09:14 29/04/2021

Thủ tướng: "Có quy hoạch tốt, dự án tốt, ắt sẽ có nhà đầu tư tốt"

Tiến Dũng

Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lắng nghe, nắm bắt những vướng mắc của bộ và chỉ đạo định hướng để tháo gỡ và tạo điều kiện cho ngành phát triển

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải - Ảnh: VGP

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết bộ đã triển khai lập 5 quy hoạch ngành thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến, bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch trong quý 2/2021. 

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC VÀO CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM

5 quy hoạch ngành thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ; đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; quy hoạch cảng hàng không, sân bay; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Bộ sẽ tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025 theo quy hoạch và tổng mức vốn ngân sách trung ương cấp theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ thông báo.

 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Bộ Giao thông vận tải cần quán triệt nguyên tắc "3 không" khi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Đó là: "Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm" bởi chỉ khi gặp khó khăn thì địa phương mới nhờ đến bộ.

Trong năm 2021, một số dự án giao thông trọng điểm sẽ được tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (11 dự án với 654 km), cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên...

Bên cạnh đó, bộ dự kiến hoàn thành đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài... Năm nay, bộ sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án mới trong kỳ trung hạn 2021-2025.

Bộ cũng sẽ tiếp tục xử lý vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí sử dụng đường bộ, triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả hệ thống thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ sẽ phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác công - tư; đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp xử lý đối với từng việc, từng lĩnh vực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

ĐẶC BIỆT CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC QUY HOẠCH

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Bộ Giao thông vận tải phải coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

"Là cơ quan quản lý cơ sở vật chất, nguồn vốn lớn, Bộ Giao thông vận tải phải đi đầu về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, từ lãnh đạo bộ đến cán bộ, công chức, viên chức một cách đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

"Công việc càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm thì càng phải giữ nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe và quyết định theo đa số"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về công tác quản lý Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh Bộ Giao thông vận tải phải hết sức chú trọng công tác quy hoạch. Các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà bộ đang xây dựng phải kết nối chặt chẽ với nhau, thành mạng lưới giao thông tổng thể quốc gia.

"Từ quy hoạch, phải xác định được các dự án trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thực hiện. Có quy hoạch tốt, có dự án tốt, ắt sẽ có nhà đầu tư tốt”, Thủ tướng nói. 

Về vấn đề huy động nguồn lực, Thủ tướng cho rằng nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, mà bộ còn gặp nhiều khó khăn, do đó, phải phát huy tính tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo. Thủ tướng yêu cầu bộ đẩy mạnh hình thức hợp tác công-tư và một số hình thức đầu tư khác, tham khảo các mô hình hiệu quả từ các nước tiên tiến, nhất là từ các địa phương trong nước đã làm có hiệu quả.

Theo Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải phải chủ động bám sát thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực hợp pháp, hiệu quả để phát triển.

"Công việc càng khó, càng phức tạp, nhạy cảm thì càng phải giữ nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, khiêm tốn, cầu thị lắng nghe và quyết định theo đa số", Thủ tướng nhấn mạnh. "Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì cứ thế mà làm. Cái gì chưa có quy định hay thực tế vượt quá quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn và không nóng vội". 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Bộ Giao thông vận tải cần quán triệt nguyên tắc "3 không" khi tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Đó là: "Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm" bởi chỉ khi gặp khó khăn thì địa phương mới nhờ đến bộ.

"Chức năng, nhiệm vụ và công việc của ngành là rất nặng nề, khó khăn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, lãnh đạo cần quán triệt tinh thần nghĩ phải chín, phải kỹ; tư tưởng phải thông. Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn. Hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Làm có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào thì dứt điểm việc đó”, Thủ tướng Chính phủ quán triệt.