm 2012: “Nếu không cải cách, đổi mới môi trường thu hút đầu tư thì chắc chắn sẽ tụt hậu, không thể cạnh tranh được trong bối cảnh các nước trong khu vực liên tục có những chính sách cởi mở thu hút đầu tư”.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mại, đánh giá của các tổ chức thế giới cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam từ hấp dẫn nhất thành kém hơn các nước có mức xuất phát điểm tương đương trong khu vực. Việt Nam có khởi đầu khá nhưng bước ngày càng chậm hơn, đồng thời bỏ mất nhiều cơ hội đáng lẽ ra có thể tranh thủ cho FDI hiệu quả hơn.

Niềm hy vọng mong manh

Các con số về thu hút FDI 7 tháng qua cho thấy niềm hy vọng về thời kỳ đỉnh cao đang dần quay trở lại cùng nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư. Song, niềm hy vọng này vẫn còn mong manh, khi chúng ta chưa thoát khỏi tư duy “bôi trơn”, như một dẫn chứng mà GS.TS. Nguyễn Mại đưa ra về câu chuyện của Nokia và Samsung.

Samsung muốn vài ha đất làm một khu nghiên cứu phát triển ở Hà Nội, nhưng họ bị đòi giá đất rất cao khiến không thể triển khai nổi. Trong khi Hà Nội đang rất cần các trung tâm nghiên cứu phát triển có thể tạo việc làm cho khoảng 2.000-3.000 kỹ sư. Vậy tại sao đòi giá đất cao như thế?

Thêm vào đó là những vướng mắc về kỹ thuật cũng chưa thấy có dấu hiệu  được cải thiện, mà TS. Trần Du Lịch có đưa ra dẫn chứng: “Có doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam sản xuất rượu sakê nhưng phải mua gạo nếp của Thái Lan vì Việt Nam không trồng loại nếp làm rượu sakê. Nếu cứ thu hút đầu tư mà không có chiến lược phát triển các ngành phụ trợ thì đến bao giờ mới có hy vọng thu hút được dòng vốn FDI hiệu quả”.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Đoàn Xuân Hưng bình luận thêm: “Việt Nam nói ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ nhưng chính sách lại không có khiến nhà đầu tư không biết điều kiện gì để đầu tư”.

Sự khởi sắc trở lại của FDI thời gian qua cũng không thể xua đi những u ám của thực tế: Việt Nam đã trượt dài xuống nửa dưới của bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh. Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2012-2013 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tiến hành khảo sát với 144 nền kinh tế, Việt Nam xếp vị trí 75, tụt 10 bậc so với năm 2012 (vị trí 65). Trong khi đó, các nước trong khu vực có xu hướng duy trì và cải thiện thứ hạng. Singapore bảo vệ thành công vị trí á quân. Malaysia dù bị tụt 4 bậc xuống vị trí thứ 25 nhưng vẫn duy trì điểm số. Thái Lan sau 6 năm liên tiếp tụt hạng đã tạm dừng ở vị trí 38...

Và do đó, khó có thể khẳng định trong bối cảnh buộc phải bước chậm như vậy, Việt Nam lại có thể trở nên “khôn ngoan” hơn trong thu hút vốn FDI.